Cà Mau: Nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở

Từ thực trạng trình độ cán bộ còn thấp, Cà Mau coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một nhiệm vụ trọng tâm.

Theo thống kê của Sở Nội vụ Cà Mau, đến cuối năm 2008, số cán bộ chuyên trách ở Cà Mau có trình độ sơ cấp và chưa đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ khá cao, chiếm tới 66,67%; có trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo về lý luận chính trị chiếm tỷ lệ 33,62% ; trình độ học vấn phổ thông cấp Tiểu học và Trung học cơ sở chiếm tỷ lệ 40,65%; trình độ quản lý hành chính sơ cấp trở có tỷ lệ 5,38%. Qua thống kê cho thấy, ở Cà Mau cán bộ không chuyên trách, trình độ sơ cấp và chưa đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cũng chiếm tỷ lệ tới 88,77%; có trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo về lý luận chính trị tỷ lệ 86,17%; trình độ học vấn phổ thông cấp tiểu học và trung học cơ sở chiếm tỷ lệ 70,29%; trình độ quản lý hành chính sơ cấp trở chiếm tỷ lệ 1,32%. Cũng theo thống kê, số cán bộ công chức, có trình độ sơ cấp và chưa đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Cà Mau đang chiếm tỷ lệ 39,80%; có trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo về lý luận chính trị chiếm tỷ lệ 63,56%; trình độ quản lý hành chính sơ cấp chiếm tỷ lệ 2,56%. Đội ngũ cán bộ cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là người trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện, góp phần xây dựng, kiểm nghiệm tính đúng đắn, khả thi của chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Bởi vậy, nâng cao trình độ chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở cơ sở là việc làm cấp bách và trọng tâm của Cà Mau trong thời kỳ mới. Thời gian tới, Cà Mau cần tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu trong công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ, có kế hoạch đào tạo, nâng cao hơn nữa trình độ của cán bộ cơ sở, cả về trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Từ đặc thù của địa phương, có thể khẳng định, muốn làm được điều này, cần đặc biệt coi trọng việc tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, việc tiếp tục quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, Tin học và Ngoại ngữ cho cán bộ cũng cần được chú trọng. Một vấn đề trọng tâm mà Cà Mau cần phát huy thành quả đạt được để thực hiện tốt hơn nữa là vấn đề quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch, theo nhu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị, từng địa phương; đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng ngạch cán bộ, công chức. Liên quan tới đào tạo cán bộ, Cà Mau cũng cần hết sức chú trọng việc đổi mới chính sách cán bộ ở cơ sở như: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng; chính sách quản lý, sử dụng; chính sách động viên về vật chất và tinh thần. Để nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ, có rất nhiều giải pháp, tùy thuộc vào thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhưng thiết nghĩ phải bắt đầu từ cán bộ, đảng viên và kết thúc bằng sự giám sát, đánh giá của quần chúng nhân dân. Muốn nâng cao trình độ chính trị cũng như trình độ chuyên môn của cán bộ cơ sở, cần tiếp tục quán triệt Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Phải tập trung củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ nghiêm kỷ luật, tăng cường đoàn kết trong Đảng ; thường xuyên giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ, kiến thức và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi chi bộ cơ sở cần thực hiện nghiêm túc, có nền nếp chế độ sinh hoạt đảng định kỳ, nội dung sinh hoạt cụ thể, thiết thực, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương. Việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng cũng cần phải tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, thiết thực, nhất là trong quá trình thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; kịp thời phát hiện và nêu gương những cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu, có thành tích xuất sắc và giáo dục, giúp đỡ những đảng viên có sai phạm. Để đào tạo có chất lượng, hiệu quả, Cà Mau cũng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong diện quy hoạch và cán bộ đương chức của các trường, các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở các huyện, thành phố; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp lý luận với thực tiễn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết những tình huống cụ thể, nâng cao kỹ năng thực hành ở cơ sở. Cần nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật dạy học phải được đầu tư theo hướng hiện đại; tuyển sinh đầu vào phải chặt chẽ hơn và điều chỉnh, cân đối lại các hình thức đào tạo. Một điểm mấu chốt, góp phần không nhỏ vào chất lượng đào tạo cán bộ ở cơ sở, chính là bản thân người tham gia đào tạo. Tinh thần tự giác học tập, tự rèn luyện của từng cán bộ, đảng viên sẽ góp phần cho kế hoạch bồi dưỡng trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở đạt hiệu quả cao.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=364213&co_id=30077