Cần sửa đổi quy định về phân loại kiểm sát viên

Sáng 22/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân.

Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân năm 2002 được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 4/10/2002, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2002 (sau đây viết tắt là Pháp lệnh Kiểm sát viên). Qua tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh Kiểm sát viên từ năm 2002 đến nay cho thấy các quy định đã phát huy tác dụng tích cực trong việc xây dựng và tăng cường đội ngũ kiểm sát viên. Tuy nhiên, có một số quy định của Pháp lệnh hiện hành đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, đặc biệt là quy định về việc phân loại kiểm sát viên gắn với từng cấp kiểm sát và việc điều động kiểm sát viên ngang cấp. Do các quy định này, dẫn đến mỗi cấp kiểm sát chỉ có một loại kiểm sát viên đã làm giảm hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát các cấp. Vì vậy, trong khi chờ sửa đổi cơ bản và toàn diện Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân và các văn bản pháp luật khác liên quan theo yêu cầu cải cách tư pháp, việc sửa đổi, bổ sung ngay một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động hiện nay của ngành kiểm sát là cần thiết và khả thi. Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên tập trung vào sửa đổi quy định về phân loại kiểm sát viên và việc điều động, biệt phái kiểm sát viên. Các vấn đề vướng mắc khác như nhiệm kỳ kiểm sát viên… sẽ đề cập đến khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân trong thời gian tới. Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với quan điểm này của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh lần này cần được tiến hành đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân, đồng thời cần có bước đi thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và định hướng của yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW. Về ngạch kiểm sát viên, Điều 3 Pháp lệnh hiện hành quy định kiểm sát viên ngành kiểm sát gồm có kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp tỉnh, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp huyện. Theo quy định này có ba loại kiểm sát viên, tương ứng với ba cấp kiểm sát, trong đó kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp huyện và kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp tỉnh theo cấp hành chính, còn kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không phải là chức danh kiểm sát viên theo cấp hành chính (chức danh kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có từ năm 1960, tương ứng với chức danh Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao). Với quy định gắn kiểm sát viên với từng cấp kiểm sát làm cho ngành kiểm sát gặp khó khăn trong việc sử dụng, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Viện Kiểm sat Nhân dân tối cao thống nhất chọn phương án 1, sửa đổi làm 4 loại kiểm sát viên là kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Kiểm sát viên cao cấp; Kiểm sát viên trung cấp; Kiểm sát viên sơ cấp. Theo đó, cơ cấu kiểm sát viên ở mỗi cấp kiểm sát được thể hiện ở Viện Kiểm sát cấp huyện chủ yếu là kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp, có thể bố trí cả kiểm sát viên cao cấp giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự xã hội. Ở Viện Kiểm sát cấp tỉnh chủ yếu là kiểm sát viên trung cấp, sơ cấp và một số kiểm sát viên cao cấp giữ chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát. Ở Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương chủ yếu là kiểm sát viên cao cấp, một số kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và có một số kiểm sát viên trung cấp, sơ cấp. Về cơ cấu kiểm sát viên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng việc bố trí kiểm sát viên cho mỗi cấp Viện Kiểm sát phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát cấp đó. Vì vậy nếu sửa đổi theo hướng đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao là ở Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao bố trí cả 4 ngạch kiểm sát viên thì sẽ không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân về thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên sơ cấp tại Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Ủy ban Tư pháp cho rằng trong khi chưa sửa đổi cơ bản Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, trước mắt nên bố trí kiểm sát viên ở mỗi cấp theo hướng: Ở Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao được giữ nguyên như quy định hiện hành. Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao được bố trí tại các vụ chức năng, Ủy ban kiểm sát Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, Viện kiểm sát Quân sự Trung ương... ./. Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/can-sua-doi-quy-dinh-ve-phan-loai-kiem-sat-vien/20107/53840.vnplus