Chân dung “tên đồ tể” Khơ-me Đỏ

Đông đảo các tầng lớp nhân dân Cam-pu-chia, những nhân chứng còn sống sót dưới chế độ Khơ-me Đỏ, các nhà sư, báo giới trong và ngoài nước sáng 26-7 đã đổ về trụ sở Tòa án xét xử tội ác Khơ-me Đỏ (ECCC) ở tỉnh Can-đan để chờ tòa tuyên án và chứng kiến giờ phút lịch sử của công lý. Hơn 10 triệu người Cam-pu-chia đã chứng kiến qua truyền hình trực tiếp lời tuyên án 35 năm tù giam đối với Cang Kếch Yêu (Kaing Guek Eav), biệt danh là Duch, cai ngục nhà tù Tuôn Xleng (S-21) khét tiếng dưới chế độ Khơ-me Đỏ, vì phạm tội ác chiến tranh và các tội ác chống lại loài người. Hiện Cam-pu-chia không có khung hình phạt tử hình.

Duch, sinh năm 1942 tại tỉnh Công-pông Chàm trong một gia đình người Khơ-me gốc Hoa. Thời còn cắp sách đến trường, Duch học rất giỏi, đặc biệt về môn toán. Tháng 8-1966, Duch nhận bằng tốt nghiệp khoa toán trường sư phạm và được bố trí đến giảng dạy tại Trường Phổ thông trung học Xcun, một thị trấn nhỏ ở tỉnh Công-pông Chàm. Năm 1967, Duch gia nhập lực lượng Khơ-me Đỏ. Để chuẩn bị cho một chính quyền sau khi lật đổ được chính phủ Lon Non, các lãnh đạo Khơ-me Đỏ cũng lập ra các bộ phận như một chính phủ thực sự. Theo đó, Duch được giao phụ trách bộ phận an ninh đặc biệt của Khơ-me Đỏ. Từ một giáo viên toán, Duch đã trở thành một tên “đồ tể”. Với sự trợ giúp của một số tay chân đắc lực, Duch đã áp dụng những biện pháp thẩm vấn hết sức tinh vi và dã man đối với những người bị coi là kẻ thù của Khơ-me Đỏ. Tù nhân thường xuyên bị Duch bỏ đói đến sắp chết hoặc bị tra tấn tàn bạo cho đến khi buộc phải thú nhận rằng họ đã chống lại Khơ-me Đỏ. Năm 1971, Duch đề xuất với Pôn Pốt cho thành lập nhà tù đầu tiên của Khơ-me Đỏ tại vùng Am-lê-ang với bí số là M-13 và y đã trở thành trại trưởng . Sau khi Khơ-me Đỏ lật đổ chính phủ Lon Non năm 1975, Duch được giao nhiệm vụ làm phó và sau đó là giám đốc nhà tù S-21, Đầu năm 1976, với kế hoạch kinh tế điên rồ của Pôn Pốt, đất nước Cam-pu-chia đã biến thành những trại lao động cưỡng bức khổng lồ. Người dân Cam-pu-chia buộc phải làm việc cùng cực với điều kiện sống như thời kỳ nguyên thủy. Kế hoạch của Pôn Pốt nhanh chóng phá sản, đất nước Cam-pu-chia rơi vào tình trạng nguy kịch bởi mùa màng thất thu một cách thảm hại, các chỉ tiêu kinh tế không thể đạt được trong một xã hội chỉ được quản lý, điều hành bằng nhà tù, bạo lực. Đến cuối năm 1976, Pôn Pốt đã đổ sai lầm này cho những “kẻ thù của đất nước”. Thực hiện chỉ đạo của Pôn Pốt, đến cuối năm 1976, toàn bộ tù nhân được coi là “kẻ thù của đất nước” (trong đó hàng nghìn phụ nữ, trẻ em) được đưa về S-21 để thẩm vấn. Lúc này, Duch đã trở thành trại trưởng khét tiếng của S-21. Những tuần cuối cùng của năm 1978, S-21 chật kín người. Duch được lệnh tiến hành “bắn giết tất cả, không cần hỏi cung”. Thi thể các nạn nhân ở S-21 bị quẳng vào những hố chôn tập thể. Duch thừa nhận cách giết “kẻ thù của đất nước” thường là bằng súng nhưng cũng có khi bằng cách cắt cổ. “Chúng tôi giết họ như giết gà”, Duch nói trong một cuộc thẩm vấn. Được hỏi tại sao phải giết trẻ em và phụ nữ, Duch cho biết, tất cả những ai đã bị bắt đều phải mất mạng. Theo số liệu thống kê, S-21 từng “tiếp nhận” nhận khoảng 15.000 tù nhân (trong đó có nhiều người Việt Nam) nhưng chỉ còn vài người sống sót khi Phnôm Pênh được quân tình nguyện Việt Nam giải phóng vào ngày 7-1-1979. Trong vòng 20 năm sau đó, Duch lẩn trốn ở tỉnh Bát-tam-bang với tên giả là Ta Sanh. Năm 1999, sau một cuộc trả lời phỏng vấn, Duch đã bị lộ tông tích. Quân đội Cam-pu-chia đã bắt giam y từ tháng 5-1999. Việt Bách

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/3/102/102/119148/Default.aspx