Cần Thơ với vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thành tích nổi trội về mặt lãnh đạo của Đảng bộ TP Cần Thơ khóa 12 trong nhiệm kỳ 2010-2015 là đã phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng và phát triển TP Cần Thơ văn minh, hiện đại, xứng tầm vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Với lợi thế có nhiều cây ăn quả đặc sản, các sản phẩm trái cây đặc trưng của Cần Thơ đã mang lại giá trị kinh tế cao.

Thành phố thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò trung tâm trên một số lĩnh vực như: thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong lãnh đạo, điều hành, Đảng bộ thành phố nắm bắt kịp thời, tận dụng thời cơ thuận lợi, tăng cường liên kết với các địa phương và phát huy các nguồn lực trong xã hội để thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. 20 trong số 22 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ 12 đề ra đều đạt và vượt kế hoạch trong bối cảnh cực kỳ khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới. Căn cứ vào số liệu thống kê và phân tích của giới chuyên môn về kinh tế, có thể thấy kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển đáng kể; nguồn lực xã hội tiếp tục được phát huy, đóng góp bước đầu vào sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Giai đoạn 2010 - 2015, tăng trưởng kinh tế (GDP – giá so sánh 2010) bình quân của TP Cần Thơ đạt 12,19%. Năm 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt 77.925 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2010, hằng năm đóng góp cho vùng ĐBSCL khoảng 12 đến 12,5%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 78,46 triệu đồng, tương đương 3.626 USD, tăng 2,15 lần so với năm 2010. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện được 58.256 tỷ đồng, vượt 23,9% chỉ tiêu nghị quyết, tăng bình quân 4,7%/năm; tỷ lệ huy động ngân sách/GDP đạt 9,8% (chỉ tiêu là 10 đến 11%). Là trung tâm công nghiệp của vùng, sản xuất công nghiệp Cần Thơ tập trung vào sản phẩm có giá trị gia tăng, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu. Việc thực hiện Chương trình “Đổi mới công nghệ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố giai đoạn 2013 - 2017” tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của thành phố. Một số doanh nghiệp trên lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông, thủy sản tạo lập được thương hiệu và có vị trí trên thị trường quốc tế. Đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 103.324 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2010 và tăng bình quân 10,1%/năm.

Thành phố Cần Thơ đã thể hiện vai trò là đầu mối thương mại của vùng ĐBSCL. Lĩnh vực thương mại phát triển nhanh, đa dạng với nhiều loại hình và có tính chất chi phối, tác động các lĩnh vực khác phát triển; kết cấu hạ tầng thương mại không ngừng được cải thiện, tăng thêm năng lực bán buôn, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 107 chợ truyền thống, 12 siêu thị và trung tâm thương mại đang hoạt động, góp phần làm phong phú, đa dạng thị trường hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 320.916 tỷ đồng, vượt 10,1% kế hoạch, gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, tăng bình quân 20%/năm. Điểm nhấn trong nhiệm kỳ qua tại TP Cần Thơ là lĩnh vực dịch vụ phát triển năng động, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng theo hướng đa dạng hóa loại hình, hướng tới những ngành dịch vụ có giá trị lớn. Hệ thống dịch vụ vận tải phát triển cả đường bộ, đường thủy và hàng không, vận chuyển hàng hóa tăng bình quân 3,34%/năm, vận chuyển hành khách tăng bình quân 4,15%/năm, đứng đầu trong vùng và đứng thứ 3 cả nước; các dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển mạnh, trên địa bàn thành phố hiện có 51 tổ chức tín dụng, với 232 điểm giao dịch, vốn huy động đạt 44.800 tỷ đồng (tăng hai lần so với năm 2010). 5 năm qua, Cần Thơ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm. Một số công trình giao thông quan trọng được ưu tiên đầu tư, nâng cấp và hoàn thành đưa vào sử dụng; nhiều khu đô thị, tái định cư mới được đầu tư xây dựng, cùng với việc cải tạo nâng cấp, chỉnh trang, tạo cảnh quan, trật tự đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; đặc biệt, một số công trình lớn được đầu tư xây dựng, tạo điểm nhấn cho thành phố, góp phần nâng chất các tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và giao thông đường thủy, đường bộ và đường hàng không của Cần Thơ phát triển đã trực tiếp thu hút khách du lịch chọn Cần Thơ làm điểm đến của du lịch miệt vườn, sông nước Nam Bộ. Việc chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật dịch vụ du lịch ngày càng tăng, chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương được nâng lên. Hoạt động du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội văn hóa - thể thao cấp vùng, quốc gia và quốc tế được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, quy mô hơn, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố. Trong 5 năm, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn đón 6,65 triệu lượt khách lưu trú và lữ hành, tăng bình quân 12%/năm; doanh thu toàn ngành du lịch đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng từ 12 đến 20%/năm.

Là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, với đội ngũ nhà khoa học hùng hậu tại Trường đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Cần Thơ đã từng bước hiện thực hóa con đường sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, chất lượng cao; cơ bản hoàn thành cơ giới hóa các khâu trong sản xuất; lập quy hoạch ba khu nông nghiệp công nghệ cao, với diện tích khoảng 350 ha và triển khai xây dựng Trung tâm giống thủy sản cấp I, diện tích 20 ha. Tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; hình thành và phát huy mô hình cánh đồng lớn khá hiệu quả; đồng thời, triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”... góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông hộ; giá trị sản xuất toàn ngành đến nay ước đạt 12.267 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 3,7%/năm, giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 109,4 triệu đồng/ha vào năm 2015.

Cần Thơ chính thức đưa vào hoạt động Dự án Trung tâm Kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vùng, Trung tâm Thông tin tư liệu và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ, tiềm lực khoa học và công nghệ được nâng lên, từng bước phát huy vai trò là trung tâm của vùng về khoa học và công nghệ. Triển khai 91 đề tài, dự án cấp thành phố thuộc các lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo máy nông nghiệp, năng lượng, y tế, môi trường… bước đầu đem lại hiệu quả. Dịch vụ khoa học công nghệ, nhất là dịch vụ kiểm nghiệm, kiểm định đã phát huy hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ cho các tỉnh trong vùng. Hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm, số văn bằng bảo hộ của các doanh nghiệp tại thành phố chiếm khoảng 25% tổng số văn bằng bảo hộ của cả vùng ĐBSCL.

Công tác đối ngoại được tăng cường, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thành phố và thể hiện vai trò đầu mối trong liên kết vùng là điểm nhấn của TP Cần Thơ trong 5 năm qua. Hiện, Cần Thơ có quan hệ xuất khẩu với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực hiện tốt việc phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong vùng tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm, thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng ĐBSCL và nhiều kênh khác nhau. Riêng TP Cần Thơ tổ chức hơn 15 cuộc hội thảo về đầu tư thương mại và du lịch, quảng bá du lịch thành phố và ĐBSCL. Đến nay, thành phố đã tổ chức sơ kết và ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2011 - 2015 với hai tỉnh Hậu Giang và Bến Tre; giai đoạn 2013 - 2015 với Trường đại học Cần Thơ; giai đoạn đến năm 2020 với TP Hồ Chí Minh; tổ chức sơ kết giai đoạn 2006 - 2014 và ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2015-2020 với hai tỉnh Vĩnh Long và Sóc Trăng. Trong giai đoạn 2006 - 2012, thành phố ký kết hợp tác với các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bến Tre, mở rộng thêm với TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Trường đại học Cần Thơ.

Về đường hướng phát triển kinh tế, Đảng bộ TP Cần Thơ đề ra nhiệm vụ phát triển vận tải thủy, kết hợp với đường bộ và hàng không, phấn đấu đưa TP Cần Thơ trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng đồng bằng sông Cửu Long và liên vận quốc tế. Hàng loạt những nhiệm vụ quan trọng như tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn diện du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Đó là việc huy động các nguồn lực, xây dựng và phát triển đô thị thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cấp tổng thể kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đến năm 2020”. Từ chỗ xác định phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, chất lượng và hiệu quả, Cần Thơ chú trọng phát triển năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghiệp công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, vận hành hiệu quả Dự án Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại Cần Thơ.

Kế hoạch tăng cường liên kết hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, các tỉnh, thành phố trong cả nước và các bộ, ngành Trung ương được Cần Thơ cụ thể thành nội dung phối hợp các tỉnh liên quan xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện liên kết vùng, phát huy vai trò TP Cần Thơ trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; mở rộng các liên kết “song phương” hiện hữu sang các liên kết “đa phương”, để huy động được sức mạnh của toàn vùng trong việc thực hiện các quan hệ kinh tế. Cụ thể, đó là giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác trong nước giữa TP Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố cả nước thông qua các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia và cấp vùng triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Tất cả những việc làm nêu trên của Cần Thơ nhằm xác lập vị thế đầu mối của thành phố động lực vùng ĐBSCL.

47 công trình lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ 13

Có tới 47 công trình lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ 13, nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó 20 công trình thuộc lĩnh vực giáo dục, 11 công trình giao thông, sáu công trình thuộc lĩnh vực y tế.

Lĩnh vực giáo dục: Các công trình tiêu biểu như Trường cao đẳng nghề, Trường Chính trị TP Cần Thơ, Khối lớp học, phòng thí nghiệm thực hành Trường đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, bảy trường mầm non, mẫu giáo...

Lĩnh vực y tế: Các công trình tiêu biểu như Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Cần Thơ, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ quy mô 500 giường, Bệnh viện Quân y TP Cần Thơ, Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ quy mô 100 giường.

Lĩnh vực Lao động-Thương binh và Xã hội: Các công trình như Trung tâm bảo trợ xã hội cho các đối tượng tâm thần lang thang, Trung tâm giới thiệu việc làm ĐBSCL.

Đáng chú ý, công trình Trung tâm Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành để đưa vào vận hành.

Các công trình giao thông trọng điểm như Cầu đi bộ từ bến Ninh Kiều qua Cồn Khương phục vụ du lịch, đường ô-tô đến Trung tâm phường Tân Lộc thuộc cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt…

* 5 năm qua, Cần Thơ đã xây mới, sửa chữa hơn 2.000 căn nhà tình nghĩa cho người có công với nước; xây dựng 8.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn 1,84% vào năm 2015.

Trung Kiên

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/27523602-can-tho-voi-vai-tro-trung-tam-cua-vung-dong-bang-song-cuu-long.html