Cần lắm nguồn hiến tạng để duy trì sự sống

(HQ Online)- Khoảng chục nghìn bệnh nhân đang sống vật vã, mòn mỏi, không có khả năng lao động, là gánh nặng kinh tế của gia đình đang cần ghép tạng để lấy lại sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Nhưng số lượng người đăng ký hiến tạng để sau khi chết não mới chỉ dừng lại ở con số hơn 3.000 người. điều đó đồng nghĩa vẫn còn vài nghìn bệnh nhân khác đang từng ngày mòn mỏi chờ nguồn tạng ghép.

Mỗi người dân hãy quan niệm khi sự sống sẻ chia, bao mảnh đời ở lại (Bác sĩ cung cấp).

“Khát”

Theo ông Trịnh Hồng Sơn- Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép tạng, hiện y học của nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, kỹ thuật cấy ghép tạng của Việt Nam rất tốt, có thể sánh ngang với các nền y học lớn trên thế giới.

Được biết hiện có 16 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép tạng, mô, nhưng điều khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn hiến tạng còn hạn chế.

Dẫn chứng về điều này, ông Sơn cho biết, ngay tại Bệnh viện Việt Đức, trung bình mỗi ngày có 2-3 trường hợp chết não có thể cho tạng, tuy nhiên, trong 5 năm qua, Bệnh viện mới chỉ xin được nguồn tạng từ khoảng 30 trường hợp chết não.

“Không ít bệnh nhân phải chờ đợi nguồn tạng mỏi mòn suốt 20 năm thậm chí là hơn như vậy, song cuối cũng đành bất lực ra đi vì không có nguồn tạng để ghép”, ông Trịnh Hồng Sơn buồn bã nói.

Không chỉ có lãnh đạo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép tạng mới lo lắng khi nguồn tạng hiện khá khan hiếm, mà bản thân mỗi bệnh nhân đang từng ngày chiến đấu với bệnh tật để chờ nguồn tạng ghép mới thật sự khát khao, mòn mỏi đợi chờ.

Bệnh nhân Phạm Minh Khải- Hoàng Mai- Hà Nội, người có thâm niên chạy thận nhân tạo 10 năm tại Bệnh viện Nông nghiệp 1 rơm rớm nước mắt chia sẻ: 10 năm đằng đẵng (từ năm 2005 khi biết mình bị bệnh), cuộc sống của tôi gắn liền với bệnh viện với lọc máu, điều trị thuốc thang. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí do BHYT đồng chi trả, tôi còn phải chạy vạy để lo số tiền 4-5 triệu đồng các chi phí liên quan.

“Số tiền đó thực sự là gánh nặng với một gia đình chỉ dựa vào việc bán hàng mưu sinh của vợ tôi nhằm lo chạy chữa bệnh tật cho chồng và các con ăn học. Do vậy từ 10 năm nay tôi và gia đình luôn đau đáu tìm kiếm nguồn tạng ghép những mong lấy lại sức khỏe, duy trì sự sống, hòa nhập cộng đồng, song hiện tất cả vẫn mịt mù, chưa có lối thoát khi nguồn ghép tạng khan hiếm”, anh Khải nghẹn ngào nói.

Đồng cảnh ngộ, bệnh nhân Nguyễn Văn Nam- 23 tuổi quê ở Thường Tín- Hà Nội kể: Tôi rất bất ngờ khi các bác sỹ thông báo bản thân bị suy thận độ 3. Tôi còn quá trẻ, còn cả quãng đường đời dài ở phía trước, nên biết mình mang bệnh nặng tôi suy sụp hoàn toàn.

Khi nghe bác sỹ thông báo muốn kéo dài sự sống mạnh khỏe cần phải tiến hành ghép thận, song được biết hiện nguồn tạng quá khan hiếm cộng thêm đó là chi phí ghép cũng quá cao, tới vài trăm triệu. Gia đình tôi vợ là công nhân lương 3 triệu/tháng, còn bản thân tôi không có việc làm, sức khỏe yếu, lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để ghép.

“Vậy nên với tôi giấc mộng ghép tạng thực sự quá xa vời, đành nhắm mắt đưa chân theo dòng chảy của số phận”, bệnh nhân Nam bất lực thở dài.

Hai bệnh nhân nêu trên chỉ là số ít trong số hàng chục ngàn người ở Việt Nam đang trải qua tâm trạng mòn mỏi chờ nguồn ghép tạng khiến những nhà quản lý, những cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực ghép tạng không khỏi trăn trở.

Cần thay đổi nhận thức về hiến tạng

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện mỗi ngày Việt Nam có hàng chục ca chết não, chủ yếu do tai nạn giao thông và tai biến mạch máu não. Mỗi một người chết não, nếu họ tình nguyện hiến tạng trước đó sẽ có thể cứu giúp được rất nhiều người khi họ có thể cho đi 2 quả thận, 2 lá gan, 2 lá phổi, 1 quả tim, 2 giác mạc... Nhưng theo thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép tạng, sau 23 năm kỹ thuật ghép tạng có mặt tại Việt Nam, cả nước mới thực hiện được 1.116 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép thận- tủy và 1 ca ghép tim- phổi.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc- Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép tạng chia sẻ: Theo quan niệm của người phương Đông khi chết là phải toàn thây nên số lượng người sẵn sàng đăng ký hiến tạng ở nước ta khá thấp. Bên cạnh đó, việc đăng ký hiến mô, tạng khi còn sống bị cho là xui xẻo nên không mấy ai muốn đăng ký hiến tạng.

Cùng chung nhận định, ông Trịnh Hồng Sơn kể: Có những bệnh nhân chết não, chúng tôi đã thuyết phục được hầu hết gia đình hiến tạng, các ê kíp mổ ghép tạng cũng đã chuẩn bị hết, chỉ chờ một người chú bệnh nhân ở miền Nam bay ra. Nhưng khi ra đến nơi, người chú này kiên quyết không cho, nói là để cháu chết toàn thây cho về quê. Thế là cả một kíp lại hoãn, tốn bao nhiêu công sức, tiền của.

Trước thực tế nêu trên, ông Sơn cho rằng để tăng nhanh được nguồn tạng, cần có sự tuyên truyền tích cực, rộng rãi trong cộng đồng, xã hội về hành động nhân văn, nhân đạo khi mỗi người đăng ký hiến tặng tạng, bởi đó là sự sẻ chia với cộng đồng để hồi sinh sự sống.

Tâm sự đầy trăn trở của vị Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép tạng được gửi tới cộng đồng: Tôi mong người dân hãy có cái nhìn thay đổi về việc hiến tạng. Những gia đình không may có người bị chết não hãy biến đau thương thành hành động, hiến tạng để cứu sống nhiều người khác.

“Từ trước đến nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có trường hợp nào đã chết não mà sống lại được. Vậy tại sao gia đình không mạnh dạn đăng ký hiến tim, gan, phổi, thận, giác mạc của người chết não để các bác sĩ ghép cho các bệnh nhân khác. Một người mất đi có thể cứu sống hàng chục người ở lại. Một hành động nhân văn với bao ý nghĩa tốt đẹp tại sao mỗi người không dám làm?”, ông Trịnh Hồng Sơn nói.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép tạng là nhận thức của ngay cả cán bộ y tế về chết não vẫn chưa cao. Y học đã chứng minh, khi chết não tức là bệnh nhân đã chết, không thể sống lại, nhưng để xác định là bệnh nhân chết não không phải bệnh viện, cơ sở y tế nào cũng tiến hành được.

“Muốn khẳng định được bệnh nhân chết não, có bệnh viện phải chuyển lên tuyến trên, nhưng có thể bệnh nhân đã chết trong thời gian di chuyển, do vậy không thể lấy được nguồn tạng, gây ra sự lãng phí”, ông Sơn nói.

Với nhiều khó khăn còn tồn tại nêu trên, kỳ vọng số ca ghép tạng tăng cao, cứu sống được nhiều người hơn nữa càng gian nan hơn. Hơn lúc nào hết, ngành Y tế kêu gọi sự vào cuộc của cả cộng đồng chung tay sẻ chia vì sự sống.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-lam-nguon-hien-tang-de-duy-tri-su-song.aspx