Cách thức mới trong tổ chức tang lễ ở Dĩnh Trì

ND-Gần ba tháng nay, trên địa bàn xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã có sự thay đổi lớn trong cách thức tổ chức tang lễ, theo hướng văn minh, gọn nhẹ. Sự việc này đang được sự chú ý, hoan nghênh của nhiều người dân không chỉ ở huyện Lạng Giang, mà còn ở nhiều nơi khác trong tỉnh.

Đúng hôm trời se lạnh, chúng tôi đến thăm và chia buồn với gia đình ông Nguyễn Đức My, một thương binh hạng 2/4 ở thôn Đông Nghè, xã Dĩnh Trì. Vợ ông năm nay 56 tuổi, không may bị mất do bệnh hiểm nghèo. Trong căn nhà cấp bốn đơn sơ, ông My bùi ngùi cắm nén hương trên bàn thờ, nơi đặt di ảnh của người vợ quá cố được kê giữa nhà. Trong phảng phất hương trầm, ông kể: - Khi vợ tôi bệnh nặng, có khả năng không qua khỏi, tôi đã bàn tính với các con sẽ mượn sân, vườn của ba nhà hàng xóm để lấy chỗ bày cơm mời dân làng và họ hàng đến phúng viếng. Tôi băn khoăn: - Sân vườn nhà mình vẫn còn rộng, sao lại mượn thêm của gia đình khác? - Tục lệ ở đây là thế. Khi có ai qua đời thì gia chủ nào cũng phải làm cả trăm mâm cơm mời những người đến chia buồn, tốn kém lắm! May sao Đảng ủy xã vừa chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này, cho nên gia đình tôi chỉ làm 25 mâm cơm, đỡ vất vả cho mọi người. Qua nghe chuyện của người cựu chiến binh Nguyễn Đức My và Trưởng thôn Đông Nghè Hoàng Văn Khung, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về một phong tục lạc hậu mà người dân Đông Nghè nói riêng, xã Dĩnh Trì nói chung đã phải đeo đẳng qua nhiều thế hệ. Mỗi khi gia đình nào không may có người qua đời, điều đầu tiên có lẽ làm sao lo cho dân làng, họ hàng có bữa cơm chu tất. Trong mâm cơm cũng đủ các món như ở các đám cưới hay mừng tân gia và không thể thiếu chai rượu (!?). Tệ hơn là việc "bắc" mâm mời khách cứ triền miên từ sáng đến tối mà không kể thời gian. Bên cạnh đó, trong đám tang vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, như lăn đường, đi giật lùi, đội mũ rơm, chống gậy... Theo tính toán của nhiều người dân, để tổ chức một đám tang tại địa phương, tổng chi phí hết khoảng 16-22 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với số đông các hộ nông dân hiện nay. Gặp Bí thư Đảng ủy Hà Thế Thoa và Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Bái tại trụ sở xã, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về sự cần thiết phải có sự chỉ đạo kiên quyết của cấp ủy, chính quyền trong việc dẹp bỏ hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Đồng chí Thoa nói: "Việc tổ chức ăn uống linh đình mỗi khi người thân qua đời không những gây tốn kém tiền của mà còn lãng phí công sức, thời gian của mọi người. Thậm chí, có gia đình sau khi tổ chức công việc xong, anh em ruột thịt lại mất đoàn kết bởi phải đóng góp quá nhiều cho chi phí đám tang". Tình trạng này đã gây bức xúc trong nhân dân, song chẳng ai dám từ bỏ chúng, có khi còn ganh đua giữa đám nọ với đám kia. Trước tình hình đó, cuối tháng 10-2009, Đảng ủy xã Dĩnh Trì đã ra nghị quyết chuyên đề về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trước mắt tập trung vào việc tang. Theo đó, UBND xã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết; thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Ở mỗi thôn, xóm, khu phố cũng thành lập tiểu ban chỉ đạo... Thực ra, việc chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được các cấp ủy đảng, chính quyền ở đây triển khai từ nhiều năm nay. Thế nhưng, kết quả thu được không đáng kể. Nhiều hủ tục lạc hậu trong việc tang vẫn còn. Để cuộc vận động lần này thực chất hơn, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc ra nghị quyết chuyên đề, yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện nghiêm. Đây là tiêu chí cứng trong đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm. Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã còn quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền cho mọi người dân thông suốt chủ trương này. Bởi vậy, tất cả các thôn, khu phố trên địa bàn xã đã tổ chức họp dân, thống nhất đưa những quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang bổ sung vào quy ước, hương ước của thôn. Đặc biệt, khi nhận được báo cáo của thôn có người qua đời, Ban chỉ đạo xã phải phân công tổ công tác xuống cùng lãnh đạo thôn gặp trưởng họ nội tộc và gia đình thống nhất nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang... Cùng đồng chí cán bộ văn phòng UBND xã, chúng tôi đến thôn Núi khi người thân trong gia đình và mọi người trong thôn vừa đưa tiễn một người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là vợ của một đảng viên 60 năm tuổi đảng, 84 tuổi đời Hà Văn Tác. Vừa mời chúng tôi vào nhà, ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng thôn Núi, đồng thời cũng là cháu trong nội tộc của người đã mất tâm sự: "Đám tang này tổ chức rất gọn nhẹ, chỉ làm khoảng 20 mâm cơm, nhưng vẫn bảo đảm trang nghiêm, chu đáo. Gia chủ đều là những cán bộ, đảng viên nên rất gương mẫu thực hiện quy định chung của xã. Nếu tổ chức theo tục lệ cũ, phải làm tới hơn 200 mâm cơm". Có thể nói, việc chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang ở xã Dĩnh Trì bước đầu đã rất thành công. Từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn xã có gần 10 đám tang. Trong các đám tang đều không mời khách hút thuốc lá; không để con cháu ra đón lễ từ ngoài sân. Nếu đến viếng theo đoàn thì chỉ thắp hương trên mâm lễ; không làm cơm mời khách hay dân làng đến viếng và đưa tang; không ca kèn, chèo đò, giáo ngựa, khóc mướn hay lăn đường, rắc vàng mã, tiền âm phủ trên đường đưa tang... Cách làm của Dĩnh Trì đang được đông đảo người dân hưởng ứng. Có thể xem đây là kinh nghiệm quý. ĐỖ THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=166093&sub=61&top=39