CTCK khởi động chiến dịch cạnh tranh 2013

(ĐTCK) Trong bối cảnh TTCK giao dịch sôi động trở lại, hoạt động cạnh tranh thu hút nhà đầu tư càng được các CTCK đẩy mạnh.

Chăm sóc khách hàng vẫn là mục tiêu hàng đầu của các CTCK

Giảm phí giao dịch và lãi suất margin

Từ ngày 1/2, CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) đưa ra sản phẩm Ưu đãi lãi suất linh hoạt theo danh mục. Theo đó, căn cứ danh mục cổ phiếu được giao dịch ký quỹ (margin), VPBS áp dụng các mức lãi suất linh hoạt theo chất lượng của từng loại cổ phiếu, trong đó, lãi suất cho vay đối với 50 mã cổ phiếu blue-chip hàng đầu thấp nhất là 13,8%/năm; đối với 100 mã cổ phiếu tiếp theo có tính thanh khoản cao được nhà đầu tư quan tâm, lãi suất là 15,5%/năm và 90 mã cổ phiếu còn lại trong danh mục cho vay, lãi suất là 17,5%/năm.

Ngoài ra, VPBS triển khai chương trình Ưu đãi giảm phí giao dịch chứng khoán xuống 0,15%, áp dụng cho tất cả các tài khoản chứng khoán đang giao dịch tại Công ty, thời gian áp dụng trong vòng 6 tháng kể từ ngày 1/2.

Trước đó, CTCK MB (MBS), CTCK Bảo Việt (BVSC), CTCK BIDV (BSC), CTCK Bản Việt, CTCK FPT (FPTS), CTCK ACB (ACBS)… cũng thông báo điều chỉnh giảm lãi suất giao dịch margin cho các nhà đầu tư, còn 16 - 18%/năm. Lãi suất ứng trước tiền bán chứng khoán giảm 1 - 2 điểm phần trăm. Theo một số CTCK, việc điều chỉnh hạ lãi suất các dịch vụ để hỗ trợ nhà đầu tư và cũng là phù hợp với xu hướng giảm lãi suất trên thị trường.

Trao đổi về chính sách hạ lãi suất dịch vụ, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT CTCK MB (MBS) cho biết, Công ty hiện có nguồn tiền lớn để cung cấp cho khách hàng liên quan đến nghiệp vụ margin, chính vì vậy, Công ty đang nghiên cứu để tiếp tục hạ lãi suất các dịch vụ cho vay tài chính nhằm thu hút khách hàng.

Chiến lược cạnh tranh 2013

Năm 2013, cùng với quá trình tái cơ cấu TTCK, số lượng CTCK được nhận định tiếp tục thu hẹp. Theo tính toán của lãnh đạo một CTCK, với hoạt động môi giới đơn thuần, ngay cả khi thị trường chỉ còn lại 50 CTCK hoạt động và giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường trong năm 2013 đạt 1.000 tỷ đồng/phiên, thì những công ty nào có thị phần khoảng 2% trở lên mới thu đủ bù chi. Những công ty có thị phần quá nhỏ sẽ không trụ được và đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện CTCK Tân Việt (TVSI) chia sẻ, trong năm 2013, TVSI sẽ tiếp cận thị trường ở góc nhìn cẩn trọng, ưu tiên vốn cho các hoạt động cho vay tài chính và hạn chế tối đa đầu tư tự doanh.

Cũng xác định 2013 tiếp tục là một năm chưa hết khó khăn đối với khối CTCK nên CTCK SHS cho biết, sẽ điều chỉnh hoạt động kinh doanh của Công ty để phù hợp với điều kiện thị trường. Cụ thể, Công ty tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ chính, không đầu tư dàn trải và chú trọng bảo toàn nguồn vốn.

Thực tế, cạnh tranh thu hút nhà đầu tư bằng cách giảm phí môi giới là cần thiết, nhưng chưa đủ đối với nhà đầu tư. Ngoài việc hỗ trợ về mặt tài chính thì điều nhà đầu tư quan tâm là hệ thống công nghệ của CTCK để phục vụ các yêu cầu cơ bản cũng như nâng cao của NĐT như đặt lệnh trực tuyến, màn hình theo dõi biến động chứng khoán riêng với phần mềm chuyên dụng… Về điều này, hầu hết CTCK có năng lực tài chính, có thương hiệu như SSI, HSC… đều có nền tảng công nghệ tốt.

Lãnh đạo HSC dự báo, diễn biến TTCK năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn nên Công ty sẽ hoạt động kinh doanh theo hướng thận trọng, giảm tự doanh và tăng cường nghiệp vụ kinh doanh vốn, kinh doanh trái phiếu để hoạt động này bổ trợ cho hoạt động kia, tùy vào từng thời điểm.

Năm 2013, CTCK Ngoại thương (VCBS) sẽ tiếp tục phát triển hoạt động tư vấn doanh nghiệp xoay quanh 2 “trụ” chính là bảo lãnh phát hành và tư vấn M&A - những nghiệp vụ cốt lõi của một ngân hàng đầu tư.

Mỗi CTCK có thế mạnh riêng để phát triển và theo đuổi mục tiêu của mình. Nhưng dù thị trường có diễn biến ra sao, tại bất cứ thời điểm nào thì việc chăm sóc khách hàng vẫn là mục tiêu hàng đầu của các CTCK.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJADGB/ctck-khoi-dong-chien-dich-canh-tranh-2013.html