Cần tìm tiếng nói chung

QĐND - Trong đơn, bà Nguyễn Thị Tuyết, 81 tuổi ở xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước trình bày: Trước năm 1975, vợ chồng bà có 7.000m² đất do tổ tiên để lại thuộc ấp Long Hội, xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (nay thuộc phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Năm 1976, có 3 cán bộ xã đến vận động gia đình cho mượn khoảng 4.000m² đất để xây trường học tạm cho con em trong ấp học xóa mù chữ, đến khi nào tìm được đất mới để xây trường thì sẽ trả lại, nhưng không hẹn thời gian cụ thể. Việc mượn đất được lập văn bản, nhưng gia đình bà Tuyết không còn lưu giữ được. Năm 1980, phần đất còn lại (khoảng 3.000m²), gia đình bán cho người khác rồi đi làm ăn xa tại huyện Bình Long (huyện cũ của tỉnh Bình Phước, từ năm 2009 được tách ra thành thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản)... Kèm đơn có giấy xác nhận của ông Nguyễn Văn Dằng (một trong ba cán bộ xã đã đến vận động gia đình năm 1976, đến nay còn sống) viết: “Ông Phạm Văn Lình và bà Nguyễn Thị Tuyết đã chấp nhận cho cất trường học tranh tre mây nứa. Nếu sau không cất trường học nữa, chúng tôi sẽ trả lại đất đó… Tôi làm đơn này là sự thật”. Bà Tuyết còn gửi ảnh chụp cho thấy diện tích đất này hiện nay đang bỏ hoang, làm nơi chăn thả bò của người dân địa phương. Còn UBND thị xã Tân Uyên khẳng định gia đình bà đã hiến tặng.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/che-do-chinh-sach/can-tim-tieng-noi-chung/389858.html