Cải cách hành chính theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách hành chính. Ba năm liên tiếp, thành phố nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu trong bảng xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính, đồng thời, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã được cải thiện vượt bậc, chăm lo tốt hơn cho đời sống của hơn bảy triệu người dân, hơn 100 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời kỳ hội nhập.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận "Một cửa" ở phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Ảnh: DUY LINH

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận "Một cửa" ở phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Ảnh: DUY LINH

Nhìn thẳng vào hạn chế, yếu kém để khắc phục

Vài năm trước, không ít người dân và các doanh nghiệp khi đến làm việc tại các cơ quan hành chính ở Hà Nội tỏ ra bức xúc trước thái độ thiếu thân thiện, tinh thần trách nhiệm chưa cao trong phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức thành phố, nhất là những cán bộ trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Có thời điểm, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội giảm 15 bậc, “đẩy” Hà Nội xuống vị trí thứ 51 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây như là một “cú sốc” đối với chính quyền thành phố. Cũng trong thời điểm này, điều tra xã hội học do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thực hiện về cải cách hành chính (CCHC) tại năm sở có liên quan trực tiếp tới các doanh nghiệp và nhà đầu tư là: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, đều cho kết quả buồn không kém. Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực tại các sở diễn ra khá phổ biến, một số cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính có hành vi tiêu cực.

Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã của thành phố, chuyên đề về công tác CCHC, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ ra nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do cơ chế chính sách chồng chéo giữa các sở, ngành, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức chưa cao, nhiều cán bộ còn né tránh, đùn đẩy và mắc “bệnh quan liêu”. Đồng chí nhấn mạnh, chỉ số PCI thấp là lời báo động để Hà Nội cần khẩn trương chấn chỉnh kỷ cương hành chính, tập trung giám sát, phân cấp quản lý, sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, giải quyết công việc nhanh chóng. Đó là việc làm cấp thiết để cải thiện môi trường đầu tư, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước trong thời kỳ hội nhập.

Giảm thủ tục hành chính, tăng sự hài lòng của người dân

Với quyết tâm tạo chuyển biến mạnh về công tác CCHC, thành phố tập trung triển khai Chương trình 08-CTr/TU về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015", chọn năm 2013 là “Năm kỷ cương hành chính“ và trong hai năm 2014, 2015 tiếp tục đẩy mạnh công tác này. Đã có 757 thủ tục hành chính (TTHC) được rà soát, thay thế hoặc bãi bỏ; 1.749 TTHC của thành phố được công khai trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố. Để thống nhất các loại hồ sơ TTHC, Ban Tổ chức Thành ủy đã ban hành “Bộ quy trình giải quyết các TTHC liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng” gồm 23 TTHC nhằm chuẩn hóa các loại quy trình, thủ tục theo hướng tinh gọn, hợp lý, công khai, minh bạch. Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính được quan tâm chú trọng. Việc xây dựng lề lối, tác phong làm việc và nếp sống văn minh công sở được tăng cường; các cuộc họp giao ban trực tuyến được đẩy mạnh. Thành phố đã đổi mới nội dung, hình thức tuyển dụng công chức theo hướng phòng ngừa, chống tiêu cực, bằng hình thức trắc nghiệm đối với 3/5 môn thi. Các cấp ủy đảng và chính quyền đã kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm chế độ công vụ, có thái độ ứng xử không chuẩn mực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho tổ chức và công dân. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, đã có 526 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật.

Bộ phận "Một cửa" tại UBND quận Hà Đông triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ hiệu quả các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: NGỌC MAI

Chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được nâng cao, theo hướng “ba giảm”: giảm thủ tục giấy tờ, giảm số lần đi lại và giảm thời gian chờ giải quyết. Hiện nay, 94% số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp được thực hiện thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thành phố thực hiện liên thông TTHC trong đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới sáu tuổi. Việc liên thông “ba trong một” đã giúp người dân thay vì phải đi lại sáu lượt đến nhiều phòng, ban khác nhau, chờ đợi trong 27 ngày, nay chỉ cần hai lần đến UBND phường, trong vòng năm đến bảy ngày, là nhận được cả giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký hộ khẩu thường trú cho trẻ. Bác Nguyễn Hoàng Nam, ở đường Liên Cơ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, ghi nhận: “Việc nộp hồ sơ tại phường thuận tiện hơn rất nhiều cho người dân, vì không chỉ đi lại gần, mà chúng tôi còn biết được địa chỉ để nắm tình hình giải quyết hồ sơ, không phải chạy đôn chạy đáo nhiều chỗ hỏi han như trước đây”.

Bên cạnh đó, thành phố đã tập trung CCHC nhóm thủ tục liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như các thủ tục về quy hoạch, thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, tín dụng, đất đai, xây dựng... Thành phố đã giảm thời gian giải quyết thủ tục thành lập mới doanh nghiệp từ năm ngày xuống còn ba ngày. Trong lĩnh vực thuế, số giờ các hộ kinh doanh thực hiện các thủ tục về thuế đã giảm 370 giờ xuống còn 167 giờ/năm. Hằng năm, các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vực của ngành đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn. Những thay đổi thiết thực, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và các chủ đầu tư đã giúp hoạt động đầu tư trên địa bàn phát triển theo hướng tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm năm đạt hơn 1.400 nghìn tỷ đồng, tăng gấp gần hai lần giai đoạn 2006-2010. Hiện, Hà Nội là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài của 63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư, hơn 3.300 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 26,5 tỷ USD. Ông Ka-nat-su Ma-sa-ki, người Nhật Bản, đại diện Công ty TNHH AeonMall Việt Nam đánh giá, so với thời điểm sáu năm trước, môi trường đầu tư ở Hà Nội đã được cải thiện đáng kể, giúp thành phố thu hút nguồn lực đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Những nỗ lực nêu trên đã tạo chuyển biến rõ nét về lĩnh vực này. Mặc dù chưa thể khẳng định tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu đã hết, nhưng rõ ràng, đã có chuyển biến bước đầu về nhận thức và trách nhiệm của tập thể, cá nhân cán bộ, công chức trong các đơn vị. Chuyển biến rõ nhất là thái độ, tác phong khi giao tiếp với doanh nghiệp, nhân dân; tinh thần trách nhiệm trước công việc, ý thức phục vụ nhân dân được cải thiện, nâng cao hơn. Hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp đã giảm hẳn. Tại Hội nghị công bố Chỉ số CCHC năm 2014 do Bộ Nội vụ tổ chức tháng 9 vừa qua, Hà Nội được xếp thứ ba và là một trong ba địa phương đạt chỉ số CCHC hơn 90%. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng đã có bước cải thiện đáng kể qua từng năm, năm 2014 tăng bảy bậc, đứng vị trí 26, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá.

Cải cách hành chính là khâu đột phá

Dù đã đạt nhiều tiến bộ, song với Hà Nội, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu. Nếu nhìn vào bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh trên cả nước, Hà Nội cần tiếp tục cố gắng rất nhiều. Vì dù xếp thứ 26 trong số 63 tỉnh, thành phố về năng lực cạnh tranh, song Hà Nội vẫn bị đánh giá là địa phương chậm thay đổi nhất trong điều hành, ít năng động nhất trong việc giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Mặt khác, tuy được Bộ Nội vụ chấm điểm tuyệt đối về cải cách TTHC, nhưng việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể của thành phố để khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư còn chậm. Nhiều ý kiến phản ánh, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi, có chỗ chưa đồng đều, một số cán bộ, công chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân, chưa làm hết trách nhiệm.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, với quyết tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền thành phố, Hà Nội tiếp tục chọn CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, trọng tâm là tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

CCHC là một chủ trương lớn nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội ngày càng tốt hơn. Với Thủ đô Hà Nội, việc đổi mới để xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại càng cấp thiết, để thúc đẩy Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững, xứng tầm là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, như tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020.

NGỌC TRÂM

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/27645202-cai-cach-hanh-chinh-theo-huong-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep.html