Chất lượng quản lý phải đo bằng hiệu quả công việc

(GD&TĐ) - Trò chuyện với NGƯT Hoàng Ngọc Quý, Hiệu trưởng nhà trường, xung quanh vấn đề nâng cao chất lượng và đổi mới công tác quản lý, một vấn đề đang được Bộ GD-ĐT xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm học này.

P.V: Thưa NGƯT Hoàng Ngọc Quý, được biết ông có tham luận được chọn là một trong 8 bài của Việt Nam báo cáo ở Hội nghị chất lượng châu Á năm 2009 tổ chức vào giữa tháng 9 năm 2009 tại Tokyo, Nhật Bản. Xin ông vui lòng cho biết tên đề tài và sức thu hút của báo cáo tại Hội nghị? NGƯT Hoàng Ngọc Quý (HNQ): Đây là hội nghị khoa học Quốc tế về chất lượng được tổ chức luân phiên hàng năm tại các nước châu Á. Hội nghị “7th ANQ Congress 2009 Tokyo” diễn ra từ ngày 14-21/9/2009 tại Nhật Bản. Bài tham luận của tôi là “Mô hình và kinh nghiệm phát triển chất lượng ở Trường CĐSP Thừa Thiên Huế. Sự kết hợp hài hòa giữa phát triển hiệu quả nguồn lực với nâng cao chất lượng văn hóa và vì sự phát triển cộng đồng”. Tham dự Hội nghị chất lượng này có nhiều nước tham dự, đa số là các nhà doanh nghiệp, tôi báo cáo về mô hình chất lượng giáo dục cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế, chất lượng được xem là tiền đề của phát triển, của thịnh vượng. Trong lĩnh vực giáo dục, chất lượng lại càng quan trọng hơn. Nhà giáo ưu tú Hoàng Ngọc Quý P.V: Ông có thể cho biết đôi nét khái quát về “phát triển hiệu quả nguồn lực với nâng cao chất lượng văn hóa và vì sự phát triển cộng đồng”? NGƯT HNQ: Phát triển hiệu quả nguồn nhân lực trong trường học bao gồm phát triển tiềm năng người học và các nguồn lực của nhà trường. Đó là phát huy hiệu quả vốn tri thức, kỹ năng cùng các tiềm năng khác của người học có định hướng cùng với phát huy nguồn lực của nhà trường để nâng cao chất lượng. Vun trồng và phát triển văn hóa tích cực, tạo ra sự đặc trưng độc đáo, sức mạnh cạnh tranh về chất lượng văn hóa trong các cơ sở đào tạo. Văn hóa ISO, văn hóa ứng xử, văn minh giao tiếp, văn hóa môi trường… là những đặc trưng về văn hóa chất lượng. Hoạt động vì sự phát triển cộng đồng nhằm nâng cao kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, tính nhân văn. Trường Cao đẳng sư phạm Thừa Thiên Huế đã kết hợp hài hòa 3 yếu tố trên trong quá trình đào tạo. P.V: Có phải từ vận dụng mô hình này trong đào tạo mà nhà trường đã khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình hay không, thưa ông? NGƯT HNQ: Yếu tố quan trọng hàng đầu trong giáo dục đào tạo là uy tín về chất lượng. Trong bối cảnh thị trường giáo dục mở ra hiện nay, việc khẳng định thương hiệu, uy tín lại càng cần thiết. Chúng tôi coi việc nâng cao chất lượng, không chỉ là kiến thức, kỹ năng mà phải song hành với hoạt động xây dựng một nhà trường văn hóa, nhà trường vì cộng đồng thông qua việc phối hợp đồng bộ các hoạt động đào tạo với phát huy vai trò của các đoàn thể (đoàn thanh niên, công đoàn...) tổ chức nhiều hoạt động vì cộng đồng. Những thu nhận được từ các hoạt động trên sẽ rất bổ ích để sinh viên vào cuộc sống. P.V: Trong báo cáo tại Hội nghị Chất lượng châu Á, ông có đề cập đến Văn hóa ISO. Ông có thể nói rõ hơn về việc thực hiện Văn hóa ISO tại Trường CĐSP Thừa Thiên Huế? NGƯT HNQ: Văn hóa ISO trong nhà trường tức là mọi hoạt động nhà trường đều hướng tới chất lượng, vì chất lượng, hướng tới khách hàng. Khách hàng ở đây là sinh viên. Tất cả CBCNVC của nhà trường phải hướng đến phục vụ tốt nhất cho SV. Hiện tại, Trường CĐSP Thừa Thiên- Huế đang thực hiện vận hành ISO 9001 phiên bản 2008. P.V: Được biết từ những hoạt động thiết thực, có hiệu quả mà Trường CĐSP Thừa Thiên Huế đã được Bộ Công thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng GĐ Đài Tiếng nói Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam trao cúp vàng “Vì sự phát triển cộng đồng”. Xin ông cho biết kinh nghiệm tổ chức các hoạt động vì sự phát triển cộng đồng của Trường CĐSP Thừa Thiên Huế ? NGƯT HNQ: Đối với các cơ sở GD không có nguồn tài chính dồi dào như các doanh nghiệp thì đầu tư cho nguồn lực cộng đồng là cơ bản nhất. Cụ thể: Đào tạo nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trường thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các vùng núi, vùng khó khăn về kinh tế, xã hội; Tham gia các phong trào văn hóa, thể thao ở địa phương, khu vực và cả nước; Giao lưu văn hóa với các trường trong và ngoài nước vì mục đích hòa bình, thịnh vượng. Thanh niên hoạt động tình nguyện tại chỗ theo hướng SV chủ động tìm hiểu thực tế nhu cầu trong nhân dân, tự đăng ký hoạt động tình nguyện, nhà trường cấp giấy giới thiệu để SV hoạt động (theo nhóm). Năm 2009, phong trào hoạt động tình nguyện tại chỗ theo nhóm được triển khai rộng khắp trong đông đảo HS toàn trường. Có 33 nhóm tình nguyện đã đăng ký và đang hoạt động tại các địa phương. Hoạt động tình nguyện theo chiến dịch được tổ chức vào dịp hè ở các vùng khó khăn với nhiều hoạt động khác nhau. Mỗi năm có hàng trăm SV tình nguyện tham gia hiến máu nhân đạo. Ngoài ra, nhà trường còn tham gia bồi dưỡng kiến thức tin học cho GV vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ tiếp sức mùa thi… Trong điều kiện nguồn tài chính GD còn hạn hẹp, nhà trường vẫn duy trì được hoạt động hỗ trợ vật chất bằng sự đóng góp tự nguyện của cán bộ, SV như xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình khó khăn tại xã Hương Lâm, vùng núi huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên- Huế; Vận động sự đóng góp kinh phí của CB, SV để hỗ trợ cho nạn nhân chất độc màu da cam, cho người tàn tật, cho những vùng gặp thiên tai; tặng quà cho HS nghèo vươn lên trong học tập, tặng quà cho người già có hoàn cảnh khó khăn… P.V: Liên tiếp từ năm học 2007 đến nay, Trường CĐSP Thừa Thiên Huế đã nhận được nhiều Bằng khen của Bộ GD-ĐT về hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, về Tổ chức có hiệu quả Dự án Đào tạo GV THCS, về thực hiện nhiệm vụ giáo dục Dân tộc… Trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà hệ thống GD đại học, cao đẳng luôn phải đương đầu với những thách thức của hội nhập và phát triển, thì đạt đến những thành quả như vậy không phải là dễ. Thưa ông, quản lý một nhà trường có giống như quản lý một doanh nghiệp hay không? NGƯT HNQ: Quản lý một nhà trường thực thụ cũng như một quản lý doanh nghiệp, không chỉ lo công tác chuyên môn, còn phải lo định hướng phát triển, xây dựng chiến lược, kể cả phải cạnh tranh để tồn tại. Tuy nhiên, sản phẩm của nhà máy, xí nghiệp làm ra chỉ đánh giá trên một số tiêu chí nào đó và bảo hành có thời hạn, còn trong giáo dục, thước đo sản phẩm lại rất khác và việc bảo hành là vô hạn. Người hiệu trưởng phải lo từ đời sống tinh thần đến đời sống vật chất cho đội ngũ. Quản lý bây giờ không thể thiên về cơ chế hành chính mà phải mềm dẻo, linh hoạt, thu hút được đội ngũ bằng sự chia sẻ đời sống tinh thần, bằng lợi ích vật chất và sự cống hiến. Với người thầy giáo, lương cao chưa hẳn đã giữ được họ mà còn rất nhiều khía cạnh khác về đời sống tinh thần họ cần được sự chia sẻ. Một khi họ thực sự gắn bó với trường, coi trường như ngôi nhà của mình thì sẽ tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển. Khi đó, người cán bộ quản lý mới có uy tín. Chất lượng quản lý phải được đo bằng chính hiệu quả của công việc. P.V: Xin cảm ơn ông! Nguyễn Thị Thúy Hồng (thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/2009/09/1717193/