Câu chuyện quy luật của muôn đời

<p xml:lang="en-US">Tôi đọc cuốn tiểu thuyết “Quy luật của muôn đời” của nhà văn thời Liên Xô (người Georgia) - Nodar Dumbadze - cách nay dễ có hơn hai chục năm (xuất bản ở Liên Xô 1978). Hơn hai chục năm nay tôi thuộc nằm lòng cái chi tiết ông ấy bảo, đại ý: Cuộc đời con người ta phải có lúc ốm thập tử nhất sinh thì sau đó mới tỉnh ra được nhiều thứ.

Gia Lai và Kon Tum là địa bàn quen thuộc nhất của nhà văn Trung Trung Đỉnh thời chiến tranh. Ảnh: Trần Phong

Quả đúng như vậy!

Số phận của tôi kể cũng quá lận đận, phải qua vài bận “thập tử nhất sinh”, nhưng đó là do chiến tranh. Tôi đã bị sốt rét ác tính dọc đường hành quân trên đỉnh Trường Sơn vào Nam, vào đến ngã ba Việt Nam - Lào - Campuchia thì đồng đội cáng vào bệnh xá của một trạm trên đường dây 559. Tôi bây giờ chỉ nhớ thằng Diễn, thằng Ton, thằng Tính, ba thằng ấy cùng tiểu đội đã khiêng tôi vào trạm, mỗi thằng bỏ lại trong võng cho tôi một bánh lương khô rồi quay trở ra. Ba thằng bạn chả thằng nào hơn tôi. Thằng Diễn sau vài trận đánh đấm ở Quảng Đà nó bị tâm thần lúc điên khùng, khi la hét náo loạn. Đơn vị chuyển ra Bắc, nghe nói ra chưa đến Bắc thì nó mất. Thằng Ton bị hy sinh ngay trận đầu tiên hình như ở Tây Ninh. Còn thằng Tính sau 30.4 tôi mới biết, nó bị mất tích trong một trận giáp lá cà ở Tây Nguyên? Tôi sau khi hết cú chết sốt rét ác tính, lại theo anh em thu dung hành quân vào. Vào đến Gia Lai thì được điều động về huyện đội K8, tức là An Khê. Đi đánh trận đầu đụng độ với một trung đội dân vệ trong ấp Cửu An thì bị thương, lãnh đủ một mình tôi một quả phóng lựu M79. Anh em cáng tôi về được hang đá trong căn cứ núi Hảnh Hót thì tôi chỉ còn cái xác nát be bét, hàng chục vết thương do mảnh M79 găm vào. Máu ướt cứng cả bộ quần áo, anh Quảng y tá phải cắt ra rồi đem ngâm dưới vòi nước. Một tốp anh em ở hướng khác về, đến vòi nước, cắm đầu cắm cổ uống, sáng ra nhìn vũng nước đỏ lòm. Máu của tôi đấy! Các bố đã vô tình uống thí xác cho đã khát, khi phát hiện ra, hốt quá, thi nhau móc họng nôn ọe la ó om xòm. Đơn vị cáng tôi vào bệnh xá, bác sĩ Thanh đã mổ cho tôi. Hồi ấy không có thuốc tê thuốc mê, các chị y tá cột bốn chân tay tôi vào bốn góc cái sạp tre cho bác sĩ tác nghiệp mổ, rồi ngồi động viên cùng bác sĩ Thanh gắp mảnh đạn ba tiếng đồng hồ mới hết. Tôi bây giờ vẫn nhớ mỗi lần bác sĩ cho cây thăm dò vào trong da thịt ngoáy ngoáy một lúc, đụng vào mảnh đạn nó đau xé ruột xé gan thế nào.

Thế mà rồi cũng qua, vẫn sống. Tuổi trẻ đã dìu tôi qua hoạn nạn!

Nếu tính từ ngày mổ những vết thương năm ấy (1969) đến nay tôi đã chịu đựng thêm vài trận ốm đau lên bờ xuống ruộng nữa. Nhưng rồi Trời Phật cũng cho qua, tôi không kể nữa. Tôi muốn kể đến căn bệnh suy thận mãn cách đây sáu năm. Một căn bệnh mà bây giờ tôi mới tường tận từng bước nó đi, từng nhịp nó nhấn sâu vào trong cơ thể: Âm thầm mà quyết liệt. Nhẹ nhàng và cay cú. Không một chút ồn ào sôi réo nhắc nhở. Khi bác sĩ khám sức khỏe định kỳ bảo tôi với nét mặt nghiêm trọng, anh bị suy thận mãn rồi anh ạ! Tôi hỏi lại, mãn tức là lâu dài dai dẳng, liệu có vấn đề gì nguy hiểm không? Có thuốc đặc trị không?. Bác sĩ đưa cho tôi đơn mua thuốc, nói rất nghiêm trọng. Phải khống chế huyết áp. Giai đoạn đầu anh phải thực hiện nghiêm chỉnh uống thuốc vào đúng một giờ nhất định trong ngày. Tuyệt đối thôi bia rượu và các chất kích thích. Ăn uống theo chỉ dẫn trong này, sinh hoạt điều độ vô cùng, sau một tháng tới đây khám lại. Tôi nghĩ, bác sĩ nào mà chả nghiêm trọng hóa. Tôi thấy mình đang khỏe khoắn, đang làm việc hăng, ăn uống ngủ nghỉ đi lại, nhất là khâu uống vẫn khá, chả vấn đề gì. Tôi không hề sợ, thâm chí khá bình thường, khá chủ quan, tuy nhiên, tôi mua thuốc uống theo đơn đều, cứ sau các bữa ăn thì uống thuốc, ăn sớm uống sớm, ăn muộn uống muộn, có bữa quên thì cho qua, không phải một tháng mà phải ba bốn tháng sau tôi mới vào khám lại. Cô bác sĩ Zung lại là chỗ bạn bè thân thiết lâu nay nên tôi nghĩ lần khân cũng được. Bác sĩ Zung gặp tôi la làng, anh biến đi đâu mà điện thoại không được. Tôi hề hề trả lời, bận quá em ơi, đang viết dở bộ phim cho đúng tiến độ, lại phải đi công tác miền Nam… Sau khi lấy máu kết quả xét nghiệm, theo bác sĩ bệnh trạng của tôi không hề giảm mà đang tăng, chỉ số Createnin báo cho biết phải nghiêm khắc với phác đồ điều trị. Và lại dặn đi dặn lại, không được uống rượu bia và các chất kích thích, kiêng các loại rau củ quả có nhiều kali và uống thuốc đúng giờ… Tôi nghĩ, ốm đau là việc của giời, nhắc nhở bệnh nhân là việc của bác sĩ. Bác sĩ nào cũng nhắc kiêng này kiêng nọ, bỏ rượu bỏ bia. Bỏ hai thứ ấy thì sống nhạt vô cùng nhạt, còn ra nước non gì…

Một năm, hai năm, cứ đơn thuốc ấy mua đều, uống đều sau bữa ăn sớm muộn có gì mà quá nghiêm trọng. Đến năm 2010, sau cái hôm cô bạn bác sĩ bảo tôi suy thận mãn tính, tình cờ tôi đi qua bệnh viện thận gần nhà, ghé khám thử. Bác sĩ ở đây nghiêm trọng hơn, yêu cầu tôi vào nằm viện, ít nhất một tuần để theo dõi nước tiểu và xét nghiệm, tôi đã suy thận mãn độ 2 rồi… Đến đây tôi có hơi lo, nhưng bận quá xin không nằm viện mà về nhà theo dõi theo ý bác sĩ. Tôi hứa làm theo lời dặn của bác sĩ. Rồi chạy theo công việc, chạy theo những cuộc hẹn hò, đi nước ngoài hai tháng, đi miền Trung và miền Nam, uống và ăn không giữ gìn, tôi thấy cơ thể tôi có khác đi một số thứ, ngứa là rõ nhất. Uống rượu vào là ngứa, gãi lung tung phát xấu hổ, mặt lúc nào cũng đỏ bừng bừng, tróc da… Tình cờ một hôm ngồi với nhà văn Nguyên Ngọc, tôi bảo tôi đang bị suy thận mãn. Anh Ngọc bảo, phải tới ngay gặp Giáo sư Phi Phi. Bà Phi Phi thì tôi có biết. Bà là giáo sư rất nổi tiếng hồi chúng tôi ở trong rừng thời đánh Mỹ. Bà Phi Phi có cô con gái là PGS, chuyên gia hàng đầu về thận, Chủ nhiệm hay Trưởng khoa Thận lọc máu Bệnh viện Việt Đức. Tôi đến gặp bà Phi Phi ngay. Bà gọi cho con gái gửi gắm tôi. Thế là đến bác sĩ An. Bác sĩ An giới thiệu cho tôi làm quen bác sĩ Thủy, người trực tiếp theo dõi bệnh cho tôi. Việc đầu tiên các bác sĩ Thủy yêu cầu là lấy máu và nước tiểu xét nghiệm, là nằm tại chỗ truyền đạm thận và truyền…, rồi bảo, tình hình của bác là phải chạy thận nhân tạo thôi, không trì hoãn được nữa. Chạy thận! Tôi có nghe đến xóm chạy thận ở Bạch Mai và tình cảnh các bệnh nhân… Tôi lên mạng đọc về cái bệnh này, thôi thì thông tin dữ dằn trăm thứ xem đến đâu dựng tóc gáy đến đó. Rồi phải vào Bệnh viện Hữu nghị (theo tuyến) chạy thận nhân tạo mỗi tuần 3 lần, mỗi lần 4 tiếng. Đến đây mới biết cái anh bảo hiểm quan trọng thật. Tôi thuộc diện có bảo hiểm 100%. Không có bảo hiểm chắc bó tay chấm com, nằm chờ xuống lỗ thôi!

Năm tháng chạy thận nhân tạo, bên tay trái đã được bác sĩ An cho làm cầu tay, nhưng hậu quả của các cuộc “chạy” để lại là mấy cục nổi lên, có vẻ ngày càng ra những hình thù dữ dằn hơn, nhìn thấy đã ngán. Vợ tôi bị vạ lây. Tuần 3 bữa đèo lão chồng già xấu xí đến bệnh viện, cứ như của nợ. Mà đúng là của nợ thật! Bỏ thương vương tội cả đời đây! May mà nàng có theo một nhóm Thiền. Thiền giúp người ta vượt qua những khó khăn một cách… rất thiền. Tôi bây giờ một tuần có 3 buổi tám tiếng nằm im re nghe bác sĩ bảo gì làm nấy, vợ bảo gì làm nấy, nằm mãi rồi mới sinh ra nghĩ ngợi. Tôi bảo vợ giấu tiệt không thông báo cho bạn bè, cả anh em cơ quan tôi cũng chỉ báo cho vài người vì có liên quan đến công việc. Tất nhiên rồi mọi người cũng biết. Các cháu con chị, con em gái, con anh trai ở quê cũng kéo nhau lên thăm… Tóm lại vừa rất tình cảm lại cũng vừa rất bận, rất xáo trộn mà tôi không muốn. Bạn nhậu, bạn đồng nghiệp từ Bắc chí Nam đâu đâu cũng có. Có mấy ông nhắn tin, tao cho mày thận, mày ghép đi rồi vô đây… nhậu với tao. Con gái tôi đang học cao học bên Ý điện thoại về, con sẽ về hiến thận cho bố, bố đừng lo. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín trong Nam bộ, người đặc biệt có ba quả thận bảo tôi, đây là dịp em biếu bác một quả! Từ Gia Lai nhà giáo Chử Anh Đào thì kiên quyết em tặng ông anh. Thận em còn khỏe lắm… Rồi từ Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo điện ra, chú vô Huế ngay, ở Huế tao lo hết, tao có đứa cháu làm ở khoa thận, nó hứa lo hết cho mày. Huế tôi cũng có nhiều bạn bè, cũng điện ra bảo vô chúng tao lo chăm sóc. Tôi cũng có một cô em - em phía bên vợ, bảo bác vào nhà em vô tư, em có người nhà làm trợ lý cho GS. Phú, người nổi tiếng ghép tạng… Tôi bắt đầu có ý thức tìm hiểu kiến thức qua các anh chị bệnh nhân chạy thận trước, người chạy được ba bốn năm, người bảy tám mười năm. Ngần ấy năm nằm lọc máu với cái máy như cái tủ lạnh to đùng bên cạnh và các bác sĩ, các cô điều dưỡng viên. Bệnh nhân nào cũng chậm chạp, yếu đuối và ngẩn ngơ. Có bệnh nhân rất thạo các công đoạn của việc làm mà các bác sĩ, các cô điều dưỡng viên đã lặp đi lặp lại với mình hàng trăm lần. Rồi tinh tướng chỉ đạo lại! Ở bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội cũng thế mà sau này tôi chuyển về bệnh viện Việt Đức để điều trị chờ… ghép thận cũng thế. Tôi quan sát thấy các bác sĩ, hay nói đúng hơn, các cô điều dưỡng, các nhân viên y tế của khoa thận lọc máu ở đây bận tối mắt tối mũi suốt ngày. Họ phải làm việc gấp ba bốn lần các nhân viên của ngành khác. Sao lại thế? Sao lại không thể thêm người làm đỡ cho các cô được? Sao lại cứ túi bụi với việc và việc cả ngày nọ sang ngày kia thế? Lương họ được bao nhiêu? Chồng con các cô, các cô lo toan thế nào? So với các cô viên chức ở cơ quan tôi thì các cô ở đây bận hơn tới cả năm bảy lần. Các cô viên chức đa số các cơ quan công sở rất thạo uống trà, cà phê, rất thạo cách dùng mỹ phẩm, rồi váy nọ áo kia, rồi món ăn ở cửa hàng đặc sản này, nhà hàng nọ… Các cô y tá, điều dưỡng viên ở đây không hề thấy có lúc nào được ngồi túm tụm hai ba người “buôn dưa lê” với nhau mà chỉ thấy cắm cúi với công việc, với bệnh nhân và với xe, cáng, dìu, nâng, đỡ, đưa đón rồi lại… chạy. Một cô điều dưỡng chạy một ngày không dưới ba bốn chục cây số chứ không phải ít. Công việc thì lặp đi lặp lại mà kéo dài thì bất tận thế, không biết các cô có được hưởng chế độ gì đặc biệt không. Quả thật các vấn đề này hình như thuộc các vấn đề nhạy cảm, tế nhị! Các bác sĩ của khoa thận lọc máu thì lại còn bận hơn các cô điều dưỡng nhiều lần nữa. Họ phải khám bệnh, kê đơn, tư vấn thăm bệnh, giao ban, hội chẩn. Tôi thấy chóng mặt với khả năng làm việc và khả năng thích nghi với công việc của họ. Trước đây khi chưa nằm viện tôi không hình dung được các bác sĩ phải làm việc với cường độ dữ dằn như vậy. Bây giờ thì tôi hay nghĩ, liệu cái cung cách làm việc căng thẳng như thế, kéo dài như thế, các bác sĩ ở đây có trụ mãi được không!

Tôi viết những dòng này khi tôi đã ghép thận được đúng 20 ngày. Hai mươi ngày sau cú đại phẫu thuật ghép tạng! Tất nhiên tôi còn phải nằm hậu phẫu, tránh tiếp xúc và không làm gì quá sức. Phải tuân thủ theo y lệnh. Ăn đúng giờ và uống thuốc đúng giờ. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi khép mình vào kỷ luật nghiêm túc nhất. Không có con đường nào khác. Đó là quy luật của muôn đời dành cho bệnh nhân như tôi. Câu chuyện ghép tạng tôi xin kể sau vậy!

“…Tâm hồn con người gấp một trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi, bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống phải ra sức giúp đỡ nhau, gắng làm cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác. Người ấy lại giúp người khác nữa cứ thế đến vô cùng… Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tâm trạng cô đơn trước cuộc sống ...

(Trích tiểu thuyết “Quy luật của muôn đời”)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/cau-chuyen-quy-luat-cua-muon-doi-516188.bld