Câu chuyện lạ có thật ở huyện Phú Lộc

(Dân trí) - Mấy tháng nay, nhiều người ở huyện Phú Lộc luôn truyền tai nhau câu chuyện về một phụ nữ không họ hàng thân thích với hai đứa trẻ và một bà cụ bệnh tật. Họ nói: có lẽ câu chuyện này chỉ có trên màn ảnh.

Ở đội 6, thôn 5 Trường, Vinh Giang, Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế, là nơi đang tồn tại một cậu chuyện mà người dân nơi đây cho là “có một không hai”, nếu có cũng chỉ là trên phim. Cách đây một năm, vợ anh Cao Văn Dồn (42 tuổi, ở địa chỉ trên) qua đời vì căn bệnh viêm màng não mủ khi mới ở tuổi 35. Người bạn đời đã mất, với nghề thợ nề, một mình phải nuôi hai đứa con trai ăn học và mẹ già mang bệnh nặng, đối với một người nông dân không một tấc đất canh tác là rất khó khăn. Trong khi hai đứa con vẫn còn nhỏ, thằng anh là Cao Như Ngọc (11 tuổi) và thằng em Cao Như Thành (8 tuổi), đang phải cắp sách đến trường.Cuộc sống đối với anh lúc này rất bế tắc, anh cần một người phụ nữ để chia sẽ những khó khăn, hạnh phúc trong cuộc sống. Qua một thời gian tìm hiểu, cả hai người quyết định đi đến hôn nhân, nhưng bị gia đình chị Ánh phản đối kịch liệt với lý do: anh Dồn là người theo đạo Phật, còn gia đình chị Ánh thì bên Công giáo và hơn nữa anh Dồn quá nghèo lại phải nuôi hai đứa con nhỏ đang đi học và một mẹ già bị bệnh nặng, nghề nghiệp thất thường. Như vậy là quá thiệt thòi cho chị Ánh. Mặc cho mọi người can ngăn, chị Ánh vẫn quyết định tiến đến hôn nhân với anh Dồn. Nhưng số phận thật nghiệt ngã như bắt chị Ánh kiếp này phải chịu cảnh đơn chiếc. Ngày cưới đã được ấn định, mọi đồ lễ đã được sửa soạn, cô dâu cũng đã được thử váy cưới. Chỉ vài ngày nữa hai người sẽ trở thành vợ chồng nhưng cái ngày đó đến bây giờ vẫn chưa xảy ra… Trong lúc đi mời họ hàng đến dự hôn lễ, anh Dồn đã gặp tai nạn và qua đời. Chỉ trong vòng 6 tháng hai cậu bé đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, còn chị Ánh, sẽ ít người trên thế gian này hiểu được cảm giác của chị lúc bấy giờ. Chưa một ngày làm dâu, làm vợ nhưng nhìn cảnh hai cậu bé không nơi nương tựa, không có cái ăn và một bà già bệnh nặng: “nhìn cảnh hai đứa trẻ nhớ cha, nhớ mẹ, bụng đói không có cái gì ăn chỉ biết ôm bà nội mà khóc. Còn bà lúc nào toàn thân cũng run lên bần bật muốn ôm cháu vào lòng để dỗ dành cũng không được, tôi như không cầm được nước mắt”, nói đến đây giọng chị Ánh nghẹn lại. Không cầm lòng, ngày nào chị Ánh cũng mang gạo đến nấu cơm cho ba bà cháu ăn, hai cậu bé như có một bàn tay ấm áp sưởi ấm khi đông lạnh gọi chị Ánh bằng “mẹ”. Thương họ nhưng khổ một nỗi chị vẫn còn ở chung với ba mẹ già đang phải mưu sinh vất vả, và đến bản thân chị vẫn chưa nuôi nổi mình. Thương lắm nhưng chị không còn cách nào khác là làm ngơ. Mới một ngày không được gặp mẹ, hai cậu bé khóc vì nhớ mẹ, cả ngày bỏ học đi tìm mẹ. Không cầm lòng chị lại quay về căn nhà có ba mảnh đời bất hạnh, cũng từ đó trở đi sợ mất mẹ nên chị Ánh đi đâu Thành cũng không rời chị nửa bước: “Tội nghiệp thằng bé, sợ tôi bỏ đi nên ngồi học trên lớp không yên, vừa mới tan học là vội chạy ngay về nhà”, chị Ánh tâm sự. Với thu nhập 200 nghìn/tháng từ cái nghề sửa quần áo của mình thì nuôi 4 miệng ăn đối với chị Ánh là rất khó khăn. Thế rồi chị phải làm đơn vay 10 triệu đồng từ hội người phụ nữ, để lo cho ba bà cháu. Vậy mà chị vẫn không thể lo đủ cho hai đứa trẻ đi học, cả hai em Ngọc và Thành đều học giỏi. 11 tuổi nhưng Ngọc đã biết lo cho em và thương mẹ, nên vào đầu năm học vừa rồi (Ngọc chuẩn bị lên lớp 7) không có tiền nhập học, em đã quyết định nghỉ học, táo bạo hơn khi Ngọc tự mình bắt xe đưa bà nội đến nhà một người họ hàng ở tận Tây Nguyên để làm thuê cho trang trại trồng cà phê. Thiên Thư

Nguồn Dân Trí: http://dantri.com.vn/c167/s167-371881/cau-chuyen-la-co-that-o-huyen-phu-loc.htm