CEO người Nhật: Người Việt chỉ giỏi lý thuyết, sách vở

Đây là lần thứ 2, ông Ito Junichi, CEO công ty World Link Japan Inc, đã lên tiếng nhận xét về lao động Việt.

Theo chia sẻ của ông trên facebook, lần đầu ông đến Việt Nam, cách đây 20 năm, ông thấy người Việt Nam cần cù, chăm chỉ như người Nhật.

Thế nhưng, ông cho hay: “Một điều có thể thấy là người Việt coi thường những người lao động chân tay. Nhiều người trẻ thích làm trong các văn phòng tiện nghi, có điều hòa.

Ở Nhật, sinh viên ĐH nổi tiếng nhất là ĐH Tokyo nhưng đến nhà máy thực tập phải dọn dẹp, làm vệ sinh, họ phải học lao động tay chân. Họ phải học mọi thứ trước khi học làm sếp”.

Trong khi, nhiều người Việt trẻ tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ nhưng họ chưa làm việc thật bao giờ. Họ chỉ học trên giấy tờ, đọc sách, báo nhưng chẳng hiểu thực tế gì cả. Họ chỉ thích làm việc bàn giấy, họ nặng lý thuyết mà thiếu thực tế.

"Thiết nghĩ Việt Nam nên tạo điều kiện cho những người giỏi kỹ năng thay vì chỉ tạo điều kiện cho những người chỉ biết làm bài kiểm tra!”, ông Ito Junichi đưa ra lời khuyên.

Người Việt đã lười hơn rất nhiều so với cách đây 20 năm

Người Việt đã lười hơn rất nhiều so với cách đây 20 năm

Đây cũng không phải lần đầu tiên, ông Ito Junichi đưa ra những suy ngẫm về lao động Việt, trước đó, ông cũng từng đưa ra nhìn nhận người lao động Việt Nam ngày nay thích kiếm tiền nhưng lại không chăm chỉ.

Thậm chí, có thể thấy là người Việt Nam thường coi thường những người lao động chân tay như thợ hàn, công nhân lao động, công nhân xí nghiệp.

Trước những nhận định của CEO người Nhật, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho hay: "Theo tôi thì thanh niên bây giờ do giáo dục không tốt, quản lý kém, cho nên mới đua đòi kiểu sống thực dụng, không biết công việc ổn định như thế nào, mà chỉ quan tâm kiếm được bao nhiêu tiền để đi nhậu, đi chơi.

Bị ảnh hưởng từ lối sống chộp giật, lối sống trước mắt, nhưng nó không phải tất cả. Vì cũng có nhiều người chịu khó học hành, làm việc ổn định chăm chỉ.

Thực ra bệnh lười cũng là đặc tính của bất cứ con người nào trên Trái Đất này, muốn làm nhàn nhã mà được ăn no đủ, đó là một mong muốn chung. Nhưng nhiều khi là do cơ chế chính sách, để họ thấy sống lười tốt hơn là chăm".

Theo ông Nam phân tích, như trong một cơ quan thủ trưởng đánh giá không sâu sát, cứ theo quy định máy móc, 3 năm là tăng lương, vậy thì chăm cũng 3 năm sẽ tăng, lười thì cũng 3 năm mới tăng. Cơ chế chính sách quản lý đó làm cho họ thấy chăm làm gì, trong khi lười vẫn sẽ đàng hoàng.

"Theo tôi tất cả là do cơ chế, do nền giáo dục hiện nay kém, cho nên không cho họ cái nhìn xa, không đặt cho mình những thách thức, mục tiêu để phấn đấu, để vươn lên. Trong khi cứ nói là làm theo Bác Hồ, nhưng đó chỉ là lời nói gió bay có khuyến khích những người chăm chỉ làm việc đâu.

Bên cạnh đó, bệnh thành tích của dân ta nặng lắm, kể cả đến lãnh đạo cơ quan quản lý hiện nay cũng phấn đấu vì thành tích", ông chỉ rõ.

Đồng tình quan điểm, TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội cho rằng, thực ra, nếu như XH tạo được hết việc làm cho công dân, nếu như XH có cách quản lý rất tốt, thì đương nhiên đó là XH tốt.

Bản thân chúng ta đang lúng túng, ở chỗ như người từ quê ra hội nhập, thới quen của một nước quan phương, bây giờ đi vào cách thức khác mang tính chuyên nghiệp, cũng cần thời gian làm quen.

Không những vậy, tại diễn đàn tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam ngày 19/11 vừa qua, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đã từng nhắc lại lời một chuyên gia kinh tế nổi tiếng: “Hiện nay Hàn quốc xuất khẩu ông chủ sang Việt Nam, còn Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động sang làm thuê cho Hàn Quốc!”.

Ông Thiên cũng trích lời GS Trần Văn Thọ khi nói rằng: “Cứ cái đà này (tiếp tục xuất khẩu lao động) thì Việt Nam sẽ là quốc gia đi làm thuê cho toàn thế giới”.

Ngân Giang (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ceo-nguoi-nhat-nguoi-viet-chi-gioi-ly-thuyet-sach-vo-3293551/