CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn - Kỳ 11: Đầu hàng và di tản

Trong hai thông điệp Shackley gửi về Langley trong hai ngày 31-3 và 2-4, Shackley tiên đoán hai điều có thể xảy ra. Thứ nhất là quân đội miền Bắc tiến thẳng vào Sài Gòn tiêu diệt chính quyền miền Nam bằng vũ lực. Thứ hai, Hà Nội ngừng tiến quân, ép thành lập một chính phủ liên hiệp để khiến cho miền Nam đầu hàng. Polgar và Martin luôn luôn chờ đợi tín hiệu thứ hai, nhưng nó không bao giờ tới…

Không còn gì ngoài thất bại Sau khi giành được Đà Nẵng, quân đội Cộng sản tiến ra vùng duyên hải. Ngày 1-4, Cộng sản tiến sát Nha Trang. 10 giờ 30 sáng, đại tá Lý Bá Phẩm, Tỉnh trưởng Khánh Hòa kiêm tiểu khu trưởng báo cho Mỹ biết Nha Trang đã bị bỏ ngỏ. Tổng Lãnh sự Mỹ vội rời Nha Trang. Vào lúc 11 giờ 17 sáng, cơ sở CIA đóng cửa và khoảng xế trưa chủ sự CIA Robert Chin và toàn bộ nhân viên rời Nha Trang bay về Sài Gòn. Chương trình di tản nhân viên người Việt làm việc với Mỹ và thân nhân bằng đường biển không thực hiện được vì sự ra đi đột ngột của người Mỹ. Sau này, kiểm điểm lại có 50% trong số này tự xoay xở vào đến Sài Gòn. Ngày 2-4, Langley cho Polgar biết Bộ Ngoại giao sắp ra lệnh di tản toàn bộ nhân viên Mỹ và một số đối tượng người Việt ra khỏi Sài Gòn. Con số này ước lượng 1 triệu người. George Carver nói kế hoạch di tản này là kế hoạch của “người điên”, vì việc di tản sẽ tạo ra sự hỗn loạn còn hơn cả sự hỗn loạn trong trường hợp không làm gì cả. Carver chỉ thị Polgar không nên động tĩnh gì cho đến khi có lệnh và nếu di tản rất có thể phải đổ bộ một sư đoàn Thủy quân Lục chiến được yểm trợ bởi Không quân chiến thuật. Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Philip Habib quyết định di chuyển thân nhân còn nhân viên và công chức Mỹ thì cho di tản nhỏ giọt từng nhóm nhỏ để tránh tin đồn “Mỹ bỏ chạy”. William Colby, Giám đốc CIA dặn rằng nếu phía chính quyền Việt Nam chất vấn thì nói Vùng 1 và Vùng 2 đã mất, công việc ít nên các cơ sở Mỹ tại Việt Nam giảm nhân số theo nguyên tắc hành chính thôi. CIA chỉ định William Johnson bố trí người ở lại sau khi Sài Gòn sụp đổ để lấy tin. Không biết Johnson làm ăn thế nào mà sau này CIA không nhận được một tin tức tình báo nào cả. Ngày 2-4, Thiệu cho Shackley và Polgar biết ông dự tính lập một chính phủ rộng rãi để hy vọng Hà Nội thấy thích hợp bàn chuyện ngừng bắn. Ngày 3-4, Polgar báo cáo với Langley rằng tướng Nguyễn Cao Kỳ và Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm cũng định thành lập một chính phủ như vậy mà không có Thiệu. Kế hoạch là Thượng viện thông qua một quyết nghị yêu cầu Thiệu từ chức. Polgar thấy kế hoạch của Kỳ khó thực hiện vì Thiệu sẽ không dễ bị sức ép như vậy. Sáng 8-4, Trung úy Nguyễn Thành Trung của Không quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đào ngũ dùng phản lực cơ ném bom Dinh Độc Lập. Cũng trong ngày, tin tình báo của CIA từ Hà Nội cho biết Hà Nội đã quyết định tiêu diệt Nam Việt Nam bằng sức mạnh quân sự vào thời điểm do Hà Nội chọn lựa mà không thương thuyết, không liên hiệp, dù Thiệu từ chức hay Mỹ mở lại đường tiếp vận quân trang vũ khí cho quân đội VNCH. Lúc này, nội các của Khiêm hoàn toàn tê liệt. Tổng thống Thiệu cũng không liên lạc với Martin. Ngày 10-4, khi báo cáo về Washington các cuộc tấn công của quân Cộng sản quanh Sài Gòn, Polgar tiên đoán Hà Nội sẽ tiến vào Sài Gòn khoảng tháng 6-1975. Martin lúc này nghĩ Thiệu ra đi là tốt nhưng ông không thấy ai có thể thay thế. Riêng Polgar nhận định rằng ngoại trừ Mỹ đổi ý mạnh tay can thiệp bằng vũ lực, cách tốt nhất còn lại để tránh đổ máu là Thiệu từ chức và thành lập một chính phủ gọi là “liên hiệp quốc gia” như một cách đầu hàng và Mỹ vận dụng mọi sức ép quốc tế (như cách Mỹ đã làm khi quân đội Do Thái tiến vào Ai Cập năm 1973) kêu gọi Hà Nội ngừng tiến quân. Nếu không, Nam Việt Nam sẽ bị đánh gục trong một thời gian ngắn. Ngày 10-4, trong một báo cáo với lời lẽ trung thực, Polgar kết luận: “Tháng 2-1975, chúng ta có nhiều đường an toàn rút khỏi Việt Nam và Nam Việt Nam còn nhiều ưu thế để tồn tại nhưng chúng ta đã để cho cơ hội vuột khỏi tầm tay (ý Polgar muốn nói sau khi Cộng sản đánh chiếm Phước Long mà Mỹ vẫn án binh bất động), khuyến khích Hà Nội làm tới. Và bây giờ thì không còn gì nữa, ngoài sự thất bại! Theo Polgar lúc này chỉ còn 4 bước: Di tản nhanh chóng người Mỹ ở một mức độ sao cho không tạo ra cảm tưởng Mỹ đang trốn chạy; vận động ngừng bắn qua Liên Xô và Pháp; ép Thiệu từ chức và thành lập chính phủ liên hiệp để đầu hàng; thương thuyết với Hà Nội để có thì giờ di tản người Việt. Tìm cách đầu hàng và di tản Ngày 11-4, quân đội Cộng sản bị chặn lại ở mặt trận Xuân Lộc. Tại Sài Gòn, Khiêm từ chức Thủ tướng; Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ viện thay thế nhưng chính quyền vẫn tê liệt. Nhiều bộ trưởng tìm đường ra đi. Ngày 19-4, Bộ Ngoại giao Mỹ giảm số nhân viên Tòa đại sứ xuống còn 1.250 người, trong số đó có 270 nhân viên CIA. Đại sứ Martin và Polgar có hai công tác chính. Thứ nhất là triển khai một chương trình di tản người Mỹ và người Việt làm việc với Mỹ cùng thân nhân mà không làm cho dư luận xôn xao. Nhưng trước viễn cảnh một cuộc di tản khó thành công nếu Hà Nội dùng lực lượng quân sự ngăn cản, công tác chính thứ hai là thương thuyết với Hà Nội tìm một giải pháp chính trị để di tản an toàn mọi đối tượng có liên hệ ra khỏi Việt Nam. Mỹ còn hy vọng qua vận động với Liên Xô sẽ duy trì một Tòa đại sứ tại Sài Gòn để duy trì sự liên tục về ngoại giao. Công tác chính trị chính yếu là thuyết phục Tổng thống Thiệu từ chức và tìm cách chuyển quyền cho tướng Dương Văn Minh nhằm thành lập một chính phủ “liên hiệp” gọi là chính phủ “đoàn kết quốc gia” để chuyển chính quyền cho Cộng sản. Hà Nội cho biết, chỉ nói chuyện với Minh. Thuyết phục Thiệu, Mỹ không thấy khó, khó là làm sao chuyển quyền cho Minh mà không vi phạm Hiến pháp VNCH. Tuy nhiên, tin chiến sự càng ngày càng xấu. Ngày 16-4, quân đội Bắc Việt giành được Phan Rang, quê của Thiệu; bắt sống tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và một sĩ quan tình báo Mỹ. Tin tình báo của CIA từ Hà Nội xác nhận tin đã biết rằng Hà Nội quyết định chiếm Sài Gòn bằng vũ lực càng sớm càng tốt, chậm nhất là trước ngày sinh nhật Hồ Chí Minh, 19-5. Trong khi đó, tại Washington có nhiều diễn biến bất lợi cho sự ổn định tình hình tại Sài Gòn. Thứ nhất, một viên chức cao cấp tuyên bố Chính phủ Mỹ không can dự gì đến một giải pháp chính trị để cho Nam Việt Nam đầu hàng. Thứ hai, Thứ trưởng Ngoại giao Philip Habib khi được giới truyền thông yêu cầu Mỹ giúp di tản các phóng viên của họ làm việc tại Sài Gòn đã trả lời rằng Mỹ không có chương trình di tản người Việt làm việc với các cơ sở của người Mỹ. Trong khi đó, thật ra Đại sứ Martin đã im lặng cho di tản hơn 350 người Việt làm việc với các cơ sở truyền thông Mỹ ra khỏi Việt Nam. Ngày 18-4, Janos G. Toth, một đại tá người Hungary trong phái đoàn quốc tế kiểm soát đình chiến gặp Polgar và cho biết qua các cuộc nói chuyện với phái đoàn Hà Nội, ông ghi nhận rằng Hà Nội chỉ muốn tăng sức ép để Sài Gòn sụp đổ dần chứ không muốn có một cuộc tấn công quân sự để kết thúc chế độ. Đại tá Toth nói Hà Nội không muốn ép Mỹ phải tháo chạy như đã tháo chạy tại Phnôm Pênh mấy ngày trước đó. Toth nói Hungary từng nếm mùi thất trận và tàn phá nên không muốn thấy Sài Gòn bị tàn phá như Berlin năm 1945. Polgar hiểu đây là lời nhắn của Hà Nội, nên bên cạnh việc di tản, Polgar và Đại sứ Martin lo tìm cách thuyết phục Thiệu từ chức và thành lập một chính phủ liên hiệp. Chuyển giao quyền lực Ngày 21-4, Kissinger điện cho Martin thông báo Liên Xô hứa sẽ thuyết phục Hà Nội chấp nhận giải pháp chính trị và tránh không làm bẽ mặt Mỹ. Trong khi đó, nhiều tin tức, thật có, giả có được loan truyền tại Sài Gòn. Hai tin giả: Quốc hội Mỹ chuẩn chi 350 triệu USD viện trợ quân dụng và Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho biết Martin phải ra đi nhưng Tòa Đại sứ Mỹ có thể được duy trì tại Sài Gòn. Tin thật: Mỹ gây áp lực buộc Thiệu từ chức nhưng không muốn các tướng lĩnh làm đảo chính như năm 1963 đối với cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm. Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn nói ông không muốn ngồi ở ghế Thủ tướng khi Minh thay Thiệu vì ông ngại các thành phần cực hữu trong quân đội sẽ giết hại ông và ông muốn từ chức. CIA yêu cầu Cẩn nán lại trước khi có một giải pháp rõ ràng hơn. Ngày 19-4 trước đó, Martin yêu cầu tướng Timmes thuộc Phái bộ Tùy viên quốc phòng (hậu thân của MACV) gặp Thiệu để thảo luận một hình thức từ chức, rồi Phó Tổng thống Hương thay thế trước khi chuyển quyền cho Minh. Chiều ngày 19-4 và sáng ngày 20-4, Martin gặp Thiệu hai lần. Martin nói với Thiệu rằng: “Tôi không ép ngài từ chức nhưng ngài biết quân Cộng sản có khả năng đánh vào Sài Gòn bất cứ lúc nào và nếu ngài không từ chức tôi ngại rằng các tướng của ngài cũng yêu cầu ngài từ chức”. Nhớ đến Lucien Conein với cuộc đảo chính ông Diệm năm 1963, Thiệu im lặng nghe và trả lời: “Tôi sẽ làm những gì có lợi nhất cho đất nước tôi”. Martin nói: “Tôi biết ngài sẽ làm!”. Ngày 21-4, Thiệu cho biết sẽ từ chức trong ngày. Polgar vội vàng thông báo cho Toth. Vài giờ sau Thiệu từ chức, trao quyền tổng thống cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Thiệu đọc một bài diễn văn từ chức nảy lửa kết án Mỹ và Kissinger “đã đưa Nam Việt Nam vào chỗ chết”. Ngay sau khi Thiệu từ chức, Mỹ bắt tay vào việc sắp xếp để Hương trao quyền cho Minh. Hà Nội cho biết sẽ không thương thuyết với Hương, một người nổi tiếng chống Cộng sản. Vấn đề là tìm một cách hợp hiến để trao quyền cho Minh. Theo Hiến pháp VNCH, nếu Hương từ chức thì quyền tổng thống vào tay Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm. Bế tắc vẫn bế tắc. Ngày 24-4, để tôn trọng Hiến pháp, Mỹ có sáng kiến đề nghị Minh thay Cẩn làm Thủ tướng toàn quyền nhưng Minh từ chối. Minh nói với tướng Timmes sẽ gặp Hương trong ngày để yêu cầu Hương từ chức. Đồng thời Polgar vận động các tướng nhắn lời với Hương rằng “các tướng đồng lòng ủng hộ Minh và nếu không nhường chức tổng thống cho Minh, các tướng có thể đảo chính Hương”. Tuy vậy, Hương vẫn chần chừ và yêu cầu giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thay Cẩn lập chính phủ. Giáo sư Huy từ chối. Cuối cùng, chiều 24-4, Hương gặp Martin đồng ý trao quyền cho Minh và yêu cầu Mỹ tìm một cách thức chuyển quyền hợp hiến. Hương cũng đồng ý với Minh yêu cầu Mỹ đưa Thiệu ra khỏi nước. Sự hiện diện của Thiệu tại Sài Gòn là một bất tiện cho mọi người. Kỳ cuối: Người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. P.Tr. lược trích và giới thiệu CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn - Kỳ 1: Vai trò của CIA trong cuộc chiến Việt Nam - Kỳ 2: CIA sau đảo chính ông Diệm - Kỳ 3: “Ngôi sao” Thiệu - Kỳ xuất hiện - Kỳ 4: Xáo trộn và chia rẽ - Kỳ 5: Mỹ tìm đường rút lui - Kỳ 6: Nỗ lực chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam - Kỳ 7: Phản chiến lan rộng, Mỹ bối rối - Kỳ 8: Hòa bình đã trong tầm tay - Kỳ 9: Tiên đoán về một cuộc tấn công định mệnh - Kỳ 10: Thời điểm sinh tử

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hosotulieu/2010/4/222395/