Bóng đá Việt Nam: Không thể chạy nhanh với đôi chân teo tóp

(TT&VH Cuối tuần) - Như vậy là công cuộc làm bóng đá chuyên nghiệp đã bước sang năm thứ 12. Sản phẩm của giải đấu quốc nội vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ trong khi thành tích của các đội tuyển quốc gia cứ giậm chân tại chỗ. Bởi thế, dự thảo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam là cần thiết, tiếc rằng nó không được đón nhận với niềm tin lẫn cảm hứng mãnh liệt.

1. Sau 12 năm giải chuyên nghiệp ra đời, cuộc sống giới cầu thủ, huấn luyện viên đang thực sự thay da đổi thịt. Bây giờ, một cầu thủ ngôi sao như Lê Công Vinh cũng đủ tiền sắm siêu xe, được dư luận chú ý hơn khi có cô vợ sắp cưới là ca sĩ thuộc hàng “hot”. Chế độ cầu thủ ở đội trẻ chỉ tầm 1,2 triệu - 1,5 triệu/tháng. Nếu lên được đội 1, lương sẽ tăng lên gấp 10 lần so với cũ. Nếu may mắn vươn tầm ngôi sao như Quang Thanh, Vũ Phong, Công Vinh, Quang Hải, mức lương số cầu thủ trẻ sẽ gấp 50 lần thời điểm vào nghề.

Ngay như huấn luyện viên vốn được coi là nghề ít tiền, nguy hiểm, vậy mà lương một nhà cầm quân như ông Lê Thụy Hải cũng lên đến trăm triệu/tháng, chuyện mất việc đã là “muỗi”. Đơn giản bởi chỉ cần có chút tên tuổi, không hiếm đội bóng trải thảm đón nhận ngay sau khi bị sa thải.

Những tài năng như Văn Quyến cứ tắt dần theo thời gian

Có thể thấy cầu thủ bây giờ là nghề thời thượng xã hội. Cuộc sống lẫn lương thưởng hơn cả mặt bằng xã hội cả vài chục lần. Song thật kỳ lạ, nền tảng bóng đá trẻ ở ta đang bị bỏ bê, thiếu đi sự phát triển bền vững từ các đội bóng chuyên nghiệp. Ở rất nhiều đội bóng chuyên nghiệp, hệ thống đào tạo trẻ tạm bợ, thiếu trang thiết bị hỗ trợ. Ngay như đại gia Ninh Bình cũng không có lấy một đội bóng trẻ. Đồng Tâm Long An, Bình Dương vốn là những đội bóng tiên phong làm chuyên nghiệp, có thành tích khá sớm. Vậy mà, vẫn không thể cho ra lò vài ba tài năng có chất.

Có một thời chưa xa, các tài năng trẻ là không hiếm. Có thể nói dàn cầu thủ U16 Việt Nam năm 2000 với Văn Quyến, Ánh Cường, Lâm Tấn, Quang Tuấn, Văn Vinh, Anh Đức, Minh Đức... để lại nhiều cảm xúc lẫn sự nhớ nhung cho người hâm mộ. Vậy mà, đến thời điểm này, chỉ còn Minh Đức là thi đấu đỉnh cao, thường có mặt trong đội tuyển Việt Nam. Còn “thần đồng” Văn Quyến cũng chỉ đủ sức tỏa sáng trong vài năm, trước khi tiêu tan sự nghiệp vì vụ bán độ ở SEA Games năm 2005, cùng 6 nhân tài khác. Các tên tuổi còn lại U16 của lứa Quyến cứ tắt dần qua thời gian.

Cái gốc là đào tạo trẻ không được coi trọng, việc chăm sóc các tài năng cả tư cách đạo đức lẫn hành trình phát triển lại bất cập. Chẳng lạ khi đến thời điểm hiện tại, tìm ra một thần tượng bóng đá trở thành nỗi khó khăn cho những cuộc bầu chọn. Hầu hết các đội bóng đều thiếu lực lượng, khiến cho thị trường chuyển nhượng cầu thủ bát nháo, không đúng giá trị thực.

2. Đồng nghĩa với việc đào tạo trẻ bị “hổng”, lực lượng huấn luyện viên trẻ cũng không có cuộc sống ổn định, vững vàng để an tâm theo nghề. Thực tế những năm qua, VFF cũng chưa thực sự chăm chút, tin tưởng trong việc đào tạo, phát triển tài năng huấn luyện viên nội. Đa phần các huấn luyện viên Việt Nam đều học kinh nghiệm người đi trước rồi mày mò, tự dấn thân với nghề.

Đến như huấn luyện viên Mai Đức Chung cũng vừa tự bỏ tiền đi Czech để nâng cao tay nghề. Rồi Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Hoàng Anh Tuấn cũng sang Đức theo lớp nâng cao mà Liên đoàn bóng đá Đức thường mở cho các nước khu vực châu Phi, châu Á sang học.

Còn dấu ấn của VFF trong việc đào tạo, xây dựng lộ trình để huấn luyện viên nội tiếp cận chương trình nước ngoài cực ít. Thực tế bóng đá ta không thiếu chuyên gia giỏi, huấn luyện viên tâm huyết. Có điều, họ thiếu cọ xát, không được tin tưởng khi giao nhiệm vụ dẫn dắt các đội tuyển quốc gia, kèm theo đó là chế đỗ đãi ngộ thấp xa so với huấn luyện viên ngoại, đã làm nản chí không ít vị tướng có chuyên môn.

3 Không phủ nhận 10 năm qua, kinh tế lẫn đời sống con người Việt Nam tăng đáng kể. Các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế nhảy vào bóng đá nhiều hơn. Đó là thuận lợi lớn trong việc xã hội hóa bóng đá một cách sâu, rộng, đưa nền bóng đá thoát khỏi trì trệ mãn tính. Đặc biệt là có điều kiện chăm bẵm cho cái gốc, nếu thực sự có ý thức đây sẽ là bệ phóng của CLB và nền bóng đá nói chung.

180 tỷ đồng Đó là số tiền mà VFF có thể thu về được mỗi năm vào năm 2020, nếu đề án xổ số bóng đá được triển khai. Con số này gấp đôi doanh thu năm 2010 của VFF.

Theo tính toán, VFF sẽ thu về 100 tỷ đồng/năm (2010) lên 130 tỷ (2015), con số thu có thể lên đến 180 tỷ đồng/năm (2020), trong trường hợp xổ số bóng đá ra đời. Như vậy, xét về cơ hội VFF không thiếu tiền để có thể tái cơ cấu lại công tác đào tạo trẻ, xây dựng cơ sở vật chất khang trang hơn. Tính toán thế ai chẳng sướng, có điều để VFF đủ năng lực thực hiện việc hợp thức cá cược, kích cầu nhiệm vụ đào tạo trẻ, có khi đến Tết... Công-gô!

Riêng việc đưa bóng đá vào học đường, cũng chẳng mới mẻ. Sông Lam Nghệ An từng thí điểm và thực hiện thành công trong cả chục năm qua. Hiện tại tuyến trẻ của đội bóng xứ Nghệ luôn ổn định. Chính Giám đốc Sở Thể dục thể thao (cũ) Nghệ An, ông Nguyễn Hoàng Thụ, từng bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài phát triển tài năng bóng đá cho trẻ học mẫu giáo từng tin tưởng sự thành công nếu nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng.

Vài năm trở lại đây, lực lượng U19 QG đã có vài thành tích khá nổi bật, nhưng đó là kiểu đầu tư ăn may, chứ chưa thực sự có trọng tâm, tầm nhìn thật sự.

Tóm lại, một trong những lỗ hổng chí mạng của bóng đá Việt Nam vẫn là khâu đào tạo trẻ chưa được chú trọng. Liệu chiến lược đưa tuyển Việt Nam ổn định Top 10 châu Á sẽ thành công đến đâu, khi cái gốc vẫn đang lung lay, các CLB lẫn VFF vẫn say sưa với bệnh thành tích, chinh phục thành tích trước mắt.

Với thực trạng như thế, VFF lại đưa ra một bản dự thảo với tầm nhìn không khả thi nên không nhận được sự đồng thuận của giới chuyên môn lẫn xã hội. Làm sao bóng đá Việt Nam có thể trở thành “cường quốc” bóng đá châu Á trong vòng 10 năm tới, khi bao năm vẫn chưa giải được cơn khát vàng SEA Games, giải đấu được coi là tiêu chí để đánh giá công tác đào tạo trẻ nền bóng đá nước đó đang ở thực trạng nào.

Thật đau lòng khi bóng đá trẻ ta vẫn đang bị teo đi, trong khi tiền bạc đổ vào bóng đá lại phình ra một cách không tưởng.

Mộc Miên

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/128n20120224112646028t0/bong-da-viet-nam-khong-the-chay-nhanh-voi-doi-chan-teo-top.htm