Các địa phương chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

* Triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ em

Ngành y tế Đác Lắc chủ động triển khai các biện pháp kỹ thuật để phòng, chống sốt xuất huyết; qua đó tạo nên sự quan tâm, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống loại bệnh này. Chiến dịch diễn ra với nhiều hoạt động, phát tài liệu, áp-phích về phòng, chống sốt xuất huyết; vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (bọ gậy) tại hộ gia đình; phát quang bụi rậm tại các khu vực công cộng... Điểm chính của chiến dịch là hoạt động vào từng hộ gia đình, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp loại trừ bọ gậy, diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. * Bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại tỉnh Đồng Tháp đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 1.500 người mắc SXH, trong đó độ III, IV gần 180 ca (có 3 người chết). Số người mắc tập trung nhiều ở các huyện Châu Thành (giáp Vĩnh Long), TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (TP Cao Lãnh) số người mắc SXH nhập viện ngày càng gia tăng, trung bình mỗi tuần tiếp nhận từ 50 đến 60 người mắc SXH (chủ yếu là trẻ em); số người bệnh nằm điều trị tại bệnh viện dao động từ 80 đến 90, trong số đó có nhiều ca bệnh nặng, diễn biến phức tạp, tình trạng bị sốc và xuất huyết tiêu hóa. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, SXH đang có chiều hướng gia tăng theo mùa tương ứng với đặc điểm vào mùa mưa. Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, ngành y tế tỉnh Đồng Tháp phối hợp địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở từng địa bàn; khuyến cáo người dân cách đề phòng cụ thể, những dấu hiệu nhận biết bệnh SXH để kịp thời đưa đến cơ sở y tế điều trị, tránh nguy cơ bệnh nặng. * UBND tỉnh Hà Giang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin bổ sung phòng bệnh sởi cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi năm 2010. Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Nội dung chính của chiến dịch là xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch; bố trí điểm tiêm, đội tiêm chủng lưu động; kỹ năng tiêm chủng, bảo quản vắc-xin, bảo đảm an toàn tiêm chủng; sử dụng bơm kim tiêm tự khóa, hộp an toàn, biện pháp quản lý và hủy bơm kim tiêm; sử dụng biểu mẫu báo cáo. Dự kiến trong chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ em lần này sẽ triển khai tại 2.047 thôn, bản ở 195 xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh với khoảng hơn 60 nghìn trẻ em từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vắc-xin trong đợt này, đạt tỷ lệ hơn 99%. Mục tiêu đặt ra là sau sau chiến dịch tiêm vắc-xin năm 2010, tất cả trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Hà Giang sẽ không mắc bệnh sởi, tiến tới đến năm 2012 sẽ không còn bệnh sởi. * Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi bổ sung cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi thực hiện vào tháng 10-2010 với hơn 261 nghìn trẻ em trong độ tuổi được tiêm bổ sung vắc-xin sởi. Để thực hiện tốt chiến dịch, Sở Y tế Thanh Hóa thành lập Ban chỉ đạo ở các tuyến, tổ chức tập huấn cho hơn 1.900 cán bộ y tế cơ sở, phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh sởi, tác dụng của việc tiêm phòng vắc-xin đến tận các gia đình tại địa bàn dân cư... Trong năm 2008-2009, tại Thanh Hóa ghi nhận 575 người bệnh sởi lâm sàng, trong đó có 238 người bệnh dương tính với vi-rút sởi. Vì vậy, thực hiện tốt chiến dịch tiêm vắc-xin sởi bổ sung cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa hướng đến mục tiêu cùng cả nước loại trừ sởi vào năm 2012.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=181356&sub=127&top=39