Cách trồng xương rồng cảnh

Trồng xương rồng hợp với cuộc sống hiện đại bởi chúng đẹp gọn gàng và dễ chăm sóc.

Trồng xương rồng cảnh có lẽ hợp với những người trẻ hiện đại luôn bận rộn với công việc bởi nó đòi hỏi ít sự chăm sóc tỉ mỉ hơn những loại cây cảnh khác. Nhiều người thường không thích trồng xương rồng trong khuôn viên nhà vì cho rằng những loại cây gai góc sẽ không mang lại may mắn. Thực ra, đây chỉ là quan niệm mang tính mê tín. Xương rồng về bản chất là loại cây thông dụng, dễ chơi, dễ sống phù hợp với một căn hộ chung cư. Về mặt tạo hình, xương rồng tạo được nhiều bố cục, hình thù phong phú, lạ mắt nhất trong các loài thực vật. Ngoài ra, gia chủ sẽ mất rất ít thời gian chăm sóc hay lo lắng vì thiếu nắng gió. Nếu bạn muốn điểm thêm những nét tự nhiên cho ngôi nhà hay căn phòng của mình bằng một vài chậu xương rồng xinh xinh thì nên chú ý một chút về cách chăm sóc loài cây này. Xương rồng dễ trồng không có nghĩa là bạn hoàn toàn được rảnh tay với chúng. Xương rồng thuộc nhóm cây mọng nước gồm 2 họ khác nhau: - Họ Cactaceae (gồm các loại xương rồng củ tròn, xương rồng trụ hàng rào, Thanh long, Hoa quỳnh, Xương rồng bản vợt, Xương rồng lá Diệp Long…). - Họ Euphorbiaceae (họ kích nhủ) gồm các loại cây như xương rồng Bát tiên, Ngọc kỳ Lân, xương rồng Ông…. ) Đất trồng Cây có nguồn gốc từ sa mạc nên có khả năng chịu hạng cao, chúng có thể sinh sôi tốt trên vùng đất khô cằn, sỏi đá, khô ráo. Đất thích hợp cho xương rồng là đất pha cát, để cho đất đuợc tươi xốp và thoát nước nhanh. Chậu trồng phải có lỗ thoát nước, không để lổ tắc gây ngập úng và tạo bệnh hại cho cây. Khi tưới nước chỉ cần đủ ẩm là được, chủ yếu là tưới phun sương với nước sạch. Tưới nước Xương rồng không cần nhiều nước, nhưng nó giúp cây sạch sẽ, khỏe mạnh, chống sâu bệnh. Mùa đông, 1 tuần tưới một lần, mùa hè 2 lần/tuần. Gặp ngày mưa, trời nồm hoặc quá lạnh thì không cần tưới. Cây trong chậu cần tưới thường xuyên hơn cây trồng trực tiếp trong nền đất. Chậu càng nhỏ thì cần tưới nhiều hơn chậu lớn. Các mùa khác thì tùy biến đổi của thời tiết thì có thể tưới 1-2 lần/tuần. Ít tưới nước hoặc để cây xương rồng khô hạn kéo dài sẽ làm cây teo tóp, không phát triển, sức đề kháng của cây trở nên kém và dễ bị bệnh hơn. Nhiệt độ, ánh sáng Xương rồng là loại cây ưa ánh sáng đặc biệt là ánh sáng trực tiếp vào buổi sáng và rất cần được thông thoáng. Cây xương rồng cần nhận ít nhất chừng 50% lượng ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào mỗi ngày (khoảng 6 giờ/ngày). Những cây xương rồng để trong nhà lâu ngày, khi đem ra phơi nắng trực tiếp lâu có thể bị hiện tượng "cháy da cây", thân bị nám vàng nâu hoặc đen. Cây xuơng rồng trong trong chậu để bên cửa sổ hoặc bàn hoặc trưng bày trong nhà chỉ nên để khoảng 2-3 ngày rồi lại mang ra ngoài trời. Lúc cây ra hoa không nên để trong phòng có điều hòa vì hoa sẽ mau tàn. Cây phát triển tốt ở nhiệt độ 15-28 độ C. Trong tự nhiên, cây xương rồng và cây mọng nước có thể tồn tại, chịu đựng trong khoảng nhiệt độ lớn, chừng 10°C - 50°C. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm cho cây chết nhanh. Lưu ý Tránh làm cây bị trầy xước vì những vết xước này sẽ làm cây chảy nhựa ra gây sẹo khiến cây giảm sức đề kháng. Xương rồng ít bị bệnh nhưng lại thường bị nấm, biểu hiện là thân cây chuyển màu, sau đó thối rữa dần. Nếu phát hiện sớm thì dùng thuốc trị nấm để trị, cây dễ dàng lành bệnh. Nơi bán Dọc đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội có rất nhiều hàng cây cảnh bán các loại xương rồng khác nhau, các chậu bé có giá từ 15.000đ - 25.000đ với nhiều tạo dáng dễ thương và nhiều hình dáng chậu (trái tim, sao, hình con vật...), các chậu lớn có giá gấp 3 lần trở lên. Ngoài ra bạn cũng có thể xin một phần thân cây xương rồng ở nhà bạn bè, người thân đem về tự trồng giống như chiết cành. Bạn mua chậu, tự tạo đất và trồng theo hướng dẫn như trên. Sanbeo (Tổng hợp)

Nguồn Cổng thông tin giải trí VZONE: http://vzone.vn/Default.aspx?NewsId=31242&Page=NewsDetail