Bức tranh tổng thể kinh tế thế giới và Việt Nam 2012-2013

(Toquoc)-Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP 2013 của Việt Nam phục hồi lại mức 6,2%, lạm phát trung bình năm 2012 có thể giảm còn 9,5%; 2013 sẽ tăng lên mức 11,5%,

Các nhà nghiên cứu kinh tế Đức rất lạc quan cho rằng bức tranh tổng thể của nền kinh tế thế giới và châu Âu năm 2012 và 2013 sáng sủa hơn những đánh giá hồi tháng 1 năm nay. Báo cáo này đã nâng mức tăng trưởng năm 2012 từ 3,3% lên 3,5% và năm 2013 từ 4,0% lên 4,1%. Tuy nhiên các báo cáo nhận định khả năng giải quyết khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng Euro vẫn chưa có những dấu hiệu khả quan, sẽ không có tăng trưởng ở khu vực này, trừ Đức và Pháp.

Phục hồi kinh tế châu Âu nhiều trở ngại hơn cơ hội

Các con số được công bố đều cho thấy tăng trưởng kinh tế Đức trong năm 2012 sẽ đạt 0,90%, so với dự báo 0,80% vào đầu năm. Năm 2013, chỉ số tăng trưởng kinh tế của Đức có thể đạt 2,00%. Kinh tế Đức sẽ tiếp tục đóng vai trò đầu tàu cho cả nền kinh tế châu Âu. Theo IMF, kinh tế của cả châu Âu trong năm 2012 sẽ giảm 0,30%.

Những diễn biến ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia vẫn làm cho các nhà đầu tư lo ngại, mặc dù đồng Tiền chung châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã nhất trí với gói cứu trợ và đưa ra những biện pháp mạnh nhằm hạn chế những rủi ro về tài chính cho các thành viên trong Khối, nhưng tỉ lệ nợ công của toàn Khối vẫn tiếp tục tăng.

Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 20/4 tại Washington tập trung thảo luận các vấn đề như tình hình kinh tế toàn cầu, “Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng” Nhóm G20, cải cách cơ quan tài chính…, đặc biệt trọng tâm thảo luận là việc bơm thêm tiền và cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch WB Robert Zoellick nói các nước đang phát triển hiện là đầu máy tăng trưởng kinh tế thế giới và nên làm việc với nhau để phục vụ tốt hơn cho “các lợi ích chung”. Trước đó, bác sĩ Jim Yong Kim đã chính thức được chọn là Chủ tịch thứ 12 của WB.

Tăng trưởng GDP châu Á 2012 sẽ đạt 6,9%

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2012, nhận định, tăng trưởng GDP toàn khu vực châu Á sẽ đạt 6,9% trong năm 2012, giảm nhẹ so với mức 7,2% của năm 2011, và đạt mức 7,3% trong năm 2013. Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,5% trong năm 2012 và 8,7% vào năm 2013, so với mức 9,2% năm 2011. Ấn Độ sẽ đạt tăng trưởng 7,5% trong năm nay. GDP của các nước Đông Nam Á sẽ đạt khoảng 5,2% trong năm 2012, cao hơn so với mức 4,6% năm ngoái, nhờ sự phục hồi của Thái Lan sau trận lũ lụt lịch sử năm 2011. Báo cáo ghi nhận lạm phát ở châu Á đang dịu lại nhưng vẫn còn là mối đe dọa tiềm tàng trong bối cảnh giá xăng dầu và thực phẩm biến động mạnh. Báo cáo nhận định, châu Á sẽ chuyển sang một mức độ tăng trưởng dài hạn bền vững hơn dựa trên nhu cầu nội địa mạnh, thay vì dựa vào xuất khẩu như trước đây.

Chợ trời tại Thượng Hải: Nhiều người dân Trung Quốc vẫn tìm mua thực phẩm giá rẻ ở chợ trời hơn tại siêu thị

Theo ADB, mức độ bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng tại châu Á. Trong khi mức độ này ở châu Mỹ Latin và châu Phi thấp hơn mức trung bình, thì các con số thể hiện sự bất bình đẳng trong xã hội châu Á như hệ số Gini (biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) ngày lại có dấu hiệu tăng cao. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là những quốc gia điển hình về sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng.

Chở rau đến chợ: Người lao động Phnom Penh bước vào một ngày bận rộn

Mức tăng trưởng trì trệ của Mỹ, Nhật, và khu vực châu Âu, vốn là các thị trường chính cho những nền kinh tế châu Á lấy xuất khẩu làm trọng tâm, cũng sẽ tiếp tục là vấn đề đau đầu đe dọa kinh tế châu Á.

Dự báo kinh tế Việt Nam có thể phục hồi 2013

ADB dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam sẽ giảm xuống mức 5,7%, thấp hơn mức dự báo 6,3% từ năm ngoái. Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể phục hồi lại mức 6,2% trong năm 2013 nhờ cải thiện triển vọng phát triển toàn cầu đối với thương mại và đầu tư. Báo cáo của ADB cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với trọng tâm cải cách của chính phủ Việt Nam trong năm 2012, và nhấn mạnh tăng sự minh bạch phải là tâm điểm của tiến trình cải cách, đặc biệt là trong tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.

ADB dự báo lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2012 có thể giảm xuống mức sát dưới ngưỡng hai con số (9,5%), với điều kiện các chính sách được duy trì đủ chặt chẽ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của ADB cho rằng “lạm phát lõi”, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, sẽ khó giảm hơn. Theo ADB, lạm phát trung bình trong năm 2013 của Việt Nam sẽ tăng lên mức 11,5%, song song với các vấn đề: tăng trưởng kinh tế, dự đoán về giá lương thực thế giới tăng cao, cũng như tăng giá điện và nhiên liệu trong nước.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, ADB cảnh báo tình trạng lãi suất thực âm (lãi suất huy động thấp hơn tỷ lệ lạm phát) sẽ tác động đến tính “tiết kiệm thực” của khách hàng gửi tiền VND. Việc hạ lãi suất quá nhanh có thể đặt VND dưới những áp lực mới. Điều này sẽ giảm hiệu quả những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng và làm suy yếu dự trữ ngoại tệ. Niềm tin của doanh nghiệp và hệ thống tài chính sẽ bị lung lay nếu các vấn đề tại các ngân hàng nhỏ lan rộng. Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura cho rằng, chính phủ Việt Nam nên duy trì lãi suất thực dương cho người gửi tiền đồng là ít nhất 1% - 2%./.

Linh Hương

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/4/kinh-te-the-gioi/103334/buc-tranh-tong-the-kinh-te-the-gioi-va-viet-nam-2012-2013.aspx