Bốn chàng trai bỏ học và startup triệu đô

Từng bị coi là nỗi thất vọng lớn cho gia đình khi bỏ dở chương trình du học chỉ để làm một trang web về ăn uống, những chàng trai sáng lập Lozi.vn đã chứng minh quyết định “động trời” của họ năm 2012 là đúng khi Lozi kiếm được khoản đầu tư hàng triệu USD.

Chân dung bốn thành viên đồng sáng lập Lozi (từ trái qua phải: Nguyễn Đức Huy, Đoàn Minh Tú, Trần Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Trung). Ảnh: Loan Lê

Người khởi xướng dự án startup này - đồng thời là CEO của Lozi Nguyễn Hoàng Trung sinh năm 1992 tại Quảng Ngãi, từng học ở Học viện KAIST (Hàn Quốc) với học bổng toàn phần. Trong 3 cộng sự của anh có Trần Minh Sơn, Nguyễn Ngọc Huy cũng từng là du học sinh, chỉ có Đoàn Minh Tú học Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Ý tưởng vàng đến từ “tâm hồn ăn uống”

Câu chuyện bắt đầu khi hai chàng du học sinh Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Đức Huy mới về nước, hẹn nhau đi ăn ở Hà Nội. Vì xa thủ đô lâu ngày nên vấn đề đầu tiên mà họ gặp phải trong cuộc hẹn này là không biết ăn gì, ở đâu và hết bao nhiêu tiền. Trung và Huy thử tìm kiếm trên Internet thì có một vài trang nội dung giới thiệu về ẩm thực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của hai người. Trung chợt nhớ ra trước đây anh được người bạn giới thiệu một nhà hàng có món ăn cực ngon, nên rủ Huy đến đó.

Khá khó khăn mới tìm được địa chỉ, vậy mà khi đến nơi Trung lại không nhớ được tên món ăn. Lúc này cả hai đều đã rất đói, nên không còn cách nào khác là gọi tạm vài món để giải quyết tình thế.

Sự cố nho nhỏ đó của bản thân, cộng với việc chứng kiến những tình huống tương tự ở người xung quanh giúp Nguyễn Hoàng Trung nhận ra việc tìm kiếm thông tin về các địa chỉ ăn uống, món ăn ngon… là nhu cầu thường xuyên của mọi người. Anh chợt nảy sinh ý tưởng làm một trang web ẩm thực đáp ứng nhu cầu tìm kiếm hàng quán và khám phá món ăn ngon. Từ tháng 5-7/2012, ý tưởng này được Trung và Huy bắt tay vào thực hiện. Sau đó họ mời thêm hai người bạn nữa để phụ trách về kỹ thuật và marketing, đó là Đoàn Minh Tú và Trần Minh Sơn.

Bỏ dở việc học để theo đuổi dự án này, bốn chàng trai phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt từ gia đình và sự can ngăn, lo lắng của bạn bè. Trần Minh Sơn chia sẻ: “Quyết định nghỉ học của chúng tôi không được gia đình ủng hộ. Nó như là một cú sốc đối với bố mẹ. Nhiều người nghĩ chúng tôi chơi bời, học không được thành ra phải bỏ học về nước. Bố mẹ buồn và lo lắng vì không rõ công việc con mình đang làm”. Minh chứng lời giải thích thuyết phục nhất cho lý do rời ghế nhà trường giữa chừng chỉ có thể là kết quả chứ không phải biện minh mình đang hay sẽ làm gì, làm như thế nào, bốn người bạn hăng say bắt tay thực hiện dự án Lozi.

Bất chấp sự phản đối, lo lắng từ gia đình, bạn bè, các thành viên của Lozi làm việc ngày đêm; vì theo các bạn, món quà mà các bạn dành tặng cho bố mẹ đó là thành quả chứ không phải là đang làm gì và đây cũng là lời giải thích thuyết phục nhất của các bạn.

Tháng 1/2014, phiên bản web đầu tiên của Lozi chính thức trình làng sau 9 lần làm đi làm lại. Nguyễn Hoàng Trung cho biết, Lozi là nơi chia sẻ địa điểm ăn uống, món ăn, giá cả... cho giới trẻ. Khi đi ăn ở bất cứ đâu, bạn có thể tự gửi hình và đăng bài cảm nhận về món ăn hay quán hàng đó cho mọi người cùng biết. Còn với tư cách người tìm kiếm thông tin, cho dù bạn là du khách hay là dân công sở đang tìm chỗ “bù khú”, bạn muốn đi ăn một mình hay với nhóm đông người, với người yêu hay với gia đình… đều dễ dàng nhận được từ Lozi những thông tin mình cần.

Khó khăn lớn nhất mà Lozi gặp phải là huy động vốn. Nguyễn Hoàng Trung và các bạn tìm mọi cách giới thiệu dự án đến hàng chục nhà đầu tư nhưng đều bị từ chối, ngay cả khi sản phẩm đã được nhiều bạn trẻ đón nhận. Các nhà đầu tư cho rằng mô hình còn quá mới mẻ nên khó có cơ sở để đoán định về tiềm năng, hoặc họ chưa nhận ra điểm khác biệt giữa Lozi với các trang web ẩm thực khác như Foody, amthuc365... Không cho phép mình bỏ cuộc, bốn chàng trai dồn tâm huyết, tiếp tục hoàn thiện và phát triển Lozi.

Xuất hiện nhà đầu tư triệu đô

Những nỗ lực của bốn thành viên sáng lập Lozi dần dần đem lại quả ngọt. Tháng 5/2014, họ nộp ý tưởng cho dự án Vietnam Silicon Valley (dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ) và nhận được khoản đầu tư 10.000USD ngay trong năm đó khi lượng truy cập Lozi.vn đạt 150.000 lượt mỗi ngày. Có nguồn thu, họ có thể trả lương cho nhân viên và mở văn phòng ở cả TPHCM và Hà Nội. Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, công ty lần lượt ra mắt ứng dụng cho iOS và Android.

Hiện Lozi đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người có nhu cầu tìm kiếm về ẩm thực.

Ngoài đồng vốn nhận được từ đề án Vietnam Silicon Valley và một nhà đầu tư thiên thần khác của Singapore, mới đây Lozi được quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan rót vốn với định giá khoảng 2 triệu USD. Với khoản tiền đó, Lozi sẽ tiếp tục phát triển giải pháp công nghệ với mục đích liên kết trực tuyến giữa chủ nhà hàng với người dùng, đồng thời thực hiện tham vọng mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á. Lozi cũng sẽ tập trung giải quyết vấn đề quan trọng để người dùng được trải nghiệm ứng dụng tốt hơn.

Tham vọng của bốn “ông chủ” là làm cho Lozi trở thành ứng dụng tìm kiếm đồ ăn mặc định trong điện thoại của mỗi người dân sống tại các thành thị Việt Nam, giúp họ không còn phải băn khoăn về việc hôm nay ăn gì, ở đâu? Ngoài Việt Nam, hiện Lozi đã xuất hiện ở Singapore và Nhật Bản. Đức Huy cho biết, họ đang có tham vọng vươn ra nhiều nước khác ở Đông Nam Á.

Nói về bốn chàng trai sáng lập Lozi, bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley - đánh giá: “Tuy còn nhiều gian nan, nhưng tôi biết một điều là tất cả các bạn đều có khả năng và ngay từ đầu các bạn phải tự làm hết. Tôi thấy được sự đam mê cống hiến và tiềm năng phát triển hơn nữa ở Lozi. Các bạn phải có một kế hoạch kinh doanh khả thi và thuyết phục được nhà đầu tư và quan trọng là khả năng lắng nghe các nhà đầu tư, bởi họ không chỉ rót tiền mà còn có các mối quan hệ có thể cố vấn cho các bạn”.

Tự nhận là Lozi may mắn khi đi tiên phong trong mô hình ứng dụng tìm kiếm, chia sẻ trải nghiệm ẩm thực này đúng thời điểm tốc độ sử dụng Internet của người Việt Nam tăng vọt, nhưng Trần Minh Sơn cũng khẳng định điều quan trọng là họ nhìn ra được tiềm năng đó: “Liên quan đến khả năng phát triển của sản phẩm, chúng tôi biết sản phẩm có phù hợp với thị trường hay không, có đúng thời điểm và mọi người có đón nhận nó hay không”.

Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình với các bạn trẻ, Nguyễn Đức Huy nói: “Việt Nam đang đi lên với môi trường startup. Các bạn có rất nhiều ý tưởng, các bạn lập nhóm, triển khai sản phẩm, nhưng cần có sự định hướng, hỗ trợ về vốn hoặc các chương trình đào tạo để hoàn chỉnh quá trình start-up của mình. Bản thân người gây dựng startups cũng phải có tầm nhìn, đồng thời quy mô của thị trường cũng phải có tiềm năng. Đừng để ý tưởng mãi là ý tưởn,g mà hãy bắt tay vào làm ngay”.

Một trong những điều khác biệt lớn của Lozi với các trang web ẩm thực khác, đó là tính năng chia sẻ và lưu lại. Lozi không bị rào cản về địa lý, với những thiết bị có chức năng tự định vị, Lozi hỗ trợ người dùng tìm thấy những địa điểm có bán món ăn cần tìm gần nơi họ đang đứng.

Phượng Hằng

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/bon-chang-trai-bo-hoc-va-startup-trieu-do/2016011407215829p1c785.htm