Cần thiết đưa phương tiện tránh thai trở thành hàng hóa

Đó là nội dung chia sẻ của ông Nguyễn Đình Bách – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra – Tổng Cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) với độc giả Báo Giáo dục & Thời đại khi bàn về ý nghĩa của TTXH các phương tiện tránh thai với công tác KHHGĐ.

 Ông Nguyễn Đình Bách – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra – Tổng Cục DS - KHHGĐ (Bộ Y tế)

Ông Nguyễn Đình Bách – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra – Tổng Cục DS - KHHGĐ (Bộ Y tế)

Nỗ lực đưa phương tiện tránh thai gần dân hơn

Ông Bách nhận định: "Nếu không thực hiện tốt tiếp thị xã hội (TTXH) các phương tiện tránh thai (PTTT), nguy cơ mang thai ngoài ý muốn ngày càng tăng, ảnh hưởng tới xấu sức khỏe cộng đồng và làm tăng chi phí sử dụng dịch vụ y tế."

Theo thống kê, đến năm 2015, tại Việt Nam, số phụ nữ trong độ tuổi có khả năng mang thai lên tới 27 triệu người và duy trì đến năm 2023. Mức sinh hiện nay tuy đã giảm nhưng chưa vững chắc. Trước sức ép của sự gia tăng dân số, nhiệm vụ giảm sinh đang tạo áp lực phải tăng nhanh số người sử dụng các biện pháp tránh thai.

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong thời gian tới là đẩy mạnh tiếp thị xã hội (TTXH) các phương tiện tránh thai, nhằm bảo đảm tính bền vững của các chương trình DS-KHHGĐ.

Cũng theo ông Bách: Hai trong nhiều biện pháp hết sức quan trọng trong công tác triển khai công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là: truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho tất cả các đối tượng có nhu cầu về KHHGĐ; cung cấp các phương tiện tránh thai một cách đa dạng, thuận tiện, có chất lượng và gần dân.

Tiếp thị xã hội đã lồng ghép vào công tác DS-KHHGĐ bằng việc đưa các phương tiện tránh thai đến gần hơn với người dân và không phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ, tài trợ và ngân sách Nhà nước.

Các PTTT này được Nhà nước trợ giá gần 2/3 nên người dân sẽ được tiếp cận với giá thấp hơn so với giá hiện hành và có chất lượng không kém những PTTT khác ngoài thị trường.

Trong thời gian qua, mạng lưới cung cấp các dịch vụ phương tiện tránh thai của Việt Nam (đáp ứng cho lâm sàng và phi lâm sàng) nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, hiện nay do Việt Nam đã tiến từ một nước nghèo lên một nước có thu nhập trung bình nên nguồn cung cấp phương tiện tránh thai so với trước đây phần nào bị hạn chế.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế và ổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã đồng thời triển khai cung ứng phương tiện tránh thai trên 3 kênh chính là: cung cấp miễn phí cho những đối tượng là người nghèo, người cận nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa và những vùng có mức sinh cao chưa ổn định theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính. Đồng thời triển khai tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc kết hợp với kênh thị trường tự do.

Nhìn chung, khả năng cung ứng phương tiện tránh thai trên thị trường hiện nay có thể đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay còn một số bất cập trong quá trình cung cấp phương tiện tránh thai, đó là: đối với các phương tiện tránh thai lâm sàng như vòng tránh thai, thuốc cấy tránh thai, chủ yếu vẫn do nhà nước chịu trách nhiệm nhập khẩu và cung ứng.

Các phương tiện tránh thai phi lâm sàng như bao cao su nằm trong hàng hóa nhóm 1 - chưa có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn tới tình trạng một số loại bao cao su lưu thông trên thị trường tự do chưa đảm bảo chất lượng.

Đối với các phương tiện tránh thai lâm sàng, hầu hết do cơ quan nhà nước, cụ thể là Tổng cục DS-KHHGĐ, một số được cung ứng qua các dự án hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, các tổ chức cá nhân kinh doanh trong nước chưa có điều kiện tham gia nhiều trong lĩnh vực này, còn các phương tiện tránh thai phi lâm sàng như bao cao su được thực hiện theo Luật Thương mại. Đây có thể coi là một trong những cản trở trong việc đa dạng hình thức cung ứng phương tiện tránh thai lâm sàng của Việt Nam.

Đề khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật dân số dự kiến đưa vào các quy định để các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước có thể tham gia vào quá trình cung ứng phương tiện tránh thai, kể cả phi lâm sàng tại Việt Nam.

Ảnh minh họa

Kiểm soát chất lượng phương tiện tránh thai

Chia sẻ về quan điểm xếp danh mục các phương tiện tránh thai như một hàng hóa, ông Nguyễn Đình Bách cho biết: Hiện nay, Việt Nam chưa có khái niệm riêng về hàng hóa sức khỏe sinh sản. Việc dùng cụm từ này còn đang bị lẫn với khái niệm “dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ”.

PTTT hiện nay được chia ra làm 2 loại: PTTT lâm sàng và phi lâm sàng. PTTT lâm sàng gồm: dụng cụ tử cung (vòng tránh thai), que cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai. PTTT phi lâm sàng gồm: bao cao su, viên uống tránh thai các loại, …

Trên thị trường Việt Nam hiện nay đã xuất hiện thêm một số PTTT mới như: vòng tránh thai nội tiết, miếng dán tránh thai, bao cao su nữ. Tuy nhiên những PTTT này chưa được các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp cung ứng.

Hiện nay các PTTT lâm sàng như vòng tránh thai, thuốc tiêm tránh thai và thuốc cấy tránh thai, đa số do cơ quan nhà nước cung ứng và một số tổ chức phi chính phủ viện trợ. Các loại PTTT này có nguồn gốc và đã được kiểm duyệt chất lượng, đủ điều kiện lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên một số PTTT phi lâm sàng hiện đang lưu thông trên thị trường Việt Nam, một phần do nhập khẩu theo đường thương mại hoặc theo các con đường không chính thống khác.

Vừa qua Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra việc cung ứng PTTT phi lâm sàng trên thị trường tự do và đã phát hiện một số loại PTTT không rõ nguồn gốc. Số PTTT này đã bị thu hồi và các cơ sở kinh doanh các sản phẩm này đã bị xử lý.

Để giải quyết vấn đề một cách triệt để hơn, Bộ Y tế đang sửa đổi Thông tư số 44, đưa PTTT vào danh mục hàng hóa nhóm 2 - được sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường. Với biện pháp này chúng ta có thể kiểm soát tốt hơn chất lượng các loại PTTT lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, để khắc phục tâm lý trông chờ bao cấp trong việc cung cấp PTTT , hiện nay Bộ Y tế và Tổng cục DS-KHHGĐ đã mở rộng kênh tiếp thị xã hội các PTTT (bán PTTT với giá thấp) cho các đối tượng có nhu cầu.

Biện pháp này nhằm thích ứng với việc nguồn ngân sách của nhà nước cho việc mua PTTT ngày càng suy giảm đồng thời phù hợp với khả năng chi trả một phần kinh phí mua PTTT của khách hàng - hình thức trợ giá, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng PTTT của các đối tượng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/can-thiet-dua-phuong-tien-tranh-thai-tro-thanh-hang-hoa-1424746-v.html