Chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật, an toàn giao thông

QĐND - Thực hiện Chỉ thị số 37/CT-ĐUQSTW của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Chỉ thị số 85/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quy trong QĐND Việt Nam, những năm qua, toàn quân đã tạo được những bước chuyển biến căn bản trong xây dựng nền nếp chính quy; việc chấp hành kỷ luật, pháp luật có tiến bộ... Đó là một trong những yếu tố quan trọng để Quân đội ta hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tuy nhiên, tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật chuyển biến, tiến bộ chưa đồng đều và thiếu vững chắc. Đặc biệt thời gian gần đây tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật, mất an toàn trong công tác, huấn luyện, tham gia giao thông có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra, ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống, sức mạnh chiến đấu của quân đội, gây dư luận không tốt trong đơn vị và xã hội. Nguyên nhân có nhiều, nhưng rõ nhất là nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ những yếu kém, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, quản lý của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp. Do nhận thức chưa đầy đủ nên cấp ủy, chỉ huy một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong quản lý bộ đội, quản lý VKTBKT, duy trì chấp hành kỷ luật, pháp luật, an toàn giao thông. Những tồn tại, yếu kém, các vụ việc chưa được xử lý nghiêm minh, rút kinh nghiệm kịp thời. Chế độ báo cáo tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật, an toàn giao thông chưa được thực hiện nghiêm túc gây khó khăn cho công tác nhận định, đánh giá, dự báo, phát hiện, giải quyết các vấn đề tư tưởng nảy sinh và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện, khắc phục yếu kém. Việc tổ chức rút kinh nghiệm công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội theo hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, có nơi làm chưa hiệu quả, còn biểu hiện hình thức… Thực tế ngày càng đòi hỏi chúng ta phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong quản lý bộ đội, quản lý VKTBKT, chấp hành kỷ luật, pháp luật. Cán bộ, chiến sĩ phải được giáo dục thường xuyên, bằng nhiều hình thức, để không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, phấn đấu khắc phục nhanh những tồn tại, yếu kém, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật. Từng cơ quan, đơn vị phải kiên quyết không để xảy ra các vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu và bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội. Để đạt mục tiêu đó, cần tập trung quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ thị, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị về chấp hành kỷ luật, pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn, nhất là an toàn trong huấn luyện, quản lý vũ khí trang bị, an toàn khi tham gia giao thông. Cấp ủy, chỉ huy từng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc giáo dục, quản lý tư tưởng, quản lý tổ chức, con người, VKTBKT của các đơn vị và cá nhân thuộc quyền. Những vụ việc nghiêm trọng phải được sinh hoạt kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kỷ luật phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể, nhằm đạt hiệu quả thiết thực; thực hiện thật tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời nắm chắc, trung thực và chính xác tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật, an toàn giao thông; phân tích, đánh giá, dự báo, định hướng đúng suy nghĩ và hành động của bộ đội; chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; củng cố tình yêu thương con người, đồng chí, đồng đội. Cán bộ các cấp, nhất là cán bộ phân đội phải được bồi dưỡng về phương pháp, kinh nghiệm giải quyết những vấn đề tư tưởng mới nảy sinh trong thực tiễn quản lý, giáo dục, huấn luyện bộ đội. Cần coi trọng đấu tranh phê bình và tự phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, chỉ huy quan tâm bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Các đơn vị thường xuyên phối hợp với địa phương, gia đình quân nhân để quản lý tư tưởng, kỷ luật đối với quân nhân, chú ý những trường hợp nghỉ phép, sinh hoạt tại gia đình, quân nhân có biểu hiện tâm lý bất thường, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Khi xảy ra vụ việc, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải nhanh chóng nắm tình hình, tập trung xử lý kịp thời, đúng quyền hạn, chức trách; khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền địa phương và gia đình để giải quyết hậu quả, hạn chế thấp nhất những tác động xấu; không để kẻ xấu lợi dụng chống phá. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong quản lý bộ đội, quản lý VKTBKT và chấp hành kỷ luật, pháp luật đang là một yêu cầu bức thiết. Trong mọi trường hợp, phải quản lý chắc tư tưởng bộ đội, sâu sát để hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, kịp thời có biện pháp phòng ngừa vi phạm kỷ luật, pháp luật. Phối hợp tiến hành đồng bộ các biện pháp cơ bản nêu trên, nhất định sẽ tạo chuyển biến đồng bộ, toàn diện và vững chắc tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội ta.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/158872/Default.aspx