Cần "soi" kỹ khi đấu thầu trang thiết bị y tế

Ông Nguyễn Minh Tuấn.

Liên tục trong hai số báo trước, Sức khỏe&Đời sống đã đưa tin về sự việc công ty TNHH Toàn Cầu có hành vi làm giả thư ủy quyền của các hãng sản xuất trang thiết bị y tế (TTBYT) lớn trên thế giới nhằm tạo lòng tin với các cơ sở y tế, bệnh viện trong quá trình đấu thầu. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (TTB&CTYT)-Bộ Y tế xung quanh vấn đề này. Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện nay, xung quanh việc đấu thầu liệu có "kẽ hở" nào để các đối tượng lợi dụng thực hiện giả mạo trong quá trình đấu thầu TTBYT? Ông Nguyễn Minh Tuấn: Bản chất của vụ việc ở công ty Toàn Cầu đó là việc dùng công nghệ cao để giả mạo giấy tờ của cơ quan, tổ chức Nhà nước, trong đó có liên quan đến vấn đề đấu thầu TTBYT. Cụ thể ở đây, theo cơ quan chức năng phát hiện ra, đó là làm giả mạo thư ủy quyền của nhà sản xuất để được phép tham gia bán hàng dưới hình thức đấu thầu. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thị trường, các thủ đoạn gian lận, lừa bịp vẫn có thể xảy ra và ở vụ việc này, công ty TNHH Toàn Cầu đã vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử phạt theo quy định. Theo các quy định về đấu thầu, giấy ủy quyền mà công ty TNHH Toàn Cầu đã làm giả chỉ là một trong các yêu cầu của hồ sơ như: catalog, tính năng kỹ thuật, chứng chỉ chất lượng, xuất xứ... của thiết bị trong quá trình đấu thầu. Thời gian qua nhiều đơn vị, chủ đầu tư đã làm tốt công tác đấu thầu và nghiệm thu đưa thiết bị vào khai thác sử dụng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu không quan tâm hoặc chỉ cần tắc trách, lơ là thì hậu quả xấu có thể xảy ra. Đây cũng là một sự việc giúp các đơn vị cảnh giác để kiểm tra chặt chẽ hơn trong vấn đề này. PV: Hiện nay, căn cứ vào những văn bản pháp lí cụ thể nào để quản lí TTBYT nhập khẩu. Trong trường hợp các đơn vị đấu thầu vi phạm sẽ bị xử lí như thế nào? Ông Nguyễn Minh Tuấn: Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rõ việc xử lý vi phạm trong đấu thầu. Hiện nay, việc quản lí công tác xuất, nhập khẩu TTBYT được quy định theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ và để triển khai thực hiện, Bộ Y tế đã ban hành hai thông tư: Thông tư 08/2006/TT-BYT và 09/2006/TT-BYT về việc hướng dẫn nhập khẩu TTBYT. Theo đó, TTBYT nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng, an toàn hiệu quả trong sử dụng, rõ nguồn gốc xuất xứ, có chứng chỉ chất lượng và được lưu hành tại nước sở tại. Những mặt hàng TTBYT phải xin phép nhập khẩu được quy định rõ tại phụ lục số 07 của Thông tư 08/2006/TT-BYT sẽ được các công ty nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu tại Bộ Y tế. Việc cấp phép nhập khẩu tại Bộ Y tế do Hội đồng tư vấn với thành viên của các Cục, Vụ liên quan tham gia và Vụ TTB & CTYT là đầu mối thường trực họp thẩm định hàng tuần. Do vậy, việc cấp phép nhập khẩu TTBYT đang được thực hiện khá chặt chẽ và đúng quy trình. Hiện tại, Vụ TTB&CTYT đang nghiên cứu triển khai thực hiện đề tài ứng dụng công nghệ thông tin cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép nhập khẩu TTBYT. Theo đó, mỗi đơn vị khi đủ điều kiện đăng kí sẽ được cấp một mã số và đơn vị đó phải có cam kết đảm bảo tính trung thực, chính xác trong việc nhập khẩu TTBYT. Trang thiết bị y tế nhập khẩu phải bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả trong sử dụng. PV: Vụ việc xảy ra ở công ty TNHH Toàn Cầu đã đặt ra vấn đề công ty này đã "qua mặt" các cơ sở y tế. Để phát hiện được là rất khó, vậy ông có yêu cầu, khuyến cáo gì đối với việc đấu thầu TTBYT ở các cơ sở y tế? Ông Nguyễn Minh Tuấn: Như trên đã nói, nhiều đơn vị, chủ đầu tư đã làm tốt công tác đấu thầu và nghiệm thu đưa thiết bị vào khai thác sử dụng. Theo tôi, để đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, có chất lượng hiệu quả trong đấu thầu ngoài việc làm tốt các bước trong đấu thầu, một khâu quan trọng nữa, đó là vấn đề kiểm tra đối chiếu giữa thiết bị thực tế được cung cấp với hợp đồng đã ký trước khi nghiệm thu và bàn giao, đưa vào sử dụng và tăng cường kiểm tra giám sát. Theo quy trình về thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực TTBYT mà lãnh đạo Bộ Y tế đã ban hành hàng năm, Vụ đã có kế hoạch phối hợp với Thanh tra Bộ và các cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu TTBYT nhằm đảm bảo chất lượng TTBYT. Riêng đối vụ việc này, Vụ đã đề nghị một số đơn vị có tên trong báo nêu kiểm tra và báo cáo và có văn bản gửi Thanh tra Bộ Y tế đề nghị phối hợp kiểm tra làm rõ. Qua sự việc này, đề nghị Lãnh đạo và phòng Vật tư TTBYT các đơn vị cần quan tâm rà soát, kiểm tra lại công tác đấu thầu trong thời gian qua và nâng cao trách nhiệm trong các khâu của quá trình đấu thầu, ví dụ kiểm tra kỹ hồ sơ trong quá trình đánh giá thầu; chặt chẽ trong quá trình đàm phán và ký hợp đồng; bàn giao hướng dẫn sử dụng và kiểm tra đối chiếu nghiệm thu để đưa thiết bị vào sử dụng một cách chặt chẽ... Bởi lẽ, nếu TTBYT không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám, điều trị và sức khỏe của bệnh nhân. PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! Anh Tuấn (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/2010032409367975p61c89/-can-soi-ky-khi-dau-thau-trang-thiet-bi-y-te.htm