Chăn nuôi heo ở Đồng Nai: Ôm ‘bom nổ chậm’

Trong khi cơ quan chức năng Đồng Nai khẳng định hiện không có bệnh tai xanh tại địa phương, nhiều chủ trang trại nuôi heo lại cho rằng họ đang sống chung với dịch.

“Lâu nay dân nuôi heo ở đây sống chung với bệnh tai xanh. Bây giờ tìm thấy một trại heo sạch bệnh tai xanh ở Đồng Nai mới là chuyện lạ”, ông C., chủ một trang trại nuôi heo ở tỉnh này, nói. Tiêm vắc-xin theo kiểu “con nhà nghèo” Theo ông C., có đến 90% tổng đàn heo ở Đồng Nai mắc bệnh tai xanh. “Ví như đàn heo của tôi có đến 100% nhiễm bệnh tai xanh. Khi phát hiện bệnh tai xanh trong trại thì có nghĩa cả đàn heo mang mầm tai xanh rồi, bởi bệnh lây cả qua đường hô hấp”, ông nói. Lâu nay, để sống chung với bệnh tai xanh, các trang trại heo thường tiêm vắc-xin hoặc dùng “vắc-xin” tự chế từ máu hoặc huyết thanh heo bệnh. Theo ông C., tiêm “vắc-xin” tự chế là phương pháp của “con nhà nghèo”, hơi mất công nhưng tốn ít tiền, giúp giảm tổn thất của đàn heo mắc bệnh từ 20 - 40% xuống 5 - 10% nên vài ba trang trại ở Đồng Nai đang áp dụng. Khi đàn heo bắt đầu mắc bệnh tai xanh, chủ trang trại cho lấy máu hoặc huyết thanh của heo bệnh tiêm cho cả đàn để giúp chúng tạo kháng thể. “Tôi chọn ra một số con từ 80 đến 100kg để lấy máu. Sau đó, máu này sẽ được trộn lẫn với thuốc chống đông và kháng sinh rồi chích cho những con từ 7 đến 40 kg. Mỗi con 10cc máu. Trong giai đoạn ổn định lâu dài, tôi cũng lấy máu nhiễm tai xanh chích cho cả đàn heo để chủ động tạo kháng thể cho đàn”, ông C. nói. Theo một cán bộ thú y tỉnh Đồng Nai, tài liệu của Mỹ có đề cập phương pháp tạo “vắc-xin” tự chế với chi phí thấp hơn mua vắc-xin. “Chưa rõ hiệu quả đến đâu nhưng một số chủ trang trại áp dụng và coi đây là phương pháp “chữa cháy”, tiết kiệm tiền”, vị cán bộ thú y này nói. Trong khi đó, đa số chủ trại heo ở Đồng Nai chọn phương pháp tiêm vắc-xin cho đàn heo. Với cách này, tổn thất của đàn heo nhiễm tai xanh giảm còn 10 -15%. “Một con heo nái phải tiêm 5 mũi vắc-xin một năm. Mỗi mũi giá hiện nay là 45.000 đồng. Với một trang trại cả 1.000 heo nái thì tiền tiêm vắc-xin tai xanh mỗi năm cũng lên đến hơn 200 triệu đồng”, ông K., chủ một trang trại ở tỉnh này, nói. “Bom” sẽ nổ? Ông K. lo lắng, có những dấu hiệu cho thấy năm nay sẽ là một năm khó khăn cho ngành chăn nuôi heo ở Đồng Nai: thời tiết quá nóng, dịch tai xanh bùng phát ở nhiều địa phương… “Các nhà chăn nuôi heo phải chủ động phòng dịch, vệ sinh chuồng trại, kiểm soát và giãn mật độ của đàn heo, tăng cường đề kháng cho heo, thực hiện an toàn sinh học, phải có chương trình vắc-xin cụ thể. Nếu thực hiện không tốt những bước này, tôi nghĩ áp lực bệnh tai xanh sẽ lên tới đỉnh điểm và sẽ nổ”, ông nói. Một cán bộ thuộc Trung tâm Khuyến nông huyện Trảng Bom (địa phương có tổng đàn heo lớn thứ nhì ở Đồng Nai với 180.000 con), cho rằng, dịch tai xanh “nổ” ở Đồng Nai sẽ là thảm họa cho ngành chăn nuôi của tỉnh với hơn một triệu con heo. Năm 2009, cơ quan chức năng phát hiện một ổ dịch tai xanh tại ấp 8, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, tỉnh đã sát trùng, tiêu độc những cơ sở giết mổ gia súc, tăng cường kiểm tra việc buôn bán gia súc, triển khai tiêm phòng gia súc… Nếu dịch tai xanh xảy ra trên phạm vi toàn quốc, tỉnh sẽ bố trí thêm các chốt kiểm dịch: Ông Đồn, cầu Gia Huynh, Tân Phú, Gia Tân… Cửu Long

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Chan-nuoi-heo-o-Dong-Nai-Om-bom-no-cham/20105/95125.datviet