Cẩn thận khi đeo kính áp tròng

Kính áp tròng là kính thuốc vì vậy không thể "thích thì mua" như nhiều người nghĩ và làm. Thói quen ấy đã khiến không ít người bị tổn thương mắt.

Đã qua thời “đeo kính trông cho trí thức”, nhiều bạn trẻ đang chạy đua theo mốt đeo kính áp tròng với đủ màu sắc, hình dáng. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa mắt cảnh báo, với những trường hợp có bệnh lý về mắt hoặc không bị tật khúc xạ mà vẫn đeo kính áp tròng sẽ gây hậu quả khôn lường. Đeo kính áp tròng vì sành điệu Vừa mới bước chân vào cổng trường đại học, Hoa đã muốn chứng tỏ sự sành điệu bằng cách sẵn sàng lôi các loại kính áp tròng với đủ màu sắc và hình thù về diện. Ngày nào trước khi ra đường Hoa cũng chọn lựa màu kính áp tròng cho phù hợp với trang phục và hoàn cảnh mà không cần quan tâm đến sức khỏe của đôi mắt. Chỉ đến khi mắt bị chói, cộm, nhức liên tục cô mới đi khám tại bệnh viện. Các BS cho biết mắt Hoa đã bị loét giác mạc do bề mặt giác mạc liên tục bị kính cọ xát, phải điều trị hàng tháng mới khỏi. Nguy hiểm hơn, từ người không bị cận nhưng vì nông nổi muốn thể hiện sự sành điệu mà thị lực hai mắt của Hoa đã bị giảm. Là một người rất đam mê đá bóng, Khôi học sinh lớp 11 lại luôn cảm thấy vướng víu khi phải đeo kính cận. Nghe bạn bè rủ rê, đeo kính áp tròng sẽ vứt bỏ được sự khó chịu đó, trông lại sành điệu hơn nên Khôi cũng quyết định sắm cho mình cặp kính áp tròng. Nhưng mới đeo được 5 ngày, mắt Khôi bỗng bị chảy nước liên tục, nhìn mờ. Qua thăm khám, BS cho biết, đeo kính áp tròng nhưng Khôi không chịu vệ sinh kính và làm theo các hướng dẫn nên đã bị nhiễm khuẩn gây viêm giác mạc. Thạc sĩ Hoàng Cương (BV Mắt T.Ư) cho biết kính áp tròng chỉ thích hợp với người chơi thể thao, làm việc văn phòng, ít phải tiếp xúc với môi trường bụi. Việc đeo kính tùy tiện, lâu dài sẽ mắc các bệnh lý khô mắt, đỏ mắt, loét giác mạc, viêm giác mạc… Ngoài ra, nguy cơ bị nhiễm khuẩn khi đeo kính áp tròng rất cao, có thể làm giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa. Nên đi khám mắt trước khi đeo kính Th.S Hoàng Cương khẳng định ngay cả những người bị tật khúc xạ không phải ai cũng được đeo kính áp tròng bởi khí hậu của Việt Nam nóng ẩm và quá nhiều khói bụi, nước sinh hoạt có rất nhiều a-míp – thủ phạm gây bệnh lý viêm loét giác mạc. Xung quanh viền kính áp tròng là nơi thuận lợi để a-míp trú ngụ và gây bệnh loét giác mạc. Bệnh này rất khó điều trị, người bệnh luôn bị đau mắt dai dẳng. Ngay cả khi người bệnh được BS chỉ định có thể đeo kính áp tròng cũng không nên đeo trong thời gian hay xảy ra bệnh dị ứng mắt theo mùa như đau mắt đỏ, viêm kết mạc mùa xuân. Chủng loại kính áp tròng rất đa dạng. Người bệnh có thể đeo loại kính áp tròng sử dụng trong một ngày, một tuần, một tháng hoặc một năm mới phải thay kính mới. Tuy nhiên, kính có thời gian sử dụng càng lâu thì nguy cơ kính nhiễm bẩn, gây bệnh cho mắt càng lớn. Loại kính áp tròng dùng một ngày là tốt nhất nhưng lại khiến người đeo bị phiền phức và rất tốn kém. Để tránh những hậu quả đáng tiếc từ việc đeo kính áp tròng không đúng cách, các chuyên gia y tế khuyến cáo, chỉ đeo kính áp tròng khi đã được thăm khám tại cơ sở nhãn khoa và dùng theo chỉ định của BS. Không được đeo kính qua đêm, phải tháo ra hằng ngày, vệ sinh kính bằng dung dịch chuyên dụng. Quá trình tháo kính nếu thấy khó cần đến ngay BS để được giúp đỡ và tư vấn cách sử dụng, tránh làm vỡ kính trong mắt. Người bị các bệnh lý về mắt, đặc biệt là các bệnh lý tại tròng đen không được sử dụng kính này. Người đeo phải tuân thủ các bước khá tỉ mỉ như vệ sinh kính hằng ngày, nhỏ mắt từ 6-8 lần trong vòng từ 10-12 tiếng, rửa sạch tay trước khi đeo và tháo kính. Do đó, không nên để trẻ em sử dụng kính áp tròng thay cho kính thường. Theo

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/suckhoe/445587/index.html