Cẩn thận khi góp vốn kinh doanh

Khi góp vốn kinh doanh với người khác, bạn có thể lâm vào các tình huống mạo hiểm.

Góp vốn là sự đóng góp của hai hay nhiều đối tác để tạo nên số vốn nhất định. Do liên quan đến quyền lợi riêng và chung nên việc này có nhiều vấn đề phức tạp. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ vấp phải các nguy cơ như đồng vốn không sinh lãi, thâm hụt, thậm chí mất vốn. Có rất nhiều hình thức góp vốn, từ buôn bán nhỏ cho đến mở công ty kinh doanh. Thế nhưng làm thế nào đảm quyền lợi của bản thân và người cùng góp vốn? Bạn tham khảo một số câu chuyện sau: 1. Hùn vốn buôn bán Đó là trường hợp của chị Lê Tú Hằng, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Cách đây hơn một năm, chị cùng Hoa, một đồng nghiệp cũ, mở quán đặc sản đồng quê. Do chị Hoa đã góp mặt bằng, hai ti-vi LCD, nên chị Hằng đầu tư 150 triệu đồng để mua sắm các vật cần thiết như bàn, ghế, bát, đĩa, thực phẩm...Hai chị thỏa thuận bằng miệng là lợi nhuận sẽ chia đôi. Quán ăn hoạt động những tháng đầu không có lãi. Mỗi tháng, chị Hằng phải bỏ tiền túi gần mấy chục triệu đồng để bù vào mua thực phẩm, rau quả và trả lương nhân viên. Đến khi quán bán đắt hàng, tiền chợ không kiểm ai nấy bỏ túi, không hạch toán được vào cuối ngày. Dần dần, tiền lãi thu được rất ít, chị Hằng chán nản, quyết định rút lui để Hoa tự làm chủ quán ăn. Số vốn ban đầu chị bỏ ra chỉ thu lại được 80 triệu đồng. Tiền vốn hao hụt, tình bạn cũng sứt mẻ. Đó là hậu quả của việc hợp tác kinh doanh, phân chia trách nhiệm, công việc, tiền bạc không rạch ròi. Với số vốn ít, nhiều người tìm cách hợp tác với người thân, bạn bè mở cửa hàng, cơ sở buôn bán nhỏ. Sai lầm hay mắc phải của họ gồm: - Thường đơn giản hóa các điều kiện ràng buộc vì tin tưởng người cùng hùn vốn là bạn bè, người thân. - Không phân chia công việc, trách nhiệm rõ ràng ngay từ đầu. Chẳng hạn, ai là người giữ nguồn vốn chung? Ai có trách nhiệm ghi nhận, cân đối các khoản thu chi trong quá trình kinh doanh? Ai quản lý nhân viên? (Ảnh minh họa) Từ đó, các bên hùn vốn dễ xảy ra tranh chấp quyền lợi, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi gặp bất lợi, khó khăn. - Không làm giấy thỏa thuận phân chia tỷ lệ lợi nhuận rõ ràng, minh bạch. - Các bên ít khi cùng ngồi thảo luận để lường trước các khó khăn và tìm giải pháp đối phó. Do đó khi hùn vốn, bạn và đối tác cần thảo ra kế hoạch kinh doanh. Quy vốn thành tiền cho thống nhất. Liệt kê các chi phí ban đầu và phân công ai gánh trách nhiệm về khoản nào. Ngoài ra, bạn cần phải tổng kết chi phí và chia đồng đều để mỗi bên cảm thấy không bị ép, chịu thiệt. Trong quá trình làm ăn chung, các bên gồm: - Chọn người nắm giữ ngân sách chung. Người này phải có trách nhiệm báo cáo thu chi theo ngày, tuần, tháng hoặc quý và thông báo cho các đối tác nắm rõ. - Quy định ngày hạch toán và phân chia tiền lãi công khai giữa các bên. - Khi có sự cố phải tốn chi phí, các đối tác cần bàn bạc để giải quyết vướng mắc, cùng chia sẻ tổn thất. - Khi có ý định rút vốn, bạn cần báo trước cho các đồng sự chuẩn bị. Tránh vì mâu thuẫn mà đòi rút vốn ngay lập tức, gây khó khăn cho các thành viên còn lại. 2. Khoán trắng vốn cho người khác Với quan niệm: "Kẻ có của, người có công", nhiều người khoán trắng số vốn cho người thân, bạn bè kinh doanh, chỉ cần mang lợi nhuận về cho họ. Hình thức này đang rất phổ biến. Nhiều người có tiền nhưng không có kinh nghiệm về chứng khoán, bất động sản, vàng hay bất kỳ hình thức kinh doanh nào. Thế là, họ hùn tiền với người có kinh nghiệm để "đầu tư ké" và thỏa thuận chia lợi nhuận. Đối tượng được chọn mặt gửi vàng thường là chỗ thân thích, nên người góp vốn rất tin tưởng, không sợ lừa đảo. Tuy nhiên, hình thức này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo nhận định của chuyên gia tư vấn tài chính Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách CEPR: "Đây được xem là hình thức ủy thác đầu tư. Khi góp vốn kiểu này, bạn có thể đối mặt với rủi ro như người cầm vốn thiếu nghiệp vụ chuyên môn. Như thế, bạn không có được sự đảm bảo rằng người sử dụng vốn của bạn hiệu quả và đem lại lợi nhuận. Khi giao vốn, hai bên chỉ có thỏa thuận riêng với nhau. Đây không phải là hợp đồng kinh tế thật sự. Do đó, bạn không được pháp luật bảo hộ khi có rủi ro". "Một rủi ro nữa là người được ủy thác cầm vốn kinh doanh đã cố gắng hết sức. Thế nhưng trước thị trường chuyển biến xấu, người này không đủ sức chèo chống. Việc kinh doanh thất bại, đồng vốn của bạn cũng tiêu tan". Ngoài ra, do không am tường lĩnh vực kinh doanh, bạn cũng đứng trước nguy cơ bị chiếm đoạt vốn mà không biết. Khi góp vốn kiểu này, bạn nên chọn người cầm vốn đáng tin tưởng và là chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh. Bạn cũng cần dành thời gian nghiên cứu lĩnh vực mình đang bỏ vốn làm ăn để xác định thời điểm đầu tư hợp lý và lường trước các rủi ro. Cách khác, thay vì ủy thác vốn cho cá nhân, bạn có thể góp vốn vào các quỹ đầu tư để chuyên biệt hóa việc góp vốn. Các quỹ này huy động vốn của nhiều người để đầu tư. Những người quản lý quỹ này có chuyên môn, nghiệp vụ về đầu tư tài chính, đảm bảo sử dụng đồng vốn của bạn hiệu quả. Khi góp vốn vào các quỹ này, bạn sẽ được hợp đồng vốn và các điều khoản hưởng lợi nhuận rạch ròi. Như vậy bạn cũng được bảo hộ về pháp lý. 3. Góp vốn với các thành viên công ty Hợp tác, hùn vốn mở công ty là có lợi cho các thành viên. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng chọn được người góp vốn ưng ý. Anh Trần Hoàng Tôn, 34 tuổi, cùng hai bạn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất hàng mây tre lá và hàng thủ công. Anh là người đề xuất ý tưởng, chiến lược kinh doanh. Do thiếu vốn, anh kêu gọi hai người bạn hùn thêm. Anh làm giám đốc. Thời gian đầu thành lập, cả ba làm việc hết lòng vì công ty. Mâu thuẫn phát sinh khi những kế hoạch kinh doanh, quyết định tài chính của anh Tôn luôn bị hai thành viên còn lại phản đối. Điều đó dẫn đến một số thiệt hại cho công ty. Thế nhưng khi xảy ra sự việc, hai thành viên kia lại đổ trách nhiệm cho giám đốc. Hiện tại, các thành viên tạo áp lực rút vốn khiến anh gặp nhiều khó khăn. Việc bạn hùn vốn mở công ty với người khác sẽ đem đến lợi thế có nhiều người đồng sở hữu, số vốn góp được sẽ nhiều hơn. Việc quản lý công ty cũng toàn diện hơn vì có nhiều người tham gia điều hành công việc kinh doanh. Các thành viên có trình độ, kiến thức khác nhau nên có thể bổ sung cho nhau để quá trình quản lý công ty thật tốt. Ngoài ra, phần góp vốn của bạn cũng được ghi rõ trong điều lệ công ty. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể rơi vào tình thế tranh chấp do mâu thuẫn quyền lực và tài sản. Điều này xảy ra khi các thành viên không đồng thuận về định hướng và kế hoạch phát triển lâu dài của công ty. Để tránh rơi vào tình huống như anh Tôn, ngay từ buổi đầu thành lập công ty, các thành viên góp vốn nên có thỏa thuận gồm: - Mọi người phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào. - Mỗi thành viên cần phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định của bất kỳ thành viên còn lại. - Việc chuyển nhượng hay rút vốn chỉ thực hiện khi có sự đồng ý của nhóm thành viên đại diện cho ít nhất 3/4 số vốn điều lệ của công ty. Điều khoản này sẽ giúp hạn chế việc thành viên rút vốn bất ngờ hay chuyển nhượng vốn cho người ngoài. - Nên bàn với các thành viên thuê giám đốc điều hành. Người này được tất cả các thành viên tin tưởng giao nhiệm vụ, có chuyên môn, năng lực để có thể điều hành công ty tốt theo đúng chiến lược của hội đồng thành viên công ty. Các vấn đề liên quan đến tài chính, quản lý...người điều hành báo cáo minh bạch trước hội đồng thành viên. 4. Góp vốn vào công ty cổ phần Hiện nay, hình thức góp vốn để lập công ty cổ phần đang thu hút sự quan tâm của nhiều người có vốn lớn, đang "máu" kinh doanh lớn. Việc góp vốn theo hình thức này có ưu điểm sau: - Người góp vốn được đảm bảo tư cách pháp nhân, có sự ổn định nên giao dịch, vay vốn, chuyển nhượng...dễ dàng. - Nhiều thành viên cùng tham gia góp vốn nên với số vốn nhỏ, bạn vẫn có thể tham gia. Các rủi ro sẽ được các thành viên cùng chia sẻ. - Là cổ đông, bạn có thể chuyển nhượng vốn dễ dàng, bán cổ phiếu tự do. Đây là ưu điểm mà bạn không tìm thấy nếu góp vốn lập công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên. Tuy nhiên, công ty cổ phần thường có rất nhiều thành viên nên việc tổ chức quản lý rất phức tạp. Bạn cần lưu ý những điểm sau trước khi định hướng góp vốn: - Cổ đông có nhiều người bạn không quen biết, dẫn đến sự phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích. - Công ty cổ phần phải chấp hành các chế độ kiểm tra và báo cáo chặt chẽ về tài chính, kế toán. - Nhiều cổ đông không quan tâm đến công việc của công ty, chỉ lo lãi cổ phần hàng năm nên hoạt động của công ty không mạnh. Bạn không chắc chắn được đội ngũ lãnh đạo có thể đem lại lợi nhuận cho mình ở mức nào. Với nhiệm kỳ hữu hạn, ban lãnh đạo có thể chỉ muốn bảo toàn hay tăng lãi cổ phần để nâng cao uy tín của mình. Do có mặt ưu điểm và hạn chế, nếu muốn góp vốn làm một cổ đông, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ về công ty, các thành viên cổ đông, đội ngũ lãnh đạo, thực lực hoạt động trên thị trường...Bạn có thể khởi đầu bằng cách góp vốn dạng thăm dò để hạn chế rủi ro. Đó cũng chính là kinh nghiệm của Warren Buffet, tỷ phú người Mỹ. Ông từng nói, khi muốn góp vốn đầu tư vào bất kỳ một công ty nào, bạn cần nắm rõ về công ty đó từ đội ngũ quản trị cho đến cách vận hành trị sự. Nếu có một ít vốn và không có kinh nghiệm kinh doanh, bạn nên chọn hình thức gửi tiết kiệm là an toàn hơn cả. Nó vừa đảm bảo vốn gốc vừa tạo cho bạn một lợi nhuận nhất định. Nếu muốn góp vốn làm ăn trong bất cứ hình thức nào, bạn cần lưu ý: - Thống nhất điều lệ hoạt động, chia lợi nhuận...bằng văn bản với tất cả thành viên tham gia góp vốn. - Vốn góp nên quy đổi thành tiền. Một người có trách nhiệm quản lý quỹ vốn này. Chúng chỉ được rút khi có giấy phép kinh doanh và chữ ký thống nhất của các thành viên sáng lập. - Phải có biên bản góp vốn, nêu rõ phương thức góp vốn, chia lợi nhuận và có chữ ký của người góp, người nhận. Theo

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/kinhte/223138/index.html