"Cá vàng cảm tử" có đưa được ông Công ông Táo về trời?

Người Việt Nam quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian.

Hành trình cảm tử của Cá chép vàng đưa ông Công, ông Táo về trời

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.

Thả cá chép là một phong tục tốt đẹp của người Việt Nam, điều đó không thể chối cãi.

Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.

Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới.

Nếu xét ở một khía cạnh nào đó, đây chính là một hình thức phóng sinh tốt lành

Sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

Nhưng càng ngày, phong tục cổ truyền ấy lại càng không giữ được nét đẹp và linh thiêng như nó vốn có.

Những con cá được được người ta trân trọng mua về, đưa lên ban thờ, thắp hương, gửi gắm bao điều. Ấy vậy mà khi gửi đi, những con cá đó như đồ bỏ. Chúng bị ném, bị bỏ mặc, bị trích điện. Dường như sau khi được thắp hương, chúng đã hoàn thành nhiệm vụ. Việc "lên trời" với Táo Quân thế nào thì... mặc.

Và thế là những con cá chép bắt đầu hành trình cảm tử của mình.

Tự hỏi, có bao nhiêu con cá chép vàng sẽ hoàn thành được nhiệm vụ đưa Táo Quân lên chầu Ngọc Hoàng?

Như vị sư thầy Thích Tịnh Giác, ở chùa Phúc Sơn, Hà Nội nói, chúng ta nên đựng cá trong xô, chậu sau đó đem thả để đỡ phải vứt túi nilon gây ô nhiễm môi trường

Và cách thả của chúng ta cũng rất đáng nói. Chúng ta thả cá từ độ cao hàng chục met mà chẳng buồn quan tâm con cá đó sẽ sống hay chết

Chưa hết, bạn biết chiếc thuyền bên dưới kia đang làm gì không?

Những con cá sau khi chịu một cú rơi trời giáng, chưa kịp hoàn hồn thì cứng đơ vì chích điện.

Rất rất nhiều trong số cá mà các bạn đã hững hờ vứt đi sẽ không hoàn thành nhiệm vụ lên trời. Chúng sẽ vào chậu và số phận tiếp theo thì chỉ có người chích điện này mới biết

Và đây, những con cá nếu muốn lên trời, nó sẽ không chỉ cần tìm đường thoát ra khỏi túi bóng mà còn phải chịu được nước bẩn và né được những người chích điện.

Nguồn Phụ Nữ Today: http://phunutoday.vn/xi-nhan/ca-vang-cam-tu-co-dua-duoc-ong-cong-ong-tao-ve-troi-97582.html