Chàng sinh viên "không thể nghe, nói" của ĐH Mỹ thuật

- Khoa Hội họa - Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm nay có thêm một gương mặt đặc biệt, đó là một thanh niên không thể nghe, không thể nói…

Top 10 điểm cao Không thể nghe, không thể nói, Đoàn Phạm Khiêm vẫn thi đậu vào trường với số điểm rất cao: 29,5 điểm, chưa tính 2 điểm ưu tiên (1,5 điểm ưu tiên người câm điếc và 0,5 điểm khu vực 2 - Đồng Nai). Khiêm đứng trong top 10 những người cao điểm nhất của Khoa Hội họa và là người câm điếc đầu tiên ở Việt Nam đậu vào trường đại học chính quy. Tuy vậy, hành trình Đại học của Khiêm không dễ dàng. Năm 2007 – 2008, Khiêm quyết định ôn thi vào Khoa Kiến trúc công trình - ĐH Kiến trúc TP.HCM, nhưng rớt. Chiếc cầu nối Khiêm với giấc mơ hội họa tan vỡ, cả Khiêm và mẹ đều rất buồn. Gia đình khuyên anh chuyển qua học Trường Cao đẳng Kinh tế (ngành Kế toán) nhưng Khiêm năn nỉ xin mẹ và cậu cho ôn thi lại một năm nữa với lời hứa quyết tâm sẽ thi đậu. Ôn thi, Khiêm ngại nhất môn Văn. Mỗi giờ văn là mỗi giờ Khiêm đau đầu vì phải tập trung cao độ để nhìn khẩu hình của giáo viên và đoán nội dung. Văn dài, ý nhiều, giáo viên không thể chép hết lên bảng cho Khiêm hiểu nên anh phải tự mày mò đọc sách và hỏi bạn bè, chỗ nào không hiểu nữa thì trực tiếp viết giấy hỏi thầy cô. Năm nay, anh đậu ĐH Mỹ thuật. Đặc biệt môn hình họa (môn nhân hệ số 2) - một trong những môn quan trọng nhất và khó học nhất của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - Khiêm đạt 8 điểm - số điểm ít người đạt được. Tuổi thơ im lặng Khiêm không nhớ rõ anh bị câm điếc từ khi nào, chỉ biết rằng khi sinh ra anh vẫn bình thường. Một lần bệnh nặng, do bác sĩ tiêm nhầm thuốc nên từ đó anh không nghe và cũng không nói được nữa. Tuổi thơ, những người bạn đồng trang lứa vẫn vui đùa vui vẻ với Khiêm. Nhưng niềm vui trong mỗi trò chơi không làm Khiêm bớt buồn vì anh không thể nghe tiếng nói của các bạn, cũng không thể nói lên cảm xúc của mình. “Hồi nhỏ anh cũng buồn lắm, vì thấy người bình thường dễ vui dễ nói được. Anh ước mình có thể lắng nghe được những âm thanh của cuộc sống” – Khiêm tâm sự. Nhưng điều khiến Khiêm buồn và giận nhất là những ánh nhìn như thể người điếc câm như anh ngu đần và khờ không biết chữ. Anh quyết đi học. Từ năm 1990, Khiêm bắt đầu ở trường Hy Vọng. Chính tại ngôi trường này, anh được học vẽ và sớm bộc lộ năng khiếu bẩm sinh của mình về hội họa. “Khiêm vẽ rất đẹp, trội hẳn trong lớp học. Khiêm cũng rất ngoan và nhanh nhẹn” – cô Lê Thị Thúy Nga, giáo viên trường Hy Vọng, từng dạy Khiêm 4 năm - nhớ về cậu học trò đã ra trường. Mê vẽ, Khiêm vẽ bất cứ khi nào rảnh rỗi. Những khi “xuất thần”, Khiêm vẽ ngay lên bàn học, hay lên tường chỗ góc học tập của mình. Cũng chính vì mê vẽ mà sau sáu năm (từ 2000 – 2006) học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai theo dự án dành cho người khiếm thính học ngôn ngữ dấu và phổ thông do ĐH Gallaudet (Mỹ) tổ chức (VN chưa có trường dạy cấp III cho người câm điếc), năm 2007 – 2008 Khiêm quyết định ôn thi vào Khoa Kiến trúc công trình - ĐH Kiến trúc TP.HCM… Ước mơ một ĐH cho người khiếm thính “Anh tự tìm hiểu để học hỏi thầy cô bằng cách viết trên giấy. Rồi anh đi một mình qua các công viên như công viên 23/9, công viên Hoàng Văn Thụ… hay bờ sông Sài Gòn cho thoải mái và cảm thấy vui vẻ để vẽ phác thảo thật tốt” – Khiêm chia sẻ. Cô Lê Hoài Nam - giảng viên dạy Khiêm môn Bố cục – khẳng định “không “ưu ái” mà coi Khiêm như tất cả các bạn sinh viên bình thường khác. Có chăng chỉ khác trong phương pháp giảng dạy là thay vì chỉ dùng lời nói thì tôi ghi lên bảng để Khiêm đọc được. Khiêm là một sinh viên thực sự có tố chất. Nếu không bị những khiếm khuyết kia, rất có thể Khiêm sẽ học tốt hơn rất nhiều người bình thường khác”. Cho đến giờ, khi ngồi trên giảng đường ĐH, Khiêm vẫn “sợ” những môn học “nhiều chữ” như môn Pháp luật đại cương. “Anh ghét môn nào dài dòng, vì anh căng thẳng, đau đầu lắm - Khiêm vừa viết vừa lắc đầu - Nếu có người biết múa dấu kí kiệu dạy thì anh dễ hiểu hơn”. Thời gian này Khiêm khá bận rộn vì ngoài học trên trường, học thêm tiếng Anh ở trường ngoại ngữ Đông Âu, anh còn dạy (miễn phí) múa dấu kí hiệu cho người khiếm thính ở Câu lạc bộ bên Q.4. Không có thời gian phụ giúp mẹ, Khiêm lo cho mẹ nhiều lắm vì “anh thương mẹ anh nhất đời”! Bố mẹ li dị nhau từ khi Khiêm lên 10. Một mình mẹ làm đủ công việc để nuôi anh. Một mình nuôi con đã khó, Khiêm lại không nghe, nói được nên mẹ càng vất vả hơn. Đã thế, từ năm năm trở lại đây, bệnh tật hành hạ làm mẹ anh yếu đi nhiều. Anh mong nhanh chóng học xong năm năm ĐH, ra trường kiếm tiền chữa cho mẹ hết bệnh. Xa hơn, anh còn muốn mở trường ĐH riêng cho người khiếm thính. Lê Dung

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/200911/Chang-sinh-vien-khong-the-nghe-noi-cua-DH-My-thuat-1729349/