Các ngành học của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM TTO - Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tuyển sinh hệ chính qui bậc ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp. Trường tuyển sinh trong cả nước các khối C, D1, R1, R2, R3 các ngành rất đặc biệt như bảo tàng học, quản lý văn hóa, phát hành xuất bản phẩm, văn hóa dân tộc thiểu số...

Mã trường: VHS Địa chỉ: 51 Quốc Hương, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM Điện thoại: (08) 8992901 Trường tổ chức thi tuyển tại ba địa điểm là TP.HCM, TP Qui Nhơn và TP Cần Thơ cho khối C, D1; riêng khối R1, R2, R3 thí sinh phải về trường dự thi vì môn thi thứ ba thí sinh phải thi năng khiếu. Khối C thi văn, sử, địa; khối D1 thi văn, toán, tiếng Anh; khối R thi văn, sử (theo đề thi khối C) và năng khiếu. Theo đó, khối R1 thi văn, sử, năng khiếu âm nhạc (đàn, hát, tiết tấu, cao độ); khối R2 thi văn, sử, năng khiếu sân khấu (thi tiểu phẩm, đọc diễn cảm một đoạn văn và thơ, đàn, hát); khối R3 thi văn, sử, năng khiếu mỹ thuật. Thí sinh diện tuyển thẳng vào khối R1, R2 và R3 được miễn thi các môn văn hóa nhưng phải thi đạt các môn năng khiếu mới được xét tuyển. Riêng những thí sinh dự thi vào ngành văn hóa du lịch (mã ngành 03) không bị khuyết tật, nam cao 1,60m, nữ cao 1,55m trở lên. Trường lấy điểm xét tuyển theo ngành. Mục tiêu, chương trình đào tạo từng ngành cụ thể như sau: Đào tạo cử nhân ngành thư viện - thông tin có trình độ lý luận và kỹ năng nghiệp vụ về tổ chức hoạt động thư viện - thông tin. Nắm vững cơ sở lý thuyết và phương pháp luận về khoa học thư viện - thông tin và các khoa học có liên quan. Có khả năng tổ chức các qui trình công nghệ thư viện - thông tin hoặc thực hiện thành thạo các khâu nghiệp vụ trong các thư viện hoặc trung tâm thông tin. Ngành thư viện - thông tin đào tạo các bộ môn: thư viện học, thư mục - thông tin học, quản trị thông tin thư viện. Sinh viên học ngành này khi ra trường có thể làm việc ở các thư viện công cộng, thư viện trường học, thư viện của các ban ngành, hoặc làm việc ở các nhà sách... Đào tạo cử nhân ngành bảo tàng có trình độ lý luận và kỹ năng nghiệp vụ, làm việc tại các bảo tàng, di tích và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến di sản văn hóa dân tộc. Nắm vững cơ sở lý luận về bảo tàng học và các khoa học có liên quan. Có khả năng tổ chức, quản lý và thực hiện thành thạo các khâu nghiệp vụ tại các bảo tàng, di tích. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng thực hiện các khâu nghiệp vụ bảo tồn bảo tàng, có kiến thức cơ bản về phân loại và giám định cổ vật... Đào tạo cử nhân ngành văn hóa du lịch có trình độ lý luận và nghiệp vụ hoạt động tại các doanh nghiệp du lịch và các tổ chức có liên quan. Có kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam và kiến thức nghiệp vụ du lịch. Có khả năng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động du lịch. Ngành văn hóa du lịch hiện nay nhà trường đang đào tạo chủ yếu là chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch. Từ năm 2009 trường sẽ đào tạo thêm chuyên ngành quản trị du lịch. Đào tạo cử nhân ngành phát hành xuất bản phẩm có trình độ lý luận và kỹ năng tổ chức hoạt động phát hành xuất bản phẩm. Nắm vững kiến thức nghiệp vụ phát hành - xuất bản - in xuất bản phẩm và các lĩnh vực có liên quan. Có khả năng tổ chức kỹ thuật phát hành xuất bản phẩm và quản trị doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm. Khi học ngành phát hành xuất bản phẩm sinh viên sẽ được trang bị kiến thức để trở thành nhà quản lý hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm tại các nhà sách, nhà xuất bản và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất bản, phát hành. Đào tạo cử nhân ngành quản lý văn hóa có trình độ lý luận và khả năng quản lý, tổ chức, thực hiện các hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại các thiết chế văn hóa và cộng đồng dân cư. Nắm vững kiến thức về văn hóa và khoa học quản lý văn hóa, về chính sách văn hóa và phát triển văn hóa cộng đồng. Có kỹ năng thiết kế, tổ chức, thực hiện và quản lý các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Các chuyên ngành trong ngành quản lý văn hóa: quản lý văn hóa (thi khối C), quản lý âm nhạc (thi khối R1), quản lý sân khấu (thi khối R2), quản lý mỹ thuật (thi khối R3). Sau khi tốt nghiệp, tùy từng chuyên ngành sinh viên có thể đảm nhiệm công tác tổ chức, quản lý, dàn dựng chương trình văn hóa - nghệ thuật tại các cơ quan, thiết chế văn hóa - xã hội hoặc làm tại các sở, trung tâm văn hóa, các nhà văn hóa - câu lạc bộ. Đào tạo cử nhân ngành văn hóa dân tộc thiểu số có trình độ lý luận, kỹ năng nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa và tổ chức quản l ý các hoạt động văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nắm vững hệ thống pháp luật và chính sách văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam và những kiến thức cơ bản về văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, chủ yếu các dân tộc thiểu số ở duyên hải miền Trung, Tây nguyên và Nam bộ. Nắm vững các kỹ năng nghiệp vụ của ngành văn hóa, có khả năng tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số. Có khả năng nghiên cứu, sưu tầm và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sử dụng thành thạo ít nhất một ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong vùng. Sinh viên được đi thực tế tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình học. Khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại các viện nghiên cứu văn hóa, giảng dạy tại các trường có đào tạo về văn hóa và văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam, hoạt động tại các thiết chế văn hóa địa phương... Đào tạo cử nhân khoa học có trình độ lý luận về văn hóa học và văn hóa Việt Nam, nắm vững phương pháp, kỹ năng nghiên cứu văn hóa học, văn hóa Việt Nam và ứng dụng văn hóa học vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Nắm vững hệ thống tri thức lý luận và phương pháp nghiên cứu về văn hóa học, văn hóa Việt Nam và các lĩnh vực văn hóa học ứng dụng. Có kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa học, văn hóa Việt Nam cũng như việc áp dụng văn hóa học trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Sử dụng được Hán Nôm trong việc sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa.

Nguồn Tuổi Trẻ: http://www3.tuoitre.com.vn/tuyensinh/index.aspx?articleid=190889&channelid=142