Chăm lo cải thiện đời sống giáo viên

Đời sống CBCNV, giáo viên ngành giáo dục Hà Nội (GDHN) tuy đã được cải thiện, nhưng còn gặp nhiều khó khăn do mức lương và thu nhập còn thấp, đặc biệt một số giáo viên không có nhà ở phải thuê nhà…

Học sinh là đối tượng được các cấp CĐ Giáo dục Hà Nội quan tâm trong hoạt động xã hội. Ảnh: Hà Anh

Với trách nhiệm của mình, các cấp CĐ GDHN đã chủ động tham gia cùng chính quyền chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, CBCNV, giáo viên.

Giám sát thực hiện chế độ đối với giáo viên

Toàn ngành hiện có trên 113.000 CBCNV, giáo viên, trong đó hơn 82.800 giáo viên các cấp học. Khó khăn đối với ngành và hoạt động CĐ là địa bàn phân bổ rộng, có sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền. Khu vực vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư nhưng chưa được chuẩn hóa, nhiều công trình xây dựng đã cũ và xuống cấp. Hoạt động CĐ ở các trường ngoài công lập còn nhiều hạn chế, nhiều trường ngoài công lập chưa có tổ chức CĐ...

Những năm qua, nhiệm vụ hàng đầu của CĐ GDHN là chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của CBCNV, giáo viên, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả GDĐT. Với quan điểm đó, các cấp CĐ ngành đã chủ động tham gia cùng chính quyền trong việc phổ biến, giám sát thực hiện chế độ cho NLĐ. Các chế độ BHXH, BHYT được thực hiện ở 100% CBCNV, giáo viên trong biên chế, hợp đồng chỉ tiêu và giáo viên cơ hữu (ngoài công lập). Các chế độ phúc lợi được quy định cụ thể, chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ. Mỗi nơi đều có những hình thức thiết thực, phù hợp với điều kiện của đơn vị. Chẳng hạn ở quận Hoàn Kiếm, theo bà Bùi Thị Phương Mai - Chủ tịch CĐGD quận - để động viên và tạo động lực cho các nhà giáo tiếp tục học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ, CĐ đã đề nghị Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn ngạch bậc đối với giáo viên có trình độ trên chuẩn (đã có ngạch, mã số ngành, song chưa có tiêu chuẩn cụ thể). Trường THPT Liên Hà (Đông Anh) thì chăm lo tới bữa ăn trưa của CBCNV, giáo viên nhà xa bằng cách cùng cha mẹ học sinh xây dựng khu nhà ăn mới và cho thuê bếp ăn, tạo thêm kinh phí hỗ trợ tết cho CBCNV, giáo viên.

Trợ cấp trên 3.000 CBCNV, giáo viên khó khăn

Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCNV, giáo viên, các cấp CĐ GDHN coi trọng việc thăm hỏi, trợ cấp cho CBCNV, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, toàn ngành đã trợ cấp cho trên 3.000 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền gần 10 tỉ đồng. Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, có 289 trường hợp CBCNV, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được CĐ ngành trợ cấp với tổng số tiền gần 400 triệu. Hằng năm, trên 60% số CBCNV, giáo viên được khám sức khỏe, qua đó phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời. Nhiều CĐGD địa phương còn đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện như CĐGD huyện Thanh Oai có cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt”. Tiêu biểu trong cuộc vận động này là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương - Trường Tiểu học Cao Viên 1 - có hoàn cảnh éo le, kinh tế hạn hẹp nhưng cô sẵn sàng đỡ đầu 1 học sinh, giúp đỡ học sinh vượt khó để đạt thành tích cao trong học tập. Nét nổi bật của CĐ Trường THPT Cầu Giấy là hoạt động xã hội, từ thiện. Đặc biệt, CĐ trường cùng với ban giám hiệu đã tổ chức những chuyến đi đến cơ sở trường học tặng quần áo, sách vở, tiền cho học sinh vùng khó khăn của hai tỉnh miền núi Lào Cai và Tuyên Quang...

Nhiệm kỳ 2013-2018, để tiếp tục việc chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi CBCNV, giáo viên, Chủ tịch CĐ GDHN Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh đến nhiệm vụ của CĐ tham gia khảo sát đời sống và chính sách đối với giáo viên để có ý kiến đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng đề án chính sách tiền lương nhà ở, phụ cấp thâm niên cho CBCNV, giáo viên.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/cham-lo-cai-thien-doi-song-giao-vien/102766.bld