Cần nhân rộng mô hình trồng gừng trong bao

QĐND Online - Bằng cách tận dụng những khoảng đất như sân phơi, đất dưới tán cây trong vườn và những bao bì thải loại… nhiều hộ dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên thời gian gần đây đang thực hiện mô hình trồng gừng trong bao; mở ra một cách làm mới và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại Đăk Lăk, mặc dù ngành nông nghiệp vẫn chưa thống kê số liệu cụ thể, song theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì hiện có không dưới 500 hộ dân trong tỉnh, tập trung nhiều nhất tại các huyện Krông Năng, Krông Ana, Cư M’gar, Buôn Đôn... đã, đang trồng gừng theo mô hình này và đạt kết quả khả quan. Theo anh Đinh Văn Cường, ở thôn 3, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar: gia đình anh tiến hành trồng gừng trong bao từ năm 2009. Hiện nay đang tiếp tục trồng thêm 150 bao tại khoảnh sân và vườn chừng trên 100m 2 của nhà mình. Anh chia sẻ: “Việc trồng gừng trong bao có rất nhiều ưu điểm, không cần theo lịch thời vụ mà có thể trồng quanh năm, chỉ cần chủ động nước tưới, phòng ngừa sâu bệnh cho cây là được”.

Trồng gừng trong bao, mô hình cần nhân rộng.

Còn anh Lê Bá Lâm xã Albá, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho hay: “Kỹ thuật trồng gừng không khó. Trước tiên, khi mua củ gừng giống về nên cắt thành từng nhánh nhỏ (các nhánh đó đều phải có mắt mầm) rồi đem ủ khoảng 15-20 ngày cho gừng lên chồi. Trước khi đem trồng phải xử lý mầm bằng việc nhúng qua dung dịch thuốc chống nấm, chống thối rễ; sau đó đặt vào vị trí giữa của bao để rễ gừng tỏa đều xung quanh. Mỗi chiếc bao dùng để trồng gừng (như bao xi măng, đựng phân, cám…) phải được giặt sạch, phơi khô, đục nhiều lỗ nhỏ dưới đáy bao (để tránh cho cây bị úng nước sau khi trồng), bỏ vào bao một lượng đất trồng vừa phải (70% đất màu, 30% phân chuồng có trộn phân đạm, lân, kali)”. Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng gừng, năm nay anh Lâm trồng được 1.000 bao gừng, dự tính đến tháng 10 là cho thu hoạch. Bình quân mỗi bao cho khoảng 4-5 kg củ tươi; với giá thị trường hiện nay là 32.000 đồng/kg, anh ước tính sẽ thu lãi khoảng 140 triệu đồng.

Khác với trồng gừng trực tiếp dưới đất, thông thường mỗi mầm gừng giống chỉ đẻ từ 5-6 nhánh con, khi thu hoạch phải đào lên rất tốn công, chưa kể củ gừng sẽ bị gãy, không đồng đều; việc trồng gừng trong bao sẽ tiết kiệm được lượng phân bón đáng kể (khoảng 20 - 30%), chủ động được thời gian chăm sóc và thu hoạch. Một mét vuông đất có thể bố trí được 10-12 bao gừng, chỉ sau 7-8 tháng là cho thu hoạch. Gừng trồng trong bao không chỉ sinh trưởng và phát triển nhanh mà còn đẻ nhiều nhánh, khi thu hoạch chỉ cần dùng dao rạch bao ra là có thể thu được sản phẩm, nên củ gừng luôn nguyên vẹn, đồng đều, bán ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao hơn.

Ủng hộ mô hình này, ông Phan Hùng Cường, Phó trưởng phòng trồng trọt, thuộc Sở NN-PTNT Đăk Lăk cho biết, mô hình trồng gừng trong bao hiệu quả rất cao, ít tốn công chăm sóc, lại tận dụng được những khoảng đất rợp, sân phơi… Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên cần có kế hoạch tổ chức hội thảo nhằm nhân rộng mô hình này đến nhiều địa phương, giúp bà con tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh Bá Thăng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/165940/Default.aspx