Chất lượng sinh hoạt chi bộ - đổi mới từ bí thư, cấp ủy

Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI

TUY nhiên, hiện nay nhiều cơ quan đơn vị vẫn chưa thống nhất về trình tự chuẩn bị một buổi sinh hoạt chi bộ. Đã có Chỉ thị của Ban Bí thư, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Đảng ủy cấp trên về quy trình sinh hoạt chi bộ, song vẫn còn hiện tượng coi sinh hoạt chi bộ là công việc của bí thư chi bộ, nhiều chi bộ khoán trắng cho bí thư.

Chuyện mời họp: Hoặc ngoài công việc chuyên môn xem có thời gian nào còn trống thì bố trí sinh hoạt chi bộ. Việc thông báo trước về thời gian dự kiến sinh hoạt chi bộ vẫn chưa được thực hiện tốt trong các kỳ sinh hoạt. Đa số các chi ủy chỉ báo trước về thời gian sinh hoạt, còn nội dung cụ thể thì không được thông báo trước. Những câu cửa miệng của bí thư khi triệu tập họp chi bộ có thể ở mấy dạng:

Họp đối phó quy định: Bí thư chi bộ A thông báo họp tháng 4: “Sáng mai thứ 6 cuối tuần, cuối tháng rồi mọi người đi họp chi bộ cho xong tháng này nhé”; Bí thư chi bộ B thông báo họp tháng 5: “Mai các đồng chí đi họp chi bộ nhé không nhỡ người ta kiểm tra lại không đủ số lần họp theo quy định thì gay go đấy các đồng chí ạ”

Họp đảng là phụ, kết hợp giải quyết chuyện khác: Bí thư chi bộ C thông báo: “Chiều mai thứ 3 họp cơ quan, nhân tiện ta họp chi bộ luôn cho đủ số lượng cuộc họp chi bộ nhé”.

Có nơi phổ biến: “Đúng 3 h chiều nay, mời các đồng chí đảng viên họp chi bộ, khi đi các đồng chí nhớ mang tiền đóng đảng phí quý 3”;

Có bí thư triệu tập kiểu: “Hôm nay đã gần hết tháng rồi mà chi bộ ta chưa họp được nên nhân tiện cuộc họp toàn cơ quan hôm nay, các đồng chí đảng viên ở lại để tranh thủ họp chi bộ một lúc!”

Nội dung sinh hoạt cũng chưa có hồi kết. Bàn cái gì, nói cái gì nếu không có văn bản, thông báo của cấp trên. Bí thư nêu chuyện gì là chủ đề chính để đảng viên thảo luận, bàn bạc lâu nay vẫn còn là chuyện.

Công thức hóa, xơ cứng hóa: Tôi nghe có chuyện vui ở một chi bộ. Nhiều cuộc họp trong năm 2011, đồng chí bí thư đều nói: “Tôi xin thông báo với các đồng chí cuộc họp hôm nay gồm ba phần: nghe tình hình về biển Đông, kiểm điểm công tác tháng qua và phương hướng công tác tháng tới”- Như một công thức! Cứ thế mà thay tên tháng nọ tháng kia.

Lẫn lộn sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt chuyên môn là thực tế nói mãi. Đành là chi bộ lãnh đạo toàn diện, song nếu bị biến tướng, họp chi bộ chỉ bàn về công tác chuyên môn, thời gian sinh hoạt chi bộ hay được ghép sau khi sinh hoạt chuyên môn, hoặc tổ chức sinh hoạt đảng, công đoàn, đoàn thanh niên lần lượt trong cùng một buổi, thì thực tế đó rất đáng suy nghĩ. Có đồng chí bí thư nói ‘thẳng tưng”, “trắng phớ” như thế này: “Thư ký ghi đầy đủ ngày, tháng, năm họp chi bộ cho đủ số cuộc họp đấy nhé! Bây giờ ta chuyển sang bàn về chuyên môn. Công tác đảng chủ yếu chỉ là nghị quyết, phương hướng để triển khai! Không có chuyên môn thì lấy đâu ra tiền mà chi tiêu, chuyên môn không mạnh thì Đảng cũng không mạnh được!”

Phụ thuộc chuyện chuyên môn trong sinh hoạt chi bộ cũng là một biểu hiện xem nhẹ. Các vấn đề liên quan đến công tác đảng ít được bàn bạc, kể cả các vấn đề về tâm tư, tình cảm, diễn biến tư tưởng, ít khi được đưa ra thảo luận. Phải chăng, “trong thời buổi kinh tế thị trường” thì sinh hoạt Đảng không bàn đến chuyện tâm tư tình cảm của đảng viên nữa, coi đó là “chuyện cá nhân”?

Về phương pháp, ít trao đổi bàn bạc, nặng phổ biến, quán triệt. Tôi còn nhớ cuộc họp của chi bộ B bàn về công tác nhân sự. Sau khi bí thư thông báo các nội dung họp, chi bộ tiến hành thảo luận, rất nhiều ý kiến trái chiều nhau làm bí thư không thể kết luận được.

Cuối cùng bí thư “chốt hạ”: “Cuộc họp kết thúc ở đây! Nếu đồng chí nào không tán thành nghị quyết hoặc có ý kiến gì khác thì lúc nào lên gặp riêng tôi!”. Như vậy, ở đây năng lực về công tác Đảng, công tác tổ chức cán bộ của bí thư có vấn đề. Dân chủ không ra dân chủ (khi “thả gà ra đuổi”, nói thoải mái mà không biết nên nói cái gì là chính), tập trung không ra tập trung (khi không thể xử lý được thông tin hỗn loạn, không định hướng và kết luận được vấn đề chính yếu của hội nghị), sẽ dẫn đến, hoặc là khơi ra rồi để đấy, hoặc là dân chủ nửa vời, hoặc là sa vào tác phong gia trưởng, độc đoán.

Coi nhẹ việc nắm bắt tư tưởng của của đảng viên. Trong nội dung các kỳ sinh hoạt, ít thấy chi bộ làm công tác tư tưởng với đảng viên, ít đề cập đến việc sửa chữa các khuyết điểm của đảng viên. Giai đoạn mới, không phải là “cạo nhau”, “dội nước sôi”, là “đấu tố”, như nhiều người nói, song trong Đảng rất cần sự thẳng thắn trên tinh thần đồng chí và xây dựng, cọ xát để tìm ra cái đúng, giúp nhau tiến bộ. Phê bình và tự phê bình quyết không phải là hình thức bôi nhọ, mạt sát nhau. Song quả thật, trong thực tiễn hiện nay, nhiều người né tranh vấn đề này. Sợ cái mũ “mất đoàn kết”, “mâu thuẫn nội bộ” lơ lửng trên đầu. Đó cũng là một thực trạng cần nhìn thẳng vào.

Ra nghị quyết “mođun”, nghị quyết “trên trời” . Vì ngại, vì coi thường, vì nhạt nhẽo, nên nghị quyết chi bộ - công cụ để tổ chức cơ sở đảng lãnh đạo mọi việc- từ nghị quyết toàn khóa cho tới nghị quyết chuyên đề, đã bị hình thức hóa.

Xin đơn cử thí dụ.

Trong sinh hoạt tháng 6-2011 của chi bộ B, sau khi đọc hết các nội dung sinh hoạt chi bộ trong vòng 5 phút, bí thư chi bộ đồng thời là thủ trưởng đơn vị hỏi“Mời các đồng chí thảo luận đóng góp ý kiến bổ sung cho dự thảo đánh giá công tác tháng 6 và phương hướng công tác tháng 7 của chi bộ ta”. Cả chi bộ lặng thinh không ai có ý kiến gì, không khí yên ắng, căng thẳng, ngột ngạt. Một đồng chí hàng ngày nổi tiếng là hài hước bỗng phá tan bầu không khí yên lặng bằng câu nói cộc lốc: “Nhất trí thôi!”. Cả chi bộ thở phào vì có người nói hộ. Lát sau, bí thư nói: “Nếu các đồng chí không có ý kiến gì thì cuộc họp chi bộ của chúng ta hôm nay kết thúc ở đây, đồng chí thư ký ghi thành nghị quyết của chi bộ tháng này”.

Tháng 3-2011, tôi biết ở chi bộ C, sau khi đọc hết các nội dung sinh hoạt chi bộ trong vòng 5 phút, đồng chí bí thư hỏi: “Mời các đồng chí thảo luận đóng góp ý kiến bổ sung cho dự thảo đánh giá công tác tháng 3 và phương hướng công tác tháng 4 của chi bộ ta”. Cả chi bộ không ai có ý kiến gì. Một lúc sau, đồng chí bí thư kết luận “như vậy, chi bộ đã nhất trí với dự thảo báo cáo mà chi ủy đã chuẩn bị, tôi đã thông báo tới các đồng chí một số thông tin và một số vấn đề liên quan đến công tác cán bộ. Các đồng chí đã rõ và cứ thế thực hiện không sau này lại bảo là không dân chủ bàn bạc đấy nhé!”

Ỷ lại vào cấp ủy, triệt tiêu sáng kiến, trách nhiệm cá nhân, phó mặc cho tập thể, vậy là nghị quyết, cứ thế ra đời. Hết tháng này đến tháng khác. Mặc kệ cuộc sống phong phú, phức tạp, mặc kệ bao nhiêu việc cần phải bàn bạc tranh cãi để tìm ra chân lý.

Thử hỏi, những nghị quyết đó, cho dù đã được một bộ phận có trách nhiệm soạn thảo, song với sự tiếp nhận của đảng viên từ những “thảo luận” kiểu ấy, “tranh luận” kiểu ấy, “ra đời” kiểu ấy, liệu có sức sống không, có phản ánh hết thực tiến sinh động không, chứ chưa nói đến sức chiến đấu ?

Vậy đâu là giải pháp đổi mới chất lượng sinh hoạt chi bộ

Thứ nhất là nhận thức của đảng viên và cấp ủy. Không mong chờ gì chi bộ sinh hoạt tốt nếu các đầu tầu trục trặc. Bí thư và cấp ủy phải thực hiện tốt các văn bản như Chỉ thị số 10-CT/TW, các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy cấp trên về chi bộ và sinh hoạt chi bộ.

Nhưng hiện nay, văn bản của Đảng mới chỉ có quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng, chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ. Thực tế là ai nắm chuyên môn và cán bộ, người đó thực hiện vai trò lãnh đạo thực tế. Hiện nay, các chi bộ cơ quan hầu như không lãnh đạo nhiệm vụ chuyên môn và công tác cán bộ mà việc đó do thủ trưởng. Việc thí điểm đồng nhất bí thư trong vai trò thủ trưởng là để giải quyết vấn đề này. Do vậy, một trong những vấn đề then chốt trong đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là làm sao chi bộ phải thực sự là hạt nhân lãnh đạo.

Thứ hai, không là cái “bóng”, cũng không thay mặt. Điều này đòi hỏi khắc phục cả hai khuynh hướng: chi bộ là bản sao mờ nhạt của chuyên môn, chuyên môn bàn gì, chi bộ bàn làm việc đó; hoặc chỉ bộ chỉ bàn những việc thuộc chức trách của thủ trưởng đơn vị, nghĩa là chi bộ làm thay chuyên môn. Thực tế cho thấy nếu nội dung sinh hoạt chi bộ gắn với các vấn đề về tư tưởng, đạo đức, đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên, sinh hoạt học tập, chuyên đề thì ít khi bị lẫn với chuyên môn.

Thứ ba, chấp hành nề nếp, chế độ sinh hoạt nghiêm, coi đây là yếu tố quan trọng đánh giá tổ chức đảng và đảng viên. Hình thức sinh hoạt chi bộ cần đa dạng hóa, sinh động, có nội dung cụ thể.

Các buổi sinh hoạt có thể kết hợp tổ chức ở các địa danh lịch sử, địa điểm có ý nghĩa.

Có thể mời thêm báo cáo viên, chuyên gia, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo quản lý cơ quan, đơn vị sinh hoạt cùng chi bộ để tăng cường hàm lượng thông tin, chỉ đạo, định hướng, làm tốt công tác tư tưởng…

Thứ tư, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt chi bộ phải quán triệt và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; cần dành thời gian thỏa đáng để đảng viên trong chi bộ phát biểu và thể hiện chính kiến của mình. Bí thư chi bộ cần thực sự khách quan, cầu thị, chú ý lắng nghe đảng viên phát biểu, bày tỏ tâm tư, chính kiến; khuyến khích động viên tất cả các đảng viên phát biểu, cuối năm nên tính việc phát biểu của mỗi đảng viên cũng là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại đảng viên. Nhưng ở đây cũng cần nói rõ: điều ấy chỉ thực hiện được khi bí thư thực sự cầu thị, dân chủ, không thành kiến, để bụng hẹp hòi. Anh kêu gọi đảng viên nói, khi họ nói anh lại thành kiến để bụng thì ai nói nữa? Cần tổ chức bồi dưỡng cho bí thư chi bộ, chi ủy viên cả về nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng điều hành sinh hoạt chi bộ, khả năng ứng phó và giải quyết các tình huống. Xây dựng các tiêu chí để đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ như tiêu chí về số lượng và về nội dung sinh hoạt, phương thức sinh hoạt.

THAY đổi một nếp làm việc không dễ. Đảng mạnh phải là mạnh từ cơ sở, từ tổ chức cơ sở đảng cơ sở. Trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới nội dung và phương pháp sinh hoạt chi bộ sẽ tạo cho tổ chức cơ sở Đảng sức sống mới, đủ sức đương đầu và giải quyết ngay tại cơ sở những vấn đề thực tiễn nảy sinh, những vướng mắc, thậm chí là cả cả những biểu hiện lệch lạc, dấu hiệu suy thoái. Trong lòng sự đổi mới đó, vai trò của bí thư, cấp ủy vô cùng quan trọng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/ch-t-l-ng-sinh-ho-t-chi-b-i-m-i-t-bi-th-c-p-y-1.315357