Cây thuốc, vị thuốc tên khỉ

Năm 2016 là năm Bính Thân, tức năm con khỉ. Xin kể chuyện các cây thuốc, vị thuốc có chuyện khỉ và hầu để bạn đọc tham khảo.

Các cây thuốc, vị thuốc có chuyện khỉ và hầu dưới đây có tác dụng chữa bệnh tuyệt vời.

Vị thuốc

Con khỉ có tên khoa học Macaca spp – họ khỉ (Cercopithecidae). Ở Việt Nam có 5 loài khỉ, chủ yếu là khỉ vàng ở miền Bắc (khỉ vàng còn được nuôi ngoài đảo để lấy thận và óc chế văcxin chống bại liệt trẻ em và khỉ nước ở miền Nam. Còn khỉ đen, khỉ xám, khỉ đuôi lợn là 3 loại có tên trong sách đỏ Việt Nam cấm săn bắn, giết hại. Từ khỉ cho ta các vị thuốc dưới đây.

Cao xương khỉ: Sau khi làm sạch thì chẻ nhỏ, ngâm xương với nước lá ngải cứu 1 đêm rồi nấu cao, dùng làm thuốc bổ cho phụ nữ sau khi đẻ.

Cao khỉ toàn tính: Chặt xương, thịt khỉ thành miếng nhỏ rồi nấu như cao xương, sau đó thêm các vị thuốc có mùi thơm có tác dụng bổ và giảm đau như thiên niên kiện, đương quy, xuyên khung, địa liền... để át mùi tanh và tăng tác dụng. Công dụng: Bồi bổ sức khỏe cho người mới ốm dậy, phụ nữ sau khi đẻ, người già ốm yếu, đau mỏi xương cốt.

Nhả khí cáy.

Hầu táo: Là sỏi trong túi mật của khỉ, được dùng ở Trung Quốc để chữa sốt cao, co giật, ho hen, phù thũng, ngộ độc.

Huyết lình: Là máu của khỉ cái chảy ra khi đẻ con rồi khô đi. Theo kinh nghiệm của đồng bào miền núi, huyết lình là một loại thuốc quý có tác dụng bổ máu cho phụ nữ sau khi đẻ, trẻ em gầy còm chậm lớn, biếng ăn.

Dương vật khỉ: Trong bài thuốc cửu ngưu dưỡng bổ thang, phối hợp dương vật khỉ với 4 loại dương vật khác là hổ, bò, hải cẩu, chó đen tuyền luyện với óc thỏ và nhân sâm chế thuốc cường dương cực mạnh

Thận khỉ vàng: Dùng để nuôi cấy virus sốt bại liệt chế văcxin Sabin phòng bệnh sốt bại liệt trẻ em.

Mật khỉ: Phơi khô. Theo kinh nghiệm dân gian khi dùng thì mài với nước uống để chữa trẻ em sốt nóng, da khô, kiết lỵ. Dùng ngoài để xoa bóp giảm đau khi bị chấn thương.

Cây thuốc

Cây lông khỉ: Còn gọi là cẩu tích, cây lông cu ly, cù liền, cù lần, kim mao... thuộc họ cẩu tích (Thyrsopteridaceae), tên khoa học là Cibotium barometz. J. Sm. Đây là cây mọc hoang trong rừng ẩm, ven suối ở Việt Nam, có nhiều ở các tỉnh miền núi thấp phía Bắc. Ở miền Nam chỉ có trên một số vùng núi cao trên 800m. Cẩu tích được dùng làm thuốc uống có tác dụng: Bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Nhu cầu mỗi năm cần vài trăm tấn.

Nhả khỉ cáy: Còn gọi là hy thiêm, chó đẻ hoa vàng, cúc dính, cứt lợn... Tên khoa học là Siegesbeckia orientalis L., họ Cúc. Là một loại cỏ mọc hoang có nhiều ở miền núi thấp và trung du phía Bắc nước ta từ Nghệ An trở ra. Hoa nhỏ màu vàng có lông dính (nên có tên Cúc dính), được thu hái cả cây khi có hoa để làm thuốc uống trị phong thấp tê bại và nhiều bệnh khác. Trước năm 1990 mỗi năm thu mua hàng mấy trăm tấn để bào chế thành các dạng thuốc cao, thuốc viên phục vụ nhu cầu chữa bệnh. Cây tươi còn được dùng làm thuốc đắp chữa mụn nhọt, nhọt độc rất hiệu quả. Hy thiêm được trồng từ hạt vào tháng 3 - 4, phát triển tốt ở khắp mọi miền. Ở Trung Quốc, hy thiêm còn được dùng để chữa ung thư, chảy máu não kèm liệt...

Cây lông khỉ.

Cây thuốc có tên hầu: Cây hầu khương, còn gọi là cốt toái bổ, bổ cốt toái, hộc quyết, cây thu mùn, cây tổ rồng, cây tổ phượng, tắc kè đá... Tên khoa học là Drynaria fortunei (Kze) J.Sm, thuộc họ Ráng (Polypodiaceae). Cốt toái bổ là cây sống lâu năm phụ sinh trên thân các cây lớn hoặc sống trên các hốc đá. Do bị khai thác nhiều nên được ghi trong sách Đỏ Việt Nam để lưu ý bảo vệ. Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ được đồ chín rồi phơi hoặc sấy khô. Cốt toái bổ dùng uống chữa thận hư (suy giảm nội tiết) tai ù, lưng đau, gối mỏi, đau xương, sưng khớp. Ngã chấn thương, bong gân, tụ máu, tiêu chảy kéo dài... Dùng ngoài lấy thân rễ tươi giã nát đắp lên vết thương.

DS Trần Xuân Thuyết (Công ty Dược liệu T.Ư I)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-a-z/cay-thuoc-vi-thuoc-ten-khi-629953.html