'Chắc nó nghèo quá nên bán nội tạng của con để ăn'

Ngày làm ma cho con, nhiều người hàng xóm xì xào bảo chắc bà nghèo quá nên bán tạng của con mà ăn. Công an xã cũng xộc vào nhà bà, hỏi như hỏi cung: “Bà bán hay hiến tạng con”. Bà biểu: “Tui cho nó hiến, nếu anh không tin thì lên Bệnh viện Chợ Rẫy hỏi bác sĩ Thu”...

Bà Minh không kìm được nước mắt khi nhắc đến câu chuyện của chồng (ảnh K.Q)

Một ngày cuối năm, tôi cùng bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu và hai bác sĩ của Đơn vị Điều phối hiến ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy đến thăm những gia đình có người thân hiến tạng sau khi qua đời. Trên xe, bác sĩ Thu tâm sự: “Gắn bó với đơn vị đặc biệt này, chị thấy mình may mắn. Bởi ở đây, ngày nào chị cũng được chứng kiến những câu chuyện tử tế”.

Suýt nữa thì…không được hiến tạng cho chồng

Câu chuyện hiến tạng của chồng bà Minh, bác sĩ Thu đã thuộc làu từng chi tiết. Lúc ngồi trên xe để đến nhà bà, chị chia sẻ: “Chị không bao giờ quên được giây phút bà Minh hốt hoảng gọi điện cho chị, bảo bác sĩ ơi! Giờ ổng không xong rồi. Nghe giọng bà, chị hiểu rằng, lúc này, bà lo sợ không hoàn thành tâm nguyện được hiến tạng của chồng hơn là vì ông đang nguy kịch”.

Sau khi thắp nén tâm hương lên bàn thờ chồng thủ thỉ chuyện bác sĩ Thu đến thăm, bà Minh xác nhận: “Mấy chục năm trời sống chung, tui quen với những lần lên cơn vì bệnh suy tim của ổng rồi. Nên bữa đó, đúng là tui hốt hoảng sợ ổng chết mà không được hiến tạng”.

Vợ chồng bà người 65, người 72 nhưng vẫn luôn xưng anh em ngọt lịm. Bà kể, chuyện bắt đầu từ bữa hai vợ chồng ngồi coi ti vi. Hôm đó, ti vi phát lại chương trình lễ tri ân người hiến xác của Đại học Y dược TPHCM: “Coi xong, ổng quay qua tui, bảo – em à, sau này anh chết, anh muốn hiến tạng nhân đạo. Tạng anh, cái nào còn xài được em cho người ta nghe! Đừng tiếc! Mai em gọi qua Bệnh viện Chợ Rẫy, em hỏi thủ tục đăng ký hiến tạng cho anh luôn đi”.

Bà nhìn chồng, rớt nước mắt: “Anh suy nghĩ kỹ chưa ?”. Ông bảo: “Anh nghĩ lung lắm. Anh thấy chết rồi mang chôn 4-5 năm cũng phải cải mả thấy phí quá trời. Từ trước giờ, vợ chồng mình nghèo có tiền giúp được ai cái gì đâu. Sau này anh chết, anh cứu được vài người sống, qua bển mới an lòng”.

Bà S nâng niu tấm hình "đứng gần Bộ trưởng" giúp mình minh oan (ảnh K.Q)

Hôm sau, bà Minh gọi ngay điện thoại cho bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu xin bộ hồ sơ đăng ký hiến tạng sau khi qua đời cho chồng. Qua điện thoại, bà kể ông sống với bệnh suy tim mấy chục năm nay. Giờ ổng yếu rồi. Nghe vậy, bác sĩ Thu cùng với một bác sĩ chuyên khoa Tim mạch của Bệnh viện Chợ Rẫy lặn lội xuống nhà bà thăm ông. Thấy ông 3-4 năm nay không chịu đi khám bệnh, bác sĩ Thu khuyên ông về bệnh viện điều trị. Ông đồng ý. Điều trị 1 tuần, ông được xuất viện, da dẻ hồng hào.

“Hai tháng sau, hai vợ chồng đang ngồi nói chuyện thì ông vô buồng biểu nghỉ mệt. Được chừng 2-3 phút thì tui nghe ổng cựa mình, tiếng gồng tay gồng chân nghe giòn khụm, như ai bả miếng bánh tráng vậy. Tui chạy vô nhìn thấy ổng là biết ổng…nguy rồi. Vừa gọi điện cho Bệnh viện huyện Hóc Môn tới cấp cứu, tui vừa hối hả gọi điện cho bác sĩ Thu biểu – giờ ổng không xong rồi, bác sĩ xuống ngay đi”.

Bác sĩ Thu tiếp lời, bữa đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng vừa thực hiện ca ghép tạng xong. Bác sĩ vừa ra khỏi phòng mổ thì nhận được điện thoại của bà Minh. Bác sĩ tức tốc lên xe cứu thương xuống với ông. Nhưng đường Sài Gòn vào khoảng 17 giờ 30 kẹt cứng, xe cứu thương hú còi inh ỏi mà vẫn không ăn thua Họ đến Bệnh viện Hóc Môn thì ông đã ngưng tim 30 phút trước. Vậy là chỉ còn 2 giác mạc của ông là có thể hiến được.

Giác mạc ông được Bệnh viện ghép cho 2 bệnh nhân nghèo. Sau ca ghép, bác sĩ Thu cầm tấm ảnh của 2 bệnh nhân xuống cho bà Minh xem. Bà rưng rưng, cầm tấm ảnh “khoe” với chồng. “Tiếc là tui không giúp ổng hiến được toàn bộ nội tạng. Nhưng dù sao, giúp 2 người mù thấy đường là tui thấy tròn trách nhiệm với ổng. Ngày xưa, khi đi đường, ông thấy ai mù ổng tội nghiệp lắm. Ổng cũng hay biểu tui - anh mà trúng số độc đắc, anh giúp mấy người mù trước tiên”.

Minh oan bằng tấm hình “đứng gần Bộ trưởng”

Trên đường đến nhà bà N.H.S, bác sĩ Thu tâm sự: “Đây là ca khiến chị ân hận rất nhiều. Vì đã không theo sát để giúp đỡ khi gia đình bà S đã hiến tạng của con trai mình. Để bà chịu thiệt thòi, oan ức”. Ấy vậy mà khi gặp, bà S nắm tay bác sĩ, an ủi: “Tui hổng phiền trách gì bác sĩ và bệnh viện cả. Hồi đó nhà tui xảy ra nhiều chuyện nên có nhớ mà gọi cho bác sĩ hay đâu”.

Anh T là con trai thứ của bà làm nghề sửa xe ở quê ngoại Vĩnh Long. Một ngày cuối năm 2012, vì một chuyện mâu thuẫn nhỏ với một người cũng làm nghề sửa xe máy ở gần đó mà anh T bị đánh đến gãy xương hàm. Khi đó, bà S sống ở TPHCM với 3 người con trai và chăm sóc người chồng đang nằm liệt vì tai biến nên không hay biết gì cả. Người em của anh T gọi điện cho bà S bảo mẹ chạy giúp 10 triệu.

Bà bảo: “Nhà mình nghèo, tiền đong gạo còn khó. Con đòi 10 triệu làm gì?”. Đến nước này, người em cũng không thể giấu nổi mẹ: “Anh ba bị thằng út chọt đánh gãy xương hàm rồi má à”. Nghe vậy, bà S cắn răng bán tất cả những gì có thể bán được trong nhà để chạy chữa cho con. Nhưng rồi, sự cố gắng của bà S cũng không thể cứu sống T khi anh bị biến chứng xuất huyết não mủ.

“Khi nghe bác sĩ nói, con tui hết cơ hội cứu sống rồi. Tui buồn quá, ra hành lang ngồi thụp xuống khóc. Cô hộ lý thấy vậy đến an ủi tui bảo thôi ráng về lo hậu sự cho con đi. Thấy tui không nói gì, cô hỏi tui có muốn cho con hiến tạng nhân đạo không. Nghe vậy, tui giãy nảy bảo không được. Làm sao tui có thể móc gan ruột nó ra đưa cho người khác.

Tui chạy xuống Khoa kể lại chuyện với con trai út Vinh. Nó âm thầm đến gặp bác sĩ để xác nhận anh nó không cứu được nữa. Rồi nó về biểu tui nén nỗi đau lại và nên để anh hiến tạng nhân đạo – Hồi còn sống, ảnh tốt bụng nhưng nghèo khó, không giúp gì được cho xã hội. Giờ ảnh mất, ảnh cứu được người khác thì tốt mà mẹ. Cứu một mạng người bằng xây 8 bậc phù đồ. Tui nghe Út Vinh nói vậy cũng hợp lý nên đồng ý cho con đi hiến tạng nhân đạo”.

Bà S đến gặp bác sĩ Thu, nhắc đi nhắc lại: “Con tui cứu không được thì giờ hiến tạng cứu người khác. Nhà tui nghèo lắm, nhưng nếu bán tạng con lấy bạc tỷ tui cũng không bán”. Vậy là anh T - con trai bà trở thành một trong những người đầu tiên hiến tạng nhân đạo sau khi qua đời. Hai trái thận của anh cứu được 2 bệnh nhân suy thận mạn đang nằm chờ ghép thận ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Bà S không biết người được ghép là ai, cũng không nhận bất cứ đồng tiền nào của gia đình họ, âm thầm mang con trai về Vĩnh Long mai táng.

Khi ấy, miền Tây vào mùa nước nổi, nhà ở quê đã bị ngập nước lại cũ quá, sắp xập đến nơi, không làm ma được: “Cuối cùng, tui để quan tài nó ở bờ sống, chặt tre làm cột, chặt mấy lá dừa che nắng cho nó để hàng xóm tới thắp nhang”. Kể đến đây, bà không kiềm được nước mắt. Ngày làm ma cho con, nhiều người hàng xóm xì xào bảo chắc bà nghèo quá nên bán tạng của con mà ăn. Công an xã cũng xộc vào nhà bà, hỏi như hỏi cung: “Bà bán hay hiến tạng con”. Bà biểu: “Tui cho nó hiến, nếu anh không tin thì lên Bệnh viện Chợ Rẫy hỏi bác sĩ Thu”.

Lo ma chay cho con xong, bà buồn quá, đi ra đường bị xe đụng gãy tay. Con trai lớn của bà sau đó lại gặp họa, đi xe đụng phải con người ta gãy chân, bị khởi tố, đi tù 5 năm trời. Năm sau, chồng bà nằm liệt cũng qua đời. Rơi vào cảnh “họa vô đơn chí”, bà lên TPHCM gượng sống để lo nốt cho 6 người con. Bà bỏ lại những điều tiếng nơi quê nhà: “Chắc nghèo quá, bán tạng của con để ăn”.

Bà S vui mừng khi bác sĩ Thu gửi tặng tấm hình "đứng gần Bộ Trưởng" (ảnh K.Q)

Người phụ nữ chịu nhiều đau khổ, uất ức, hôm nay mới dám thổ lộ với bác sĩ Thu: “Khi tui bị mang tiếng là bán tạng của con, tui mặc cảm. Nhiều lúc muốn ghé bệnh viện tâm sự với bác sĩ mà lại sợ người ta lại nói mình làm tiền bệnh viện”. Bà S bảo mình vừa được “cởi oan Thị Kính” khi tháng 3 vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy mời bà lên dự lễ vinh danh những người hiến tạng. Ngày đó, bà lên sân khấu nhận bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Y tế. Báo đài đưa tin.

Tối về, bà cùng con dâu xem ti vi. Con dâu bà thốt lên: “Bà đứng gần má là bà Bộ trưởng Bộ Y tế đó má”. Bữa sau, bà về quê Vĩnh Long, “hòi dò” hàng xóm xem còn ai nói mình bán tạng của con không “Bữa có coi ti vi hơm? Tui đứng gần bà Bộ trưởng đó trong lễ vinh danh những người hiến tạng đó. Ti vi cũng nói tui hiến tạng của con chứ không bán mà”.

Hôm nay, ngoài món quà tết Bệnh viện Chợ Rẫy tặng, bác sĩ Thu còn rửa và phóng to tấm hình bà S đứng gần Bộ trưởng Bộ Y tế. Bà S bảo: “Tui sẽ treo nó lên tường. Để xem ai còn nói gui bán tạng của con nữa không”. Ngồi trên xe trở về Bệnh viện, Bác sĩ Thu cầm loạt danh sách những gia đình có người thân hiến tạng mà nhẩm tính một hành trình đến thăm họ.

Nhìn “lén” danh sách dài dằng dặc đó, tôi chợt nghĩ đến một câu nói trong phim tài liệu “Chuyện tử tế” của Nguyễn Văn Thủy: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi, một người không mang nổi. Bởi thế, người đời chúng ta, chừng nào còn sống, hãy gắng giúp nhau để tâm hồn trở nên bất tử”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/chac-no-ngheo-qua-nen-ban-noi-tang-cua-con-de-an-513657.bld