Các trường ĐH, CĐ được tổ chức thi riêng từ năm 2014

(HNM) - Các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), thay vì "xin" thi riêng sẽ tiến tới "phải" thi riêng bắt đầu từ năm 2014. Đó là tinh thần đột phá của dự thảo Quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT bất ngờ công bố ngày 12-12.

Mỗi trường tuyển sinh tối đa 2 đợt/năm

Đó là một trong những điểm đáng chú ý nhất trong quy định cho các trường tuyển sinh riêng. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Các trường ĐH, CĐ sẽ được giao quyền tự chủ tuyển sinh theo yêu cầu, điều kiện của mỗi trường thay vì chỉ theo một thước đo như trước kia. Từng trường sẽ xây dựng đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các yêu cầu, nội dung, điều kiện theo quy định. Với các trường chưa sẵn sàng tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ bằng cách vẫn tổ chức kỳ thi "3 chung" trong vòng 3 năm tới. Mỗi năm, ngoài kỳ thi "3 chung", Bộ sẽ mở 2 - 4 đợt thi để các trường đăng ký tổ chức thi riêng, mỗi trường được tuyển sinh tối đa 2 đợt/năm.

Từ năm 2014, các trường đại học, cao đẳng được phép tuyển sinh riêng. Ảnh: Nhật Nam

Để bảo đảm quá trình chuyển từ phương thức thi "3 chung" do Bộ tổ chức sang phương án tuyển sinh riêng do từng trường đảm nhiệm diễn ra trong trật tự, nghiêm túc, không gây xáo trộn lớn trong xã hội cũng như sự lo lắng của thí sinh và phụ huynh, các trường phải tuân thủ một số yêu cầu. Trong đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, các trường không được để phát sinh hiện tượng tổ chức luyện thi, từng là vấn đề nhức nhối, gây nên sự thiếu công bằng giữa học sinh thành phố và nông thôn, không để phát sinh tiêu cực, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Thí sinh phải được tạo điều kiện thuận lợi tối đa, còn nhà trường phải công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.

Rất nhiều điểm "mở"

Những người soạn thảo đề án đã khẳng định như vậy về quy định mới. Theo đó, các trường có thể lựa chọn và quyết định phương thức tuyển sinh như: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Dù với phương thức nào nhà trường cũng phải làm rõ cho cơ quan chức năng và xã hội biết về các điều kiện bảo đảm chất lượng nguồn tuyển; quy định rõ ngưỡng tối thiểu để bảo đảm chất lượng. Ngoài 3 phương thức tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục ĐH nêu trên, các trường có thể bổ sung thêm các hình thức kiểm tra thông qua: Phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu… Đối với các hình thức kiểm tra bổ sung này, Bộ GĐ-ĐT yêu cầu các trường làm rõ tiêu chí, điều kiện, nguyên tắc, nội dung, cách thức, các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất... để bảo đảm tính khả thi của phương án, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát... Khi tổ chức thi riêng, các trường phải thực hiện theo đề án đã được Bộ GD-ĐT xác nhận là đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: "Bộ không phê duyệt đề án mà chỉ xác nhận đề án có phù hợp với quy chế hay không. Giống như với chỉ tiêu, Bộ chỉ thông báo thay vì giao chỉ tiêu cho trường".

Nếu một trường không thi riêng, mà cũng không tham gia kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức, thì có thể thỏa thuận với một trường khác có đề án thi tuyển sinh phù hợp đã được Bộ xác nhận, để tổ chức thi chung. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành có tính chất đặc thù, các khoa ngành còn lại vẫn có thể thi "3 chung". Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cách này phù hợp với những trường đang "tập" tuyển sinh riêng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ đặc biệt lưu ý, các trường thi riêng không được sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào trường tổ chức thi theo cùng đề án, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ không có trách nhiệm cung cấp đề cho các trường thi riêng.

Nhiều bất lợi phải chấp nhận

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, mỗi phương án tuyển sinh có những điểm yếu, điểm mạnh. Phương án thi riêng có điểm yếu là lượng thí sinh ảo có thể sẽ rất khó lường. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nghĩa, số lượng ảo cũng có thể giảm đi bởi mỗi năm, có ít nhất 2 đợt thi.

Trước ý kiến cho rằng, liệu cơ hội của thí sinh có giảm đi không, khi theo phương án mới, nhất là thí sinh thi vào trường nhóm trên như trường y, nếu trượt thì không được xét tuyển vào trường khác, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng: Đây đúng là bài toán khó. Tuy nhiên, các trường có thể nhóm lại tổ chức thi cùng với nhau để thí sinh có thể xét tuyển nhiều trường trong nhóm đó. Những vấn đề nêu trên cũng là điểm bất lợi phải chấp nhận trong phương án thi mới. Ông Trần Văn Nghĩa cũng lý giải vì sao trường thi riêng không được dùng kết quả thi "3 chung": Mỗi kỳ thi đều có chuẩn riêng nên không thể hợp với nhau. Về kỹ thuật, không thể có chuẩn chung cho 2 kỳ thi riêng.

Việc mỗi trường tự quyết định chuẩn đầu vào cũng gây nên băn khoăn về chất lượng đầu vào. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết điều này có thể được kiểm soát thông qua quy định: Các trường đều phải công bố ngưỡng đầu vào chứ không được lấy từ trên xuống cho tới khi đủ chỉ tiêu. Về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Anh, đại diện ban soạn thảo Đề án, nhấn mạnh tới tính tự chịu trách nhiệm của các trường khi áp dụng phương án tự chủ. Đề án của trường dù có được Bộ GD-ĐT chấp nhận nhưng xã hội không tin tưởng thì cũng ảnh hưởng đến uy tín của trường. Hơn nữa, các trường ngoài công lập mà không tổ chức tuyển sinh chu đáo thì khả năng các trường công lập "vét" thí sinh còn hơn cả khi thi "3 chung".

Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh riêng này đang mở ra một cuộc cạnh tranh mới giữa các trường, đồng thời cũng đòi hỏi thí sinh phải tỉnh táo hơn khi lựa chọn trường thi. Bộ GD-ĐT yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, giảng viên, sinh viên; những trường dự kiến tuyển sinh riêng năm 2014 phải gửi đề án cho Bộ trước ngày 10-2-2014.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/645932/cac-truong-dh-cd-duoc-to-chuc-thi-rieng-tu-nam-2014