Cấp bách phòng chống cháy rừng

Từ đầu năm 2010 đến nay, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ở nhiều địa phương trong cả nước đã diễn ra tình trạng khô hanh kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Một số địa phương đã xảy ra cháy rừng, đặc biệt là vụ cháy rừng lớn xảy ra tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) từ ngày 8-2-2010 và kéo dài sang cả năm mới Canh Dần. Mặc dù các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng quân đội đã xả thân chiến đấu với giặc lửa trong những ngày Tết Nguyên đán, nhưng thiệt hại do cháy rừng gây ra vẫn rất lớn, ước tính có đến hàng trăm héc-ta rừng bị thiêu trụi.

Theo Cục Kiểm lâm, nguyên nhân dẫn đến cháy rừng có nhiều, trong đó có những nguyên nhân chỉ do sơ ý của người dân vào rừng, chẳng hạn như để tàn thuốc lá rơi xuống lá rừng, đốt củi để sưởi…Cũng có nhiều trường hợp do người dân phát nương, làm rẫy và ngọn lửa bắt sang rừng. Để chủ động phòng chống cháy rừng, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị Số: 270/CT-TTg về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ thị nêu rõ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Quân đội, Công an ) rà soát quy chế phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng có thể xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ; thường xuyên tổ chức cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong thời kỳ khô hạn. Công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống cháy rừng và các biện pháp kỹ thuật để phòng chống cháy rừng cần được tăng cường, đồng thời xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng chống cháy rừng ở các cộng đồng dân cư thôn, buôn nơi có rừng. Thực tế công tác chữa cháy rừng trong thời gian qua cho thấy, chúng ta đang thiếu rất nhiều các phương tiện chống cháy rừng hiện đại, đặc biệt là chưa có máy bay chuyên dùng để dập lửa, vì thế, việc chống cháy rừng Hoàng Liên rất khó khăn. Thiết nghĩ, với điều kiện kinh tế đất nước hiện nay, chúng ta cần đầu tư thêm các thiết bị này để bảo vệ rừng. Mặt khác, để phòng chống cháy rừng, cũng cần tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy. Trong thời kỳ cao điểm khô hạn cần quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao . Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn cho biết, trong vài tuần tới, thời tiết cả nước vẫn tiếp tục hanh khô và có gió mạnh, rất dễ xảy ra cháy rừng, vì vậy, mọi người hãy cảnh giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Phú Thọ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/7/24/24/103843/Default.aspx