Cả nước chung tay thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 62 năm Ngày thương binh liệt sĩ, hơn lúc nào hết trong thời điểm này, các đơn vị, các bộ, ngành và nhân dân cả nước tập trung thể hiện nghĩa cử cao đẹp và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Hà Tĩnh đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh được hơn 5 tỷ đồng xây dựng 279 ngôi nhà cho thân nhân liệt sĩ, thương binh nặng. Trong đó huyện Lộc Hà xây dựng 106 ngôi nhà cho đối tượng chính sách và hộ nghèo với tổng mức đầu tư 4,24 tỷ đồng. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, chủ doanh nghiệp ở huyện Đức Thọ đóng góp hơn 300 triệu đồng để xây dựng mới, sữa chữa nhà ở cho hàng chục thân nhân liệt sĩ, thương binh nặng, hỗ trợ tiền cho 115 lượt thân nhân liệt sĩ đi tìm mộ. Hội cựu chiến binh các cấp huy động hàng ngàn ngày công, vật liệu để xây dựng, sửa chữa nhà cho thân nhân liệt sĩ. Tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh hiện đang nuôi dưỡng, điều dưỡng cho 60 cụ thân nhân liệt sĩ. Các cụ được ở trong những căn phòng có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như TV, rađiô, quạt điện… Quảng Trị đang tiến hành khẩn trương các công việc chuẩn bị cho Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm Anh linh các Anh hùng liệt sĩ và chương trình giao lưu nghệ thuật “Ký ức chiến tranh và Khát vọng hòa bình” sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26/7. Tại Đại lễ cầu siêu và giao lưu nghệ thuật này, lần đầu tiên Việt Nam mời các đoàn ngoại giao quốc tế tham gia chương trình, với mong muốn gửi tới bạn bè thế giới thông điệp: Nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng và khao khát hòa bình. Đến nay, đã có 27 đại diện cơ quan ngoại giao đăng ký tham dự chương trình, trong đó có 20 đại sứ. Lào Cai thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Lãnh đạo tỉnh tổ chức thăm, tặng quà 45 người có công tiêu biểu ở 09 huyện, thành phố, ưu tiên đối tượng ở vùng sâu, vùng xa. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh chủ động cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho thương binh, người có công với cách mạng; tổ chức cho 877 thương binh, thân nhân liệt sĩ lão thành cách mạng... an dưỡng, phục hồi sức khỏe tại Trung tâm phục hồi sức khỏe người có công ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong thời gian 10 ngày. Đắk Nông đã quyết định dành hơn 342 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp cho 3.135 đối tượng chính sách đang sinh sống trên địa bàn. Theo đó, mỗi đối tượng được tặng một suất quà trị giá 100 nghìn đồng và 42 cá nhân tiêu biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng ở 8 huyện, thị xã, được tặng mỗi suất quà trị giá 300 nghìn đồng. Chính quyền huyện, thị xã, các ban, ngành, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp trong tỉnh cũng dành hàng trăm triệu đồng tặng quà, trao nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Nhân dịp này, Ngân hàng Liên Việt, Công ty cổ phần NAGAKAWA Việt Nam và Quỹ “Tấm lòng việt” Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông tặng 100 ti vi hiệu VVC loại 21 inch và 100 nồi cơm điện, trị giá gần 300 triệu đồng cho 100 đối tượng chính sách tiêu biểu trên địa bàn 8 huyện, thị xã của tỉnh. Đà Nẵng trích gần 4.400 tỉ đồng để thăm, tặng quà các gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về trợ cấp thường xuyên, đột xuất với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Trợ cấp khó khăn đột xuất mỗi năm không quá 3 triệu đồng tặng cán bộ lão thành cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; cán bộ Tiền khởi nghĩa đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên. Bạc Liêu quyết định dành ngân sách địa phương trao gần 19 nghìn phần quà tặng các đối tượng thương binh, liệt sĩ, thân nhân, người tham gia kháng chiến bị tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học..., mỗi phần quà trị giá hai trăm nghìn đồng. Nhân dịp này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trích hơn 85 triệu đồng mua 340 suất quà tặng các gia đình chính sách gặp nhiều khó khăn. Bến Tre đã kêu gọi, vận động các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn trích lương cán bộ, công nhân viên và quỹ phúc lợi của đơn vị được hơn 1 tỷ đồng thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa; trong đó các doanh nghiệp đóng góp hơn 700 triệu đồng. Dẫn đầu trong công tác này là cán bộ, nhân viên các ngành Ngân hàng, Điện lực và Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh. Từ nguồn kinh phí này, tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà, khám bệnh cho các gia đình chính sách, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa… Ngoài ra, các doanh nghiệp ngoài tỉnh còn giúp địa phương gần 6 tỷ đồng xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xây đền thờ liệt sĩ, tặng quà cho các đối tượng chính sách. Tiền Giang vừa chi trên 2,2 tỷ đồng xây gần 90 căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách neo đơn khó khăn về nhà ở. Tỉnh cấp gần 200 triệu đồng sửa chữa nâng cấp hàng chục căn nhà tình nghĩa khác. Đây là nguồn vốn trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa do các cá nhân tổ chức đóng góp. Hiện nay Tiền Giang đang thực hiện nhiều biện pháp giúp hộ chính sách ổn định và nâng cao mức sống. Tỉnh trợ giúp vốn ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống, đẩy mạnh công tác tư vấn đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách... Phấn đấu đến hết năm nay 95% số hộ gia đình chính sách có mức sống ngang bằng khu dân cư, trên một nửa số lao động trong các gia đình chính sách nghèo được đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=351390&co_id=30106