Cách tính ngày đi đường khi nghỉ phép

(Chinhphu.vn) - Theo phản ánh của ông Hoàng Văn Hữu (hoanghuulc@...), cơ quan ông đang thực hiện chế độ nghỉ phép theo Nghị định 195/CP. Theo đó, nếu thời gian đi đường từ 3 ngày thì chỉ được tính thêm 1 ngày phép. Ông Hữu hỏi, Bộ luật Lao động mới quy định cách tính ngày đi đường thế nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Hữu hỏi như sau:

Theo khoản 3 Điều 9 Nghị định 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi (có hiệu lực đến ngày 30/6/2013), khi nghỉ hàng năm (còn gọi là nghỉ phép năm), nếu đi bằng phương tiện ô tô, tàu thủy, tàu hỏa mà số ngày đi đường (cả đi và về) trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm.

Khoản 4 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1/5/2013) quy định, khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Như vậy, khoản 3 Điều 9 Nghị định 195/CP năm 1994 và khoản 4 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2012 đều có quy định về việc tính thời gian đi đường khi đi nghỉ phép như nhau.

Theo đó, khi người đi nghỉ phép năm có thời gian đi đường cả đi và về từ 2 ngày trở xuống thì số ngày đi đường đó nằm trong số ngày nghỉ phép theo quy định, không được tính thêm thời gian đi đường.

Nếu đi nghỉ phép năm bằng phương tiện ô tô, tàu thủy, tàu hỏa mà số ngày cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm.

Ví dụ: Ông A công tác tại TP. Hồ Chí Minh, nghỉ phép năm về thăm quê ở TP. Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Phương tiện chiều đi bằng tàu hỏa từ TP. Hồ Chí Minh đến TP. Hà Nội, chuyển sang ô tô đi TP. Điện Biên.

Phương tiện chiều về đi bằng ô tô từ TP. Điện Biên đến TP. Hà Nội, chuyển sang tàu hỏa từ TP. Hà Nội về TP. Hồ Chí Minh. Thời gian cả đi và về hết 6 ngày, thì kể từ ngày thứ 3 ông A bắt đầu được tính ngày đi đường.

Theo đó, ông A được tính thêm 4 ngày đi đường (ngoài ngày nghỉ phép hàng năm) cho các ngày đi đường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6. Ngày đi đường chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

- Giải đáp về chế độ nghỉ phép năm

- Chế độ nghỉ phép đối với cán bộ, công chức xã phường

- Chế độ phép hàng năm

- Quy định về thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm

- Quy định về thời gian nghỉ phép năm

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/cach-tinh-ngay-di-duong-khi-nghi-phep/20137/173146.vgp