Cán bộ, công chức khác nhau thế nào?

Em LÊ VĂN HOÀN, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM hỏi: Do đâu mà có từ 'cán bộ'? 'Cán bộ' khác 'công chức' như thế nào? Người làm việc ở cấp xã có phải là công chức không?

ANH PHÓ trả lời: Em Hoàn thân mến,

Theo nguyên nghĩa thì “cán” là đảm đang, “bộ” là bộ phận; “cán bộ” là phần tử hoạt động trọng yếu của một tổ chức, có khả năng đảm đang, gánh vác một bộ phận công việc nhất định. Như vậy, thời nào đã có sự phân công tổ chức sinh hoạt tập thể thì cũng có loại người này với những tên gọi khác nhau.

Từ “cán bộ” cũng có lai lịch riêng của nó. Theo tài liệu mà tôi có thì mãi cho tới cách mạng ở Trung Hoa lật đổ chế độ quân chủ Mãn Thanh, diệt quân phiệt, chống đế quốc vào nửa đầu thế kỷ XX, mới thấy sách báo, tài liệu nói đến từ “cán bộ”. Ở Việt Nam, từ “cán bộ” du nhập vào nước ta có thể vào thời kỳ Đệ nhị Thế chiến, có việc thành lập các tổ chức cách mạng bí mật chống Pháp, chống Nhật (khoảng năm 1940-1941). Những phần tử phụ trách trong lĩnh vực chính trị, quân sự của các tổ chức cách mạng ấy được gọi là “cán bộ”. Như vậy, “cán bộ” lúc đầu được tổ chức bởi các đoàn thể, đảng phái. Họ công tác không có lãnh lương mà chỉ hưởng sinh hoạt phí của tổ chức mình mà thôi. Kể từ Cách mạng Tháng Tám 1945, sau khi giành được chính quyền, các cán bộ cách mạng được bố trí vào đội ngũ quản lý cầm quyền.

Công chức cấp xã đang làm việc. Ảnh chụp tại UBND phường 5, quận 10, TP.HCM. Ảnh: THU HẰNG

Trước đây, cán bộ và công chức được định nghĩa chung tại Điều 1 Pháp lệnh Về cán bộ và công chức ngày 26-2-1998 (không thấy có sự phân biệt giữa hai khái niệm này). Sau này, Luật Cán bộ, công chức ngày 13-11-2008 có phân biệt giữa cán bộ và công chức theo quy định tại Điều 4 như sau:

- Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước (khoản 1)… Còn công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước (khoản 2).

- Riêng về người làm việc ở cấp xã phường, thị trấn thì cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong thường trực hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, bí thư, phó bí thư đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội... Còn công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước (khoản 3).

Thân chào bạn.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 6-2010)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100817040555955p1112c1114/can-bo-cong-chuc-khac-nhau-the-nao.htm