Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế: Lo ngại "đứt gánh giữa đường"

Đứng trước nguy cơ một số chương trình phòng, chống bệnh lao, phong, dân số - kế hoạch hóa gia đình… sẽ không được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế (CTMTQGYT) giai đoạn tới, tại hội thảo “Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc lĩnh vực y tế trong tình hình mới” do Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 28.10, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã kính đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua để giữ lại các CTMTQGYT trong giai đoạn 2016-2020.

Thăm khám bệnh nhân lao (ảnh minh họa).

Để kêu gọi sự đồng tình từ các đại biểu Quốc hội, một số giám đốc bệnh viện (BV) đã nêu lên những khó khăn, thách thức của các chương trình phòng, chống bệnh tật.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi T.Ư, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia: “Sẽ hết thuốc chống lao vào tháng 6.2014”

Hiện nay Chương trình chống lao quốc gia đang cố gắng cầm cự đến hết năm nay. Ước tính sẽ hết thuốc chống lao vào tháng 6.2014.

Lý giải về vấn đề này, ông Nhung cho biết: Thuốc chống lao hàng 1 miễn phí cho bệnh nhân (BN) lao được coi là cam kết của Chính phủ để các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí. Theo tính toán, nhu cầu thuốc chống lao mỗi năm để điều trị cho khoảng 100 nghìn BN lao ước tính khoảng 107 tỉ đồng (1 triệu đồng/1 BN lao). Nhưng trong nhiều năm nay đều không đủ tiền mua thuốc cho điều trị.

Ngân sách nhà nước cấp cho năm 2014 chỉ được phân bổ 63 tỉ đồng (gồm cả tiền mua thuốc và tiền hoạt động từ T.Ư và địa phương) thì thuốc chỉ đủ đáp ứng được 34% nhu cầu. Do vậy, ước tính sẽ hết thuốc chống lao vào tháng 6.2014.

Một thực tế rõ ràng là nguồn tài chính cho chương trình chống lao phụ thuộc đến 70% vào nguồn tài trợ, trong khi hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan đã kết thúc vào năm 2011, tổ chức CDC và USAID cũng đã cắt giảm nguồn viện trợ, trong khi nguồn ngân sách nhà nước cấp mới đáp ứng 30%...

Ông Nhung nhấn mạnh: Nếu năm 2015 Chương trình chống lao quốc gia được đưa ra ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế thì nguy cơ tái phát bệnh lao rất cao. Người bệnh phải dừng điều trị do thiếu thuốc sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, đa kháng thuốc rất cao, khi đó sẽ là thảm họa.

PGS.TS Trần Hậu Khang - Giám đốc BV Da liễu T.Ư, Chủ nhiệm Chương trình chống phong quốc gia: “Bệnh phong sẽ bùng trở lại”

Chương trình chống phong của VN từ lâu đã được Tổ chức Y tế thế giới giúp đỡ, hỗ trợ, trung bình mỗi năm khoảng 15 tỉ đồng, năm 2012 là 30 tỉ đồng. Nếu không có nguồn viện trợ này chương trình chống phong gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với bệnh phong khó khăn nhất là thay đổi quan niệm trong cộng đồng. Trước đây người dân luôn kinh sợ cho rằng phong là bệnh lây nhiễm cao, cụt chân cụt tay, mất sức lao động, một số tỉnh đưa BN phong ra vùng núi, hải đảo. Nhờ có chương trình chống phong mà suy nghĩ của người dân đã thay đổi, họ được điều trị khỏi bệnh tại nhà, con cái họ được học tập hòa nhập cộng đồng, tỉ lệ lưu hành bệnh đã giảm đáng kể.

Năm 1982 tỉ lệ bệnh phong lưu hành là 21/10.000 dân nhưng hiện nay chỉ còn 0,02/10.000 dân (giảm 99,9%). Đã có 52 tỉnh loại trừ, thanh toán bệnh phong, dự kiến đến năm 2015 sẽ có 100% tỉnh, thành loại trừ bệnh phong và đến năm 2030-2040 sẽ thanh toán hoàn toàn bệnh phong ở VN.

Để đạt được mục tiêu này vẫn cần thiết phải duy trì Chương trình chống phong quốc gia. Nếu năm 2015 ngừng chương trình, rất nhiều nguy cơ bệnh phong sẽ tái phát trở lại hàng loạt, khi đó chúng ta lại làm lại từ đầu sẽ tốn kém hơn rất nhiều.

Nguyễn Quang Ân - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế: “Mong Quốc hội giữ lại Chương trình mục tiêu quốc gia y tế”

CTMTQGYT là chương trình duy nhất quản lý hoạt động trên cơ sở kết quả đầu ra là các chỉ tiêu chuyên môn sức khỏe cần đạt được. CTMTQGYT thể hiện sự cam kết của Nhà nước VN đối với các tổ chức quốc tế cùng chung tay hành động vì sức khỏe người dân.

Các CTMTQGYT trong những năm qua đã mang lại hiệu quả lớn. Đối tượng của CTMTQGYT là người nghèo, người có khó khăn... đã được hưởng lợi. Ngân sách chi cho CTMTQG chủ yếu là chi cho vaccine, thuốc phòng bệnh, nếu đưa các hoạt động thuộc CTMTQG vào hoạt động thường xuyên thì Nhà nước vẫn phải bố trí ngân sách cho vaccine, thuốc phòng bệnh từ nguồn khác và không thể quản lý giám sát địa phương trong thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn cần thiết.

Vì những lý do đó, Bộ Y tế rất mong Quốc hội xem xét, thông qua để giữa lại chương trình mục tiêu quốc gia chủ chốt giai đoạn 2016-2020, trong đó các CTMTQGYT bao gồm các mục tiêu quốc gia y tế, dân số, HIV/AIDS và an toàn thực phẩm.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/y-te/cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-y-te-lo-ngai-dut-ganh-giua-duong/145279.bld