Cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại TP Tam Kỳ: Đề xuất áp dụng quản lý quy hoạch chung

Trong khi chờ văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng năm 2014 ban hành, để thực hiện tốt cấp phép xây dựng tại TP Tam Kỳ, UBND TP Tam Kỳ đã có văn bản đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc với cơ quan chuyên môn trong quá trình thực thi cấp phép xây dựng trên địa bàn.

Cần phân cấp các khu vực

Tại Điều 93, Luật Xây dựng, quy định điều kiện cấp phép đối với nhà ở riêng lẻ là nếu thuộc khu vực tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Tuy nhiên, dự kiến đến tháng 12/2015, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc TP Tam Kỳ mới được phê duyệt. Do đó, TP Tam Kỳ đề xuất được cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ trên cơ sở Quy hoạch chung TP Tam Kỳ (định hướng năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050) đã được phê duyệt từ năm 2014, trong đó có điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chung.

Ông Nguyễn Văn Lệnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Tam Kỳ cho biết, hiện các trục chính đô thị như: Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Trần Cao Vân chưa có quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu thì phê duyệt từ năm 2000 và không có điều lệ quản lý xây dựng. Vì vậy, việc áp dụng điều lệ quản lý của quy hoạch chung để cấp giấy phép xây dựng khi chưa có quy chế quản lý kiến trúc đô thị sẽ phù hợp và đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Về thẩm quyền cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng, theo UBND TP Tam Kỳ, cần thiết ban hành quy định về phân cấp các khu vực (kể cả khu vực quy hoạch nông thôn mới), các công trình thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND TP Tam Kỳ. Trong đó, nêu rõ các tuyến, trục đường phố chính, khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa… để đảm bảo không chồng chéo về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, còn một số tồn tại, vướng mắc khiến TP Tam Kỳ đang lúng túng trong thực thi Luật Xây dựng 2014. Tại khoản 5, Điều 94, có nội dung không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới, mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc sửa chữa, cải tạo. Vậy, khi giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc sửa chữa, cải tạo hết thời hạn, có buộc chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình sửa chữa, cải tạo? Nếu phạm vi sửa chữa, cải tạo gắn liền với nhà hiện trạng trước đây (không sửa chữa, cải tạo) thì xử lý như thế nào?

Ví dụ: Ông A có nhà hiện trạng diện tích 100m2 kết cấu móng đá, mái tôn, nền xi măng được UBND TP cấp giấy phép xây dựng có thời hạn sửa chữa, cải tạo nhà ở theo hiện trạng với diện tích 120m2, trong đó có 100m2 chung với nhà ở hiện trạng với kết cầu móng đá, bê tông cốt thép, mái ngói, nền gạch men. Vậy khi triển khai dự án thì việc bồi thường sẽ áp dụng cho nhà cũ (trước đây) hay nhà mới.

Công trình tín ngưỡng cần phù hợp quy hoạch xây dựng

Đối với công trình tín ngưỡng, ông Nguyễn Văn Lệnh cho biết, trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng không thể hiện đất cho công trình tín ngưỡng. Do đó, cơ quan chuyên môn cần thiết ban hành quy định cụ thể về điều kiện để được cấp giấy phép công trình tín ngưỡng, cũng như quy mô xây dựng của công trình tín ngưỡng, để có cơ sở pháp lý cấp giấy phép xây dựng.

Theo ông Nguyễn Văn Lệnh, để được cấp phép xây dựng, công trình này cần đảm bảo các điều kiện như: Một, phù hợp quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Hai, có các loại giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về đất đai. Bởi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đình, miếu, am… để thờ tự của cộng đồng dân cư thời gian qua tồn tại nhiều vướng mắc về đại diện chủ thể sử dụng đất, nguồn gốc đất, loại đất… Ba, cần quy định quy mô công trình tín ngưỡng, tường, rào, cổng, ngõ xung quanh công trình.

Còn đối với các trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng 2014, ông Nguyễn Văn Lệnh cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sỡ hữu công trình, nhà ở riêng lẻ, việc quản lý kiến trúc cảnh quan, thoát nước, vệ sinh môi trường, sẽ gặp nhiều vướng mắc. Như việc xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn vi phạm quy hoạch, không có bản vẽ và xác nhận của chính quyền địa phương. Nhà ở tại các dự án phát triển đô thị nhưng xây dựng sai điều lệ quản lý xây dựng về độ cao, không có hệ thống xử lý nước thải khi đấu nối vào hệ thống chung của TP hoặc sai quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Vì vậy, văn bản hướng dẫn Luật cần có các biện pháp, chế tài với các trường hợp này.

Thanh Nga

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/de-xuat-ap-dung-quan-ly-quy-hoach-chung.html