Buôn bán biên mậu, hiểu thế nào cho đúng?

(TBKTSG Online) - Giữa phương thức buôn bán biên mậu và phương thức giao dịch thương mại qua biên giới của người dân sống ở khu vực quanh vùng biên giới có những quy định, chính sách khác nhau, tuy nhiên hai hình thức giao dịch này thường dễ nhầm lẫn do những đặc thù của sinh hoạt, mua bán vùng biên giới, và nhiều thương nhân cũng lợi dụng sự nhập nhằng để né thuế. Các chuyên gia và doanh nghiệp đã giải thích thêm về vấn đề này như sau:

Ngọc Hùng Me khô có nguồn gốc từ Campuchia, Thái Lan đang bán tại chợ Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: TL. Theo tiến sĩ Bùi Xuân Hải, Trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học luật TPHCM, buôn bán biên mậu là hoạt động trao đổi thương mại qua biên giới của hai quốc gia lân cận, tuy nhiên đây được xem là hình thức kinh doanh và phải khai báo thủ tục hải quan, làm thủ tục xuất nhập khẩu, nộp thuế. Ngoài ra, còn có khái niện phi mậu dịch để áp dụng cho cư dân sống hai bên biên giới có thể qua lại giữa hai đường biên để mua bán, trao đổi hàng hóa mà không cần phải đăng ký kinh doanh với hải quan hay với chính quyền của hai nước. Để làm được điều này thì chính phủ hai nước phải có những thỏa thuận trước đó để tạo điều kiện cho người dân sống ở biên giới trao đổi hàng hóa với nhau. Theo quy định hiện hành, giao dịch thương mại qua biên giới (phi mậu dịch) có giá trị hàng hóa không vượt quá 2 triệu đồng/người/ngày và chỉ áp dụng cho cư dân sống ở hai biên giới. Cụ thể, nếu một người dân sống ở Tịnh Biên (An Giang) thì mỗi ngày họ có thể đưa một lượng hàng có giá trị dưới hai triệu động qua biên giới giáp Campuchia để bán và có thể được mua một lượng hàng với số tiền tương đương tại Campuchia về Việt Nam mà không phải bị kiểm tra giấy tờ gì ngoài việc trình chứng minh nhân dân cho cán bộ tại các đồn biên phòng của Việt Nam. Còn buôn bán biên mậu, thường được hiểu là áp dụng cho những cá nhân, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, mã số thuế và phải làm thủ tục xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trước khi đưa hàng hóa qua biên giới nước có chung đường biên. Thực chất, phi mậu dịch và mậu dịch có những chính sách, quy định khác nhau nhưng vì hình thức giao dịch dễ gây nhầm lẫn nên một số thương nhân thường lợi dụng khe hở này để thuê người dân sống ở vùng biên vận chuyển qua biên giới để tránh thuế. Theo Tổng cục Hải quan, hiện giao thương giữa Việt Nam và những nước có chung đường biên giới có hai cách thức: buôn bán chính ngạch và buôn bán qua biên giới. Trong đó, buôn bán qua biên giới bao gồm hàng hóa xuất nhập khẩu biên giới (hàng tiểu ngạch), hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới, hàng hóa đưa vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Hàng hóa buôn bán qua biên giới khi xuất khẩu, nhập khẩu đều phải nộp thuế và lệ phí (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới trong định lượng miễn thuế, được hưởng các ưu đãi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới theo thỏa thuận song phương giữa Việt Nam với những nước có chung biên giới. Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), doanh nghiệp Việt Nam thường muốn bán sản phẩm theo đường chính ngạch nhưng do quy định về thuế của Trung Quốc có sự chênh lệch nhau nên doanh nghiệp phía Trung Quốc thường sử dụng phương thức buôn bán tiểu ngạch là chính.(còn gọi là buôn bán biên mậu). Lý giải về vấn đề này, theo bà Hoa, nếu một doanh nghiệp Trung Quốc mua mủ cao su của Việt Nam theo đường chính ngạch thì phải chịu thuế từ 18-20% trên giá trị lô hàng, còn mua theo tiểu ngạch thì thuế chỉ còn 9-10%, giảm gần phân nửa so với chính ngạch. Trước đây một số người cho rằng buôn bán tiểu ngạch thường có lượng hàng giao dịch nhỏ nhưng theo bà Hoa là không chính xác vì hiện chưa có quy định tối thiểu cho mỗi lần giao dịch của doanh nghiệp hai nước. Số liệu thống kê của VRA cho thấy năm 2009 lượng cao su xuất sang Trung Quốc theo tiểu ngạch chiếm 55% (khoảng 407.000 tấn) tổng lượng cao su xuất qua quốc gia này; năm 2010 là 307.00 tấn, tương đương 39%; 6 tháng đầu năm 2011 lượng cao su xuất tiểu ngạch là 149.000 tấn/185.000 tấn cao su mà Việt Nam đã bán sang Trung Quốc. Nghĩa là xuất khẩu tiểu ngạch vẫn là một trong những phương thức buôn bán chính đối với hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Theo bà Hoa thì buôn bán tiểu ngạch thường chứa đựng những rủi ro vì có khi giá bán rất cao mà nguyên nhân do doanh nghiệp đóng thuế thấp nên họ chấp nhận mua giá cao hơn giá chung của thị trường, nhưng nếu gặp lúc Hải quan phía Trung Quốc đóng cửa để kiểm tra các doanh nghiệp buôn bán, kinh doanh thì một lượng hàng không chỉ là cao su mà các hàng nông sản khác bị ứ đọng tại các cửa khẩu, lúc này, giá bán lại hạ xuống. Sự khác nhau giữ hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới với buôn bán biên mậu Chủ thể kinh doanh Mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới: - Công dân là cư dân biên giới, có hộ khẩu thường trú tại các khu vực tiếp giáp biên giới với các nước có chung biên giới được mua bán, trao đổi các mặt hàng phù hợp với quy định về hàng hóa thương mại biên giới Buôn bán biên mậu: Công dân Việt Nam ( bao gồm cả cư dân biên giới) Chính sách thuế, kiểm dịch - Hàng hóa do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hóa đó không quá 2.000.000đồng /1 người/1 ngày. - Do số lượng hàng hóa không nhiều nên ít bị kiểm tra về kiểm dịch động thực vật cũng như sự kiểm soát của hải quan, bộ đội biên phòng mỗi khi đi qua cửa khẩu. - Hàng hóa thương mại biên giới phải được nộp thuế và các lệ phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và được hưởng các ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng hóa qua biên giới theo các thỏa thuận song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước có chung biên giới. - Hàng hóa phải được kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn, chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi thông quan. Xem thêm: Quyết định 254: về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới và Quyết định: Phê duyệt đề án phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa với trung Trung Quốc giai đoạn 2007-2015 tại đây.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhdoanh/thuongmai/60826/