Buồn, vui nghề tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS

NDĐT - Được thành lập từ năm 2007, Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách Y tế HIV/AIDS đã và đang dần trở thành địa chỉ đỏ đầy tin cậy cho những người bị nhiễm HIV/AIDS, những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh thế kỷ này khi họ có nhu cầu về hỗ trợ pháp lý. Tuy nhiên, không phải đã có nhiều người biết đến Trung tâm này và thậm chí nhiều người biết nhưng lại không... dám đến.

Điều mà người ta ấn tượng khi đến Trung tâm tư vấn này không phải là cảnh nhộn nhịp ra vào cười nói như thường thấy ở một số trung tâm mà là những gương mặt đượm buồn của những người đến nhờ tư vấn. Thậm chí những gương mặt đó cũng không nhiều, mà chủ yếu Trung tâm phải tư vấn qua điện thoại vì tâm lý e ngại. Người có nhiều tâm tư đối với bệnh nhân HIV/AIDS, giúp họ xóa dần mặc cảm chính là Bác sĩ, Luật gia Trịnh Lê Trâm (Giám đốc Trung tâm), người từng làm quản lý tại Bộ Y tế, tham gia xây dựng một số văn bản pháp luật về HIV/AIDS từ những năm 1995. Vào thời điểm đó, tình trạng nhiều người nhiễm HIV bị kỳ thị, xa lánh, khó tiếp cận với các điều kiện chăm sóc trợ giúp cộng đồng khác đã thôi thúc Bác sĩ Trâm phải làm một cái gì đó để giúp đỡ họ. Năm 2007, Trung tâm được thành lập, Hội Luật gia đã mời bác sỹ Trâm về làm Giám đốc. Đến nay, sau bốn năm hoạt động đã có hàng ngàn lượt bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và bệnh nhân bị ảnh hưởng từ căn bệnh này được hưởng dịch vụ tư vấn về sức khỏe, pháp luật về cách chống lây nhiễm. Họ cũng được bác sỹ Trâm và cộng sự tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng, phá bỏ được rào cản ngăn cách với xã hội. H, người đã bị lây nhiễm HIV từ chồng là một trong số ít những người dám dũng cảm đến Trung tâm. Cô lớn lên ở một tỉnh cách Hà Nội đi chưa đến một giờ đồng hồ bằng ô tô và ở vùng quê yên bình đó người ta ít biết đến cũng như không nói nhiều đến căn bệnh AIDS. Rồi H cũng đến tuổi trưởng thành và có người yêu như bao thanh niên khác trong làng. Chỉ khác, người mà cô yêu rồi chọn lấy làm chồng đã từng bị nghiện, bị nhiễm HIV nhưng cô không hề hay biết. Một năm sau, một bé trai bụ bẫm kháu khỉnh ra đời cũng là niềm vui khôn xiết của cả đình và đôi vợ chồng trẻ. Và rồi lại một năm sau nữa chồng H phát bệnh rồi mất vì AIDS. Lúc đó H vẫn còn mù mờ về căn bệnh này lắm nên đưa con đi xét nghiệm ở trung tâm y tế huyện. Thật bất ngờ và đau xót, cả hai mẹ con đều bị nhiễm HIV. Chồng mất, con còn nhỏ dại lại bị gia đình chồng hắt hủi nên không biết sống ra sao. Bà ngoại chồng H lúc đó chỉ muồn tống cổ hai mẹ con cô ra khỏi nhà dù lỗi không phải do H. Sau khi chồng mất, đứa con dại, niềm an ủi duy nhất đối với H lúc đó cũng đã bắt đầu phát bệnh, rồi mất sau đó chín tháng khi mới tròn hai tuổi. Trong lúc chồng mất, con mất, bị gia đình hắt hủi, hàng xóm dị nghị xa lánh H đã gặp được chị Mai, Trưởng nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” của tỉnh BN đã động viên giúp đỡ rồi đưa H đến Trung tâm tư vấn căn bệnh HIV cũng như cách phòng chống lây nhiễm và điều trị, H được cấp thuốc uống thường xuyên. Được sự động viên giúp đỡ của cô Trịnh Lê Trâm, H đã trở thành tình nguyện viên đồng đẳng, công tác đã được ba năm nay. Chia sẻ bất hạnh với những người cùng cảnh ngộ, động viên họ trong cuộc sống và rồi số phận lại mỉm cười với H. Cô lại tìm thấy tình yêu với một người đồng cảnh ngộ, họ mới kết hôn được hai tháng và có cuộc sống hạnh phúc với hai bên gia đình đều vun vén động viên rất nhiều. Bác sỹ Trâm kể lại, trong những cuộc gọi đến đường dây nóng của Trung tâm nhờ tư vấn giúp mới đây, bà không thể nào quên có một cuộc điện thoại đầy nước mắt nhờ tư vấn. Đó là một phụ nữ ở Hà Nội, là người bà của hai đứa cháu nhỏ, một là con của đứa con lớn, một là của con trai thứ đang trong tình trạng bế tắc. Cậu con trai lớn mà bà nhất mực yêu thương đã kết hôn với một cô gái. Nhưng khi bà có đứa cháu trai kháu khỉnh cũng là lúc cả gia đình biết tin con dâu bị nhiễm HIV, và cả cháu bé cũng bị nhiễm từ mẹ. Thời gian nặng nề trôi đi, người con dâu không rõ lý do đã bỏ đi biệt tích, để lại con nhỏ cho chồng và mẹ chồng. Đến nay cháu đã bốn tuổi và cũng là tuổi cần phải đến trường nên bà quyết định cho cháu đến lớp. Con dâu thứ hai nhà bà nhất định không đồng ý, bởi đứa con của cô sẽ học cùng lớp cùng trường với đứa cháu nội tội nghiệp chẳng may nhiễm HIV. Cô con dâu thứ hai sợ sẽ bị lây sang con mình và nếu người khác biết sẽ mang tiếng hai vợ chồng cô ấy và còn dọa “nếu bà cho cháu đi học sẽ báo cho cô giáo và nhà trường biết”. Trung tâm đã tư vấn cho bà biết rằng, theo quy định của Luật Phòng chống HIV/AIDS việc thím dâu ngăn cản quyền học tập, phân biệt đối xử, tiết lộ thông tin… có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Và từ đó, gia đình bà đã được trợ giúp, tư vấn để cháu bé được chăm sóc và điều trị theo phác đồ, được đến trường học như bao trẻ khác. Điều trăn trở nhất đối với Giám đốc Trâm là sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn rất nhiều rất sâu trong tiềm thức người dân và lan rộng trong cộng đồng. Điều đó làm cho người bị nhiễm HIV bị mất đi rất nhiều cơ hội trong công việc cũng như trong cuộc sống, đặc biệt nhiều những đứa trẻ - nạn nhân bị lây nhiễm HIV bị kỳ thị không được đối xử bình thường như trẻ khác trong khi khác em hoàn toàn ngây thơ, vô tội. Người lao động bị HIV có thể sa thải bằng lý do này, lý do khác chứ không phải lý do nhiễm HIV - đó là cách “lách luật” phổ biến hiện nay mà người sử dụng lao động tiến hành. Trong những cuộc điện thoại gọi đến tư vấn, không ít trường hợp bệnh nhân bị nhiễm HIV không muốn tiết lộ cho người yêu, người sắp kết hôn biết tình trạng của mình vì sợ bị ruồng bỏ. Nhiều người thường “núp” dưới dạng “hỏi hộ người quen” hoặc nhờ người khác hỏi hộ vì không dám công khai trước xã hội. Điều đó cho thấy nỗi ám ảnh về sự kỳ thị của xã hội đối với những bệnh nhân, những nạn nhân này vẫn còn khá nặng nề. Tự bản thân họ không dám vượt lên chính mình khiến công tác giúp đỡ, tư vấn là chuyện gian nan. HƯƠNG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=176786&sub=62&top=39