Chân dung hài hước của nhà độc tài

SGTT.VN - Cách hài hước cường điệu mà không đi quá xa thực tế giúp danh hài Sacha Baron Cohen dàn dựng thành công chân dung hài hước và đa diện của một nhà độc tài trong The Dictator (tựa Việt: Kẻ độc tài), bộ phim ra rạp tại Việt Nam ngày 27.7. Người ta nói Sacha Baron Cohen một lần nữa được thử thách biệt tài trong việc đánh đu giữa những tình huống làm người xem nhăn mặt khó chịu rồi sau đó lại bật cười.

Cảnh trong phim The Dictator (ảnh Megastar cung cấp).

Thậm chí lần này còn thách thức hơn, bởi sự giễu cợt đã vượt ngoài phạm vi văn hóa đại chúng (ở hai phim Borat năm 2006 và Bruno năm 2009), mà đã chuyển sang châm biếm chính trị. “Nạn nhân” mới của danh hài người Anh là các nhà độc tài thỉnh thoảng lại làm thế giới như ngồi trên đống lửa bởi đe dọa hạt nhân, hay tuyên bố phong tỏa các giếng dầu.

Bộ phim đưa người xem đến một quốc gia tưởng tượng ở Bắc Phi có tên Cộng hòa Wadiya, đặt dưới sự cai trị của đại tướng đô đốc Hafez Aladeen (Sacha Baron Cohen đóng), người cầm quyền từ năm sáu tuổi sau khi cha mất vì tai nạn. Trong bộ râu dày kín, luôn xuất hiện với bộ quân phục trắng điểm xuyết nhiều huy chương và vây quanh là một đội cận vệ nữ, nhân vật Aladeen làm khán giả bật cười vì liên tưởng đến sự kết hợp hai hình ảnh Saddam Hussein và Gaddafi.

Tính cường điệu phóng túng của thể loại phim hài đã tìm thấy chỗ “phát huy” mạnh mẽ khi mô tả sự vĩ cuồng trong cá tính của một nhà độc tài. Bằng cách cầm súng loại đối thủ trên đường đua, Aladeen tự hào mình là vận động viên giành nhiều huy chương nhất tại cuộc thi Olympic xứ Wadiya! Ông sửa lại từ điển, thủ tiêu những ai làm phật ý, ngủ với những người đẹp Hollywood nổi tiếng, và quyết tâm làm giàu uranium ở cấp độ vũ khí để sử dụng cho mục đích… hòa bình. Những tình huống trào lộng được cài đặt liên tục và đẩy lên đỉnh điểm khi Aladeen tới New York nhằm xoa dịu lo ngại của Liên hiệp quốc về vũ khí hạt nhân, sau đó lọt vào âm mưu ám sát của người chú phản bội Tamir (Ben Kingsley).

Kịch bản do Sacha Baron Cohen chắp bút viết chung cho thấy sự khéo léo khi đẩy tới những sự kiện khiến Aladeen phải bộc lộ những khía cạnh khác nhau trong con người. Một mặt, ông tỏ ra rất nguy hiểm và độc ác khi công kích các nền dân chủ, quyết tâm thử vũ khí để tấn công nước láng giềng (ngón tay dừng lại ở Israel khi rà trên bản đồ) bất chấp sự khốn khổ của người dân. Mặt khác, khi bị hấp dẫn bởi cô chủ cửa hàng thực phẩm Zoey (Anna Faris), đối diện với tình thế khó khăn phải lật mặt người đóng giả mình và giành lại vị trí ở New York, Aladeen lại bộc lộ con người tốt bụng, khoan dung và trung thực, khác với con người định kiến và biết che giấu cảm xúc như thường thấy.

Có thể The Dictator còn đôi chút quá lố trong nội dung tình dục (Việt Nam cấm người dưới 16 tuổi xem phim) và làm khó chịu những khán giả thượng tôn chuẩn mực của phép lịch sự. Nhưng cách trào lộng mà không đi quá xa thực tế của nó, chẳng hạn như hình ảnh những thương nhân Trung Quốc đứng sau lưng các nhà đảo chính để thương lượng hợp đồng khai thác dầu mỏ, sẽ khiến bạn thấy nhiều điều gần gũi với chính mình. Thậm chí, nó giữ người xem bật cười đến phút cuối bằng câu hỏi của nhà độc tài với người vợ mới cưới: “Em có một cậu bé hay là phá thai?”

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/van-hoa/166519/chan-dung-hai-huoc-cua-nha-doc-tai.html