Cẩn thận kẻo mua nhầm vé máy bay giả

Hành khách chỉ mua vé tại các đại lý chính thức hoặc qua website. Khi nhận mã vé, cần kiểm tra ngay thông tin trên website của hãng hàng không.

Cận tết, nhiều người dân lo lắng vì không mua được vé máy bay về quê. Nắm bắt được tâm lý này, một số kẻ lừa đảo đã tung chiêu bán vé giả để trục lợi.

Gặp phải nhân viên bán vé dỏm

Theo các hãng hàng không, có một số hành khách mua phải vé máy bay giả đã được phát hiện trong thời gian cuối năm 2015. Đặc biệt, giai đoạn gần tết tình trạng này trở nên rộ hơn. Nhiều hành khách đã rơi nước mắt khi tiền mất tật mang, họ không thể về quê như đã định, cũng không còn kịp thời gian mua vé mới.

Cụ thể, chị Đặng Thị Đông (28 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) đã bị một người đàn ông lừa mua vé máy bay giả. Chị Đông kể: “Tôi làm công nhân tại TP.HCM. Ngày cận tết, tôi không thể mua được vé máy bay về quê vì nhân viên bán vé tại sân bay và các đại lý đều thông báo đã hết vé. Tôi buồn bã tâm sự với người bạn cùng công ty thì anh ta đưa số điện thoại của người tên là Hoàng Quốc Việt cho tôi. Việt tự giới thiệu là nhân viên bán vé trong sân bay nên tôi nhờ đặt mua vé cho cả gia đình. Tổng số tiền tôi đưa cho Việt là 23,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi cả nhà đến sân bay làm thủ tục thì được nhân viên thông báo năm vé tôi mua đều là giả. Không chỉ riêng tôi, một số bạn công nhân làm chung công ty với tôi cũng mua phải vé máy bay của Việt và bị mất trắng tiền”.

Một trường hợp khác cũng bị lừa mua phải vé giả là anh PTN (35 tuổi, quê Quảng Nam). Anh chia sẻ: “Tôi mua vé máy bay tết của một người tự xưng là chủ đại lý bán vé máy bay, có trụ sở trên đường Trường Chinh. Tôi đã đưa cho người này 5 triệu đồng nhưng khi ra sân bay thì nhân viên cho biết là mã vé của tôi mua không có trong hệ thống. Tìm tới địa chỉ trụ sở người bán cho thì đó là địa chỉ ma. Bây giờ tôi đành phải đi xe khách về quê vì không mua được vé mới”.

Nhiều trường hợp người dân bị lừa tương tự chị Đông và anh N. Họ tin tưởng vào những người tự rao mình là chủ đại lý hoặc nhân viên hãng hàng không để bán vé giả. Kẻ xấu khi bị phát hiện thường lập tức tắt điện thoại khiến nạn nhân không thể nào liên lạc đòi tiền được. Những địa chỉ đại lý do người bán cung cấp đa phần đều không tồn tại. Nhiều người đành ngậm đắng chấp nhận mất trắng số tiền mà mình dành dụm để về quê ăn tết.

Chị Đặng Thị Đông và những vé máy bay giả mua từ nhân viên bán vé dỏm. Ảnh: H.TRÂM

Nên kiểm tra giấy chứng nhận của đại lý

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết việc hành khách mua phải vé giả vào dịp tết đã xảy ra từ nhiều năm trước chứ không chỉ riêng năm nay. Từ thời điểm trước tết Nguyên đán vài tháng, hãng đã sớm đưa ra các khuyến cáo về điều này cho hành khách. Cụ thể, hành khách có ba cách để mua vé máy bay của Vietnam Airlines: tới đại lý, phòng vé hoặc trên website www.vietnamairlines.com. Ngoài ra, hành khách có thể liên hệ với tổng đài của hãng (08 38 320 320) để đặt mua vé máy bay trực tiếp.

Để tránh mua phải vé giả, Vietnam Airlines khuyến cáo hành khách nên tìm đến những đại lý chính thức của hãng. Người dân có quyền tìm hiểu giấy chứng nhận đại lý chính thức của Vietnam Airlines tại nơi mua vé. Cần chú ý, địa chỉ trên giấy chứng nhận và địa chỉ trụ sở đại lý phải trùng khớp với nhau. Ngay khi nhận mã vé, hành khách nên tự kiểm tra qua website nêu trên hoặc ứng dụng Vietnam Airlines trên các thiết bị di động thông minh hoặc tại các kiốt “check in” đặt tại sân bay.

Đại diện hãng hàng không VietJet cho biết hãng cũng đã phát hiện một số hành khách mua phải vé máy bay giả. Đa số kẻ lừa đảo thường giả dạng nhân viên bán vé của hãng, quảng cáo rằng còn một số vé dư nên bán rẻ. Thậm chí một số đại lý còn thu tiền của khách mà không nhập thông tin của người đó lên hệ thống website của VietJet để đặt chỗ. Tất cả hành khách mua phải vé không hợp lệ đều không được lên máy bay.

Để tránh mua phải vé giả, hành khách nên đến sân bay hoặc các đại lý chính thức của hãng. Nếu mua vé tại các đại lý, hành khách cần cung cấp số điện thoại và địa chỉ email để nhận thông tin phản hồi từ hệ thống. “Nhiều hành khách mua vé máy bay của đại lý mà quên không cung cấp số điện thoại và địa chỉ email (hoặc có một số đại lý không yêu cầu hành khách) nên rất khó cho công tác quản lý. VietJet đã nhắc nhở nhiều đại lý vì không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin quan trọng đó” - vị này lưu ý.

Trong khi đó, đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cho hay trong thời gian cận tết hãng chưa phát hiện trường hợp khách hàng sử dụng vé giả. Tuy nhiên, hãng cũng khuyến cáo người dân nên hết sức cảnh giác.

Bên cạnh việc cảnh báo người dân cẩn trọng để tránh mua phải vé giả, các hãng hàng không còn khuyến cáo hành khách nên tự kiểm tra vé của mình trước khi đến sân bay. Ngoài ra, do khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thường ùn tắc, quá tải nên hành khách cần thu xếp đi sớm hơn ba tiếng trước giờ bay để làm thủ tục. Mỗi cá nhân cần chuẩn bị kỹ lưỡng hành lý, giấy tờ tùy thân trước khi đến sân bay để tránh trường hợp phải quay về lấy thì không kịp giờ bay.

HỒNG TRÂM

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/thoi-su/xa-hoi/can-than-keo-mua-nham-ve-may-bay-gia-610734.html