Cảm nghĩ về người Anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam

(ĐSCT) Lần đầu tiên tôi được gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp vào khoảng tháng 3-1953, khi tôi là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Trị dự Hội nghị ở chiến khu Việt Bắc bàn về chiến tranh du kích. Anh em chúng tôi lúc đó gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp theo bí danh là Anh Văn.

Đến khu vực hội nghị, vừa ổn định xong việc ăn ở, đoàn cán bộ Bình Trị Thiên chúng tôi đã được Anh đến thăm hỏi với thái độ rất thân tình. Anh hỏi nhiều đến cuộc sống của nhân dân, của cán bộ chiến sĩ, đến những khó khăn trong chiến đấu, trong xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Lần họp đó, anh em cán bộ vùng địch hậu như chúng tôi thích nhất là được nghe Anh kết luận với sự phân tích rất sáng tỏ về ba vấn đề bức xúc: - Vấn đề xây dựng tiểu đoàn tập trung, đại đội độc lập. - Phương châm đấu tranh với địch ở vùng giải phóng, vùng tranh chấp và vùng tạm bị chiếm. - Vấn đề cấp ủy Đảng lãnh đạo quân sự. Nghĩ về anh, tôi còn nhớ đến hai mẩu chuyện vui. Tháng 5-1951, tôi đã cùng với gần 500 anh chị em cán bộ học ở trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương đóng ở Tuyên Quang giữa rừng Việt Bắc. Khi hay tin quân ta đại thắng ở Điện Biên Phủ, quá phấn khởi, chúng tôi bàn nhau họp mít-tinh, kéo biểu tình, không phải xuống đường mà là “ra rừng” để chào mừng, với các khẩu hiệu: Nhiệt liệt chào mừng đại thắng ở Điện Biên Phủ! - Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng muôn năm! - Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! - Hồ Chủ tịch muôn năm! - Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm! Mỗi người vác một khúc tre, cột tấm nylon đi mưa vào với đủ màu sắc để thay cờ, rồi kéo nhau đi theo các đường rừng quanh trường, hô vang các khẩu hiệu với nỗi mừng đến rưng nước mắt. Một chuyện vui khác vào ngày Côn Đảo được giải phóng. Đêm 30-4-1975, 4.334 anh chị em tù chính trị chúng tôi trong đó có 494 phụ nữ và 31 tử tù ở các trại giam đã nổi dậy tự giải phóng. Nhưng do chưa liên lạc được với đất liền, chưa hiểu Mỹ sẽ đối phó ra sao nên rất lo. Đến chiều ngày 2-5, qua đường vô tuyến viễn thông, mới nhận được tin Thành ủy Sài Gòn cho biết, sẽ có hải quân ta ra đảo. Chiều ngày 4-5 lại được tin tàu V609 và V683 của Hải quân ta đã cho xe tăng đổ bộ lên Côn Đảo. Anh em tù chính trị chúng tôi từ các trại ào ào chạy ra đường, kéo đến trụ sở Ủy ban Cách mạng Lâm thời Côn Đảo do chúng tôi lập ra sáng ngày 1-5. Trụ sở của Ủy ban Cách mạng Lâm thời đóng ở dinh tỉnh trưởng Côn Đảo cũ. Anh chị em vừa chạy vừa hô la. Ai nghĩ ra được câu nào cứ hô theo câu đó. “Chào mừng quân giải phóng miền Nam! Chào mừng Hải quân Việt Nam! Bộ đội Cụ Hồ muôn năm! Bác Tôn muôn năm! Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ muôn năm! Vô cùng biết ơn nhân dân và bộ đội đã cứu sống chúng tôi!” Và tôi cũng như nhiều đồng chí còn hô, với lòng kính yêu đặc biệt: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm”. Ôn lại về một lần tôi được trực tiếp nghe ý kiến Anh Văn kết luận ở hội nghị bàn về chiến tranh du kích và hai lần tôi đã cùng với nhiều anh chị em hô muôn năm đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về hai lần đại thắng, một lần hô với rừng, một lần hô với biển, cách nhau hơn 20 năm, đã để lại trong tôi một cảm nghĩ: tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn liền với Quân đội nhân dân Việt Nam, với chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đương nhiên, chiến thắng nào giành được đều có vai trò to lớn của nhân dân, của cán bộ chiến sĩ, có vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng vai trò cá nhân của vị Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với lịch sử cũng đã được quân dân ta khắc ghi vào lòng một cách rất tự nhiên. Với cảm nghĩ như vậy, tôi thấy rất vui. Trong những lúc viết, lúc nói, tôi gọi khi thì Anh Văn, khi thì đồng chí Võ Nguyên Giáp, khi thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng tôi thích nhất khi nghĩ đến Anh là người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=134603&mod=detnews&p=