'Căng như dây đàn' cùng bác sỹ khoa cấp cứu dịp cuối năm

Những ngày cuối năm, khi người dân cả nước đang bận bịu trở về nhà sắm sửa chuẩn bị cho một cái Tết đầm ấm, vui vẻ bên gia đình thì tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng dường như Tết vẫn chưa về đến.

Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Tiệp Hải Phòng (Bệnh viện Việt - Tiệp) những ngày cuối năm, các bác sỹ vẫn quay cuồng chạy từ phòng bệnh này sang phòng bệnh khác, cấp tập cấp cứu cho các bệnh nhân mới với đủ loại thương tích, bệnh tật.

PV VTC News đã có một đêm trắng cùng đội ngũ thầy thuốc y bác sỹ tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp để khắc họa rõ hơn công việc của họ trong những đêm đông giá rét, khi ngoài kia Tết đã rất gần.

Khoa cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng - Ảnh MK

"Bác sỹ ơi cứu con cháu với..."

Ca trực đêm của các y bác sỹ tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Tiệp bắt đầu từ 17h chiều, một kíp trực với 17 bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế và 21 thực tập sinh.

Khi đèn tín hiệu, còi xe cấp cứu hú vang trước cửa khoa, 2 bác bảo vệ nhanh tay mở cửa. Lập tức, các điều dưỡng viên đẩy nhanh xe cáng áp sát, phối hợp với người nhà chuyển bệnh nhân lên xe cáng và di chuyển vào khu vực khám, phân loại bệnh nhân.

Nhân viên điều dưỡng tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu - Ảnh MK

Tại đây, các y sỹ nhanh chóng làm các thao tác đo huyết áp, đo mạch, đo nhiệt độ cơ thể cho bệnh nhân. Các bác sỹ cũng có mặt để chẩn đoán sơ bộ và đưa ra phương án cấp cứu, chỉ định xét nghiệm.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, kết hợp với chẩn đoán ban đầu bác sỹ sẽ kết luận vào hồ sơ bệnh án và chỉ định điều dưỡng chuyển bệnh nhân đến các khoa để tiếp tục điều trị.

Đối với các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu để các bác sỹ thăm khám đồng thời huy động các bác sỹ cận lâm sàng, bác sỹ chuyên khoa khác cùng phối hợp cấp cứu cho bệnh nhân.

Nghe qua tưởng chừng công việc chỉ bấy nhiêu thôi nhưng cứ liên tục lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối ca trực cũng đủ làm các thầy thuốc nơi đây mệt nhoài, cả Khoa Cấp cứu lúc nào cũng trong tình trạng "căng như dây đàn" bất kể mùa hè oi ả hay đêm đông giá rét.

Khoảng 17h30’, một bà mẹ trẻ hốt hoảng, mặt tái nhợt, bế đứa bé miệng đang cắn chặt chiếc khăn, chạy từ ngoài cửa xông thẳng vào Phòng hồi sức tích cực miệng kêu khóc: “Cứu con cháu với bác sỹ ơi!”.

Người mẹ trẻ hốt hoảng bế đứa bé trên tay chạy vào Khoa cầu cứu do cháu bé bị sốt cao, co giật, bất tỉnh - Ảnh MK

Bác sỹ Nguyễn Thu Thủy (phó ca trực) lập tức đến bên cháu bé, chẩn đoán nhanh xác định cháu bị sốt cao, co giật, tím tái. Bác sỹ Thủy chỉ đạo kịp trực tiến hành cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhi rồi chị quay qua người mẹ trẻ: “Em cứ bình tĩnh, chúng tôi đang cứu con em đây!”

Em bé được cấp cứu ngay lập tức, đến khi hạ sốt, sức khỏe dần ổn định trở lại và nói chuyện được với mẹ. Sau đó, em được chuyển đến Bệnh viện Nhi Hải Phòng để tiếp tục điều trị.

Rồi sau đó, 5 phút, 10 phút, 20 phút tiếp theo, lần lượt các bệnh nhân với những tình trạng bệnh khác nhau như bệnh tim mạch ở người lớn tuổi, đến tai nạn lao động, tai nạn giao thông... cứ thế được chuyển đến Khoa cấp cứu, với ánh mắt lo lắng, bất an, đang cần được bàn tay cứu chữa của các y bác sỹ.

Nhìn trên bảng tổng hợp, theo dõi các bệnh nhân nhập viện trong tuần thì thấy, số lượng bệnh nhân chuyển đến cấp cứu tại Khoa dao động khoảng 100 bệnh nhân/ngày, chưa kể những ngày đột biến như mới đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng với số lượng trên 300 bệnh nhân. Lúc đó, Khoa phải phải huy động tổng lực các y bác sỹ ở các khoa khác đến phối hợp tiếp nhận, cấp cứu và điều trị.

"Thương người thì khó đến thân"

Bác sỹ Trần Đức Thắng - Trưởng ca trực chia sẻ, thời điểm mùa hè đến, nhiều lần cứ nửa đêm, một vài tốp thanh niên đất Cảng kéo nhau đến Khoa, cầm một sấp tiền đặt trên bàn rồi “ra yêu sách” đòi cấp cứu ngay cho bạn bè mình vì bệnh..... “ngáo đá” sau khi ăn chơi tại các sàn nhảy, quán bar, kèm theo những lời nói khiếm nhã.

Tuy nhiên, với phương châm chữa bệnh cứu người, nên các y bác sỹ vẫn tận tụy, ân cần tập trung cứu người, sau đó khuyên giải để họ hiểu và không có những hành động, lời nói ảnh hưởng đến ca trực và người bệnh.

Người nhà bệnh nhân hồi hộp, lo lắng chờ đợi ngoài khoa cấp cứu - Ảnh MK

Một bác sỹ phó Khoa cho biết, xuất phát từ tâm lý lo sợ bệnh tình của bệnh nhân nên người nhà đưa bệnh nhân đến khoa thường rất nôn nóng, mất bình tĩnh, luôn yêu cầu bác sỹ phải cấp cứu khẩn cấp cho người nhà mình, nếu không được đáp ứng thì họ sẵn sàng buông ra những lời nói, hành động thiếu kiểm soát.

Nhưng vì đội ngũ bác sỹ có hạn, cơ sở vật chất, thiết bị tuy được đầu tư mới song việc cấp cứu phải đúng theo quy trình chẩn đoán và xử lý chứ không thể cấp cứu bệnh nhân trong tình trạng nóng vội sẽ rất dễ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Bên cạnh đó, cùng lúc có những bệnh nhân nặng hơn, nguy cấp hơn buộc bác sỹ phải ưu tiên cấp cứu ngay cho những trường hợp đó trước.

“Là bác sỹ chữa bệnh cứu người, không bác sỹ nào muốn bệnh nhân mình nặng thêm hay tử vong cả” - Bác sỹ Hải khẳng định.

Các y bác sỹ làm việc tại Khoa cấp cứu luôn phải đối mặt với áp lực từ người nhà, bệnh nhân, tính chất công việc, thậm chí còn cả bị hành hung, đe dọa - Ảnh MK

Ngoài ra, cũng chính vì áp lực và cường độ công việc mang tính đặc thù của Khoa nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các y bác sỹ nữ, đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều chị em có gia đình bị sẩy thai, có năm 3-4 trường hợp.

Đến quá nửa đêm, sau khi kiểm tra lần lượt các bệnh nhân nặng trong phòng cấp cứu khẩn cấp, bác sỹ Nguyễn Thu Thủy - Phó ca trực quay trở lại Phòng giao ban tâm sự với PV: “Đối với những bác sỹ chuyên ngành hồi sức cấp cứu hẳn là vẫn còn ngọn lửa đam mê, bởi đây được coi là nơi đầu sóng ngọn gió, nơi số lượng và độ hiểm nghèo của bệnh nhân là số 1. Trước sự mong manh giữa sự sống và cái chết, đòi hỏi những quyết định căng đầu chỉ trong vài giây, vài phút.

Bác sỹ Nguyễn Thu Thủy (bên trái) thăm khám cho bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu trong đêm

Nam giới làm chuyên ngành này còn mệt mỏi huống chi là nữ giới. Trách nhiệm với chúng tôi luôn nặng nề, ngoài trách nhiệm với bệnh nhân còn trách nhiệm của một người vợ người mẹ mà trách nhiệm này cả cuộc đời chúng tôi cũng chưa bao giờ làm cho trọn vẹn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn yêu, sống và cống hiến hết mình cho chuyên ngành mà mình đã chọn”.

Theo thống kê sau một ca trực, 83 bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại khoa, trong đó 78 trường hợp phải nhập viện cấp cứu, điều trị.

Gần về sáng, thời tiết càng lúc càng lạnh tê tái hơn, nhưng cán bộ, nhân viên y tế nơi đây vẫn đang cần mẫn, lặng lẽ làm những phần việc của mình. Người thì kiểm tra diễn tiến sức khỏe bệnh nhân, người thay dịch truyền hay kéo nhẹ chiếc chăn ấm đắp cho bệnh nhân; người thì nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ bệnh án, những người còn lại tiếp tục ngồi tra cứu thông tin về các loại bệnh, những loại thuốc, những phương pháp mới để ứng dụng trong chẩn đoán, cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân.

Ra về lúc rạng sáng trong cái lạnh thấu xương nhưng lòng tôi vẫn thấy ấm áp, bình yên lạ thường. Có lẽ bởi tôi đã biết, đâu đó giữa thành phố này vẫn đang có những con người từng giây từng phút cố gắng bảo vệ, giành giật sự sống cho nhiều người gặp phải tai nạn không may hay những chứng bệnh hiểm nghèo. Nhất là khi Tết đã đến rất gần.

Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận trong một đêm trực tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng:

Nhân viên điều dưỡng đẩy xe tiếp nhận bệnh nhân bị TNGT vào Khoa cấp cứu

Các y bác sỹ, điều dưỡng phải liên tục thực hiện các bước cấp cứu nhiều bệnh nhân cùng lúc

Bác sỹ thăm khảm và chẩn đoán ban đầu, sau 2 phút phải đưa ra hướng xử trí

Băng bó vết thương cho bệnh nhân bị tai nạn lao động

Bệnh nhân bị ngã chấn thương sọ não vùng gáy do rượu

Nửa đêm, nữ bác sỹ này vẫn tận tình, ân cần chăm sóc bệnh nhân nặng tại phòng cấp cứu khẩn cấp

Băng bó vết thương cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Bác sỹ và kíp trực tư vấn cho người nhà bệnh nhân về trường hợp bị thương nặng cần phải phẫu thuật não gấp

Phòng mổ được bố trí trên tầng 5 cùng tòa nhà để cấp cứu khẩn cấp những trường hợp bị bệnh nặng, nguy cấp

Bác sỹ chẩn đoán hình ảnh tại phòng cấp cứu khẩn cấp

Khi không có bệnh nhân cấp cứu, các bác sỹ lại trao đổi nghiệp vụ, hướng dẫn thực tập sinh nghiên cứu những ca bệnh

Hướng dẫn thực tập sinh chẩn đoán hình ảnh

Video: Cấp cứu hàng trăm bệnh nhân bị ngộ độc ở Hải Phòng

Ông lang phố núi chữa khỏi 3 vạn người bị bệnh dạ dày

Nguồn VTC: http://vtc.vn/cang-nhu-day-dan-cung-bac-sy-khoa-cap-cuu-dip-cuoi-nam.2.592687.htm