Cái Tết đầu tiên của hai bệnh nhân ghép tạng xuyên Việt

Sau hơn 5 tháng, đến nay những bệnh nhân của ca ghép tạng xuyên Việt vẫn khỏe mạnh. Họ đã trở về cuộc sống bình thường, đón cái Tết vui vẻ, không còn nỗi lo về bệnh tật.

Hai anh Hải được ghép tim và ghép gan hạnh phúc ngày ra viện.

Cái Tết không còn bệnh tật

Nguyễn Văn Hải, người mang trong mình quả tim được hiến tặng từ người cho vượt 2.000km từ TP.HCM ra Hà Nội. Đến nay, sức khỏe của anh Hải đã rất tốt. Không còn những cái mệt mỏi, không còn sự giằng co của căn bệnh suy tim, cuộc sống của anh Hải đã sang trang khác.

Sau 5 tháng mổ, anh đã tăng hơn mười kg. Anh cho biết hiện nay anh phải ăn ít lại để giữ gìn sức khỏe. Có được niềm vui của ngày hôm nay, anh Hải không bao giờ quên người thanh niên đã hiến cho anh quả tim để anh có thể hồi sinh một cách kỳ diệu.

Nhớ lại những ngày bị bệnh, anh không bao giờ quên. Anh làm thợ may, đang khỏe mạnh bỗng dưng bị bệnh suy tim cấp. Lúc ấy, các bác sĩ đều tiên lượng khả năng qua khỏi là rất thấp bởi vì bệnh nặng. Sau đó, anh đã được đặt máy tạo nhịp hai buồng dưới da vào tháng 8/2014 và điều trị suy tim nhiều đợt từ đó đến nay tại BV Tim Hà Nội…

Trước khi ghép tạng 3 tháng, anh nằm điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ cho biết anh chỉ có cơ hội sống đó là ghép tim và gia đình đã đăng ký cho anh vào danh sách chờ ghép tim của Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia.

Lúc ấy, anh và gia đình nghĩ việc đăng ký thì đăng ký chứ người hiến tạng ít thế chắc gì đã đến lượt mình. Giữa lúc nằm như “cá nằm trên thớt” thì gia đình anh được bác sĩ thông báo có người hiến tạng từ nguồn người chết não. Gia đình anh như bắt được vàng. May mắn ca ghép tạng thành công. Đến nay, anh cảm nhận được sức khỏe của mình đã trở lại đầu tiên. Cái tết này không còn lo lắng về bệnh tật như năm trước.

Tết này với anh Trần Văn Hải (Quốc Tử Giám, Hà Nội) cũng thế, anh là bệnh nhân được nhận lá gan từ ca ghép tạng xuyên Việt. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hải chỉ cười. Với anh quyết định ghép tạng hay còn gọi quyết định sinh tử chỉ trong vài phút. Anh Hải có tiền sử viêm gan B 20 năm nhưng không điều trị. Tháng 7/2014, anh phát hiện bị ung thư gan nguyên phát và đã điều trị đốt sóng cao tần tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và nút mạch gan hóa chất cách 1 tháng tại Bệnh viện Việt Đức. Bố anh Hải mất vì xơ gan cách đây 17 năm. CT cho thấy hình ảnh u gan kích thước 33x34mm. Anh đã đăng ký xin ghép gan từ lâu nhưng phải chờ đợi cả năm trời.

May mắn, hôm đó anh nhận được điện thoại của bác sĩ vào trưa 4/9, bác sĩ gọi cho anh hỏi “anh có muốn ghép gan không”? Không kịp suy nghĩ anh trả lời đồng ý luôn và anh đi xe ôm vào bệnh viện. Lúc đó, nhà không có ai ở nhà. Vào đến viện, anh gọi cho vợ bảo “anh vào viện ghép gan”. Vợ anh lúc đó cũng "đứng hình 1 giây” rồi cười bảo: Thế tí nữa em vào. Ca ghép được thực hiện vào đên 4/9 rạng sáng ngày 5/9.

Ca ghép gan chi phí khoảng 2 tỷ đồng, với anh Hải tiền cũng quan trọng nhưng để có sức khỏe mới là điều quý nhất. Anh vẫn đến tái khám tại bệnh viện và uống thuốc thải ghép hàng ngày. Anh Hải cười “ai hỏi tôi khỏe không tôi bảo chỉ cần nghe tôi nói là biết tôi khỏe không, từ ngày ghép tạng thành công, có nhiều phóng viên cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe của tôi và tôi rất vui chỉ cần nghe tôi nói mọi người đã có câu trả lời”..

Những khoảnh khắc “vàng”

Theo Giáo sư Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người vào ngày 3/9/2015, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) thông báo có một bệnh nhân nam tuổi chết não đồng ý hiến tặng tạng. Hai quả thận của người cho đã được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy còn tim và gan chưa tìm được người phù hợp.

Bệnh viện Việt Đức đã rà soát những bệnh nhân chờ ghép gan, tim có chỉ số ghép tạng phù hợp. Kết quả, lựa chọn được hai bệnh nhân phù hợp với nhóm máu của người hiến. Cả hai bệnh nhân đều sống tại Hà Nội. Tuy nhiên khi làm kết quả xét nghiệm thì bệnh nhân bị ung thư gan đã bị di căn sang phổi nên không ghép gan được, sau đó trung tâm lại tìm hồ sơ và có bệnh nhân Trần Văn Hải. Khi bệnh nhân đồng ý, cả ê kíp ghép đã lên đường vào TP.HCM để lấy tạng.

Giáo sư Trịnh Hồng Sơn cho biết lúc đó, mỗi người một việc. Các bác sĩ liên lạc đến ngành hàng không để lấy vé máy bay sớm nhất. Lúc ấy đã hết chuyến. GS Sơn chia sẻ lúc đó phương án chuẩn bị là có thể nhờ cấp trên can thiệp đã được dựng lên nhưng sau đó đoàn đã lấy được vé. Đến 14h30 ngày 4/9, 6 thành viên ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Việt Đức đã lên máy bay vào Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật lấy tạng từ người cho chết não. Trong suốt khoảng thời gian này, hai đầu cầu Hà Nội và TPHCM liên tục thông tin cho nhau biết tiến độ để tiến hành các bước chuẩn bị, phẫu thuật cần thiết.

19h45: Toàn bộ ekip lấy tạng cùng 9 bác sĩ BV Chợ Rẫy lên xe ra sân bay. 21h30, máy bay cất cánh. Các bác sĩ gọi về Việt Đức thông báo chuẩn bị phẫu tích cho 2 bệnh nhân chờ ghép gan, tim. Cùng lúc, xe cứu thương từ Việt Đức chạy ra Nội Bài đón tạng. 23h36: Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.

23h53: Tạng được chuyển bằng xe chuyên dụng riêng từ máy nay thẳng tới cửa ra sân bay, chuyển lên xe cứu thương về thẳng Việt Đức. Trong suốt quá trình vận chuyển, các bác sĩ liên tục phải bơm thêm dung dịch bảo quản cho 2 khối tim, gan. 0h25 ngày 5/9, tạng được chở đến BV Việt Đức. 01h10: Quả tim được lấy ra khỏi lồng ngực bệnh nhân, ca ghép tim bắt đầu. 01h59: Khối gan được cắt ra khỏi bệnh nhân, ca ghép gan bắt đầu. 3h59 ca ghép tim hoàn thành. May mắn, ngay sau khi ghép xong, tim đập lại ngay mà không cần kích thích. 5h59, ca ghép gan xong, chỉ vài phút sau ghép gan đã tiết ra mật và được các bác sĩ siêu âm tại chỗ trước khi đóng ổ bụng.

Ph. Thúy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cai-tet-dau-tien-cua-hai-benh-nhan-ghep-tang-xuyen-viet-post190894.info