Bồi thường do bị tai nạn lao động

(Chinhphu.vn) - Bố bà Vũ Thị Thảo (100004309147125@...) làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng Huy Hà được 1 năm nhưng không được ký hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận bằng miệng với Công ty. Ngày 6/11/2012 bố bà bị tai nạn lao động khi đang làm việc tại công trường và qua đời tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn.

Sau khi vụ việc xảy ra, Công ty đã hỗ trợ gia đình bà chi phí mai táng là 40 triệu đồng (Công ty thông báo cho gia đình bằng miệng) và 20 triệu đồng tiền tang phí 3 năm sau, ngoài ra không hỗ trợ gì thêm.

Bà Thảo muốn được biết, theo qui định của pháp luật thì vụ việc của gia đình bà được giải quyết như thế nào? Công ty TNHH Huy Hà giải quyết bồi thường cho gia đình bà như vậy đã đúng và đủ chưa? Nếu chưa đúng thì cách giải quyết sẽ như thế nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Thảo như sau:

Bồi thường ít nhất bằng 30 tháng lương

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động hiện hành (ban hành năm 1994, sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007) thì khi tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị TNLĐ. Người lao động (NLĐ) được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về TNLĐ. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì NSDLĐ phải trả cho NLĐ một khoản tiền ngang với mức quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội .

Trường hợp TNLĐ dẫn đến việc NLĐ chết, mà không do lỗi của NLĐ, NSDLĐ có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho thân nhân người chết.

Trong trường hợp do lỗi của NLĐ thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất cũng bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).

Căn cứ khoản 4, Điều 1 Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995, đã được hướng dẫn tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Mục II, Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH ngày 18/4/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì các mức bồi thường, trợ cấp theo quy định là tối thiểu, Nhà nước khuyến khích NSDLĐ thực hiện bồi thường, trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ ở mức cao hơn.

Tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường hoặc trợ cấp là tiền lương theo HĐLĐ, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi TNLĐ xảy ra gồm lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có) theo quy định hiện hành.

Trường hợp thời gian làm việc không đủ 6 tháng thì lấy mức tiền lương của tháng liền kề hoặc tiền lương theo hình thức trả lương tại thời điểm xảy ra TNLĐ để tính bồi thường, trợ cấp.

Các đối tượng được bồi thường, trợ cấp TNLĐ theo Thông tư này vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về TNLĐ (nếu có tham gia BHXH bắt buộc).

Phải lập Biên bản điều tra TNLĐ

Theo quy định tại Mục III, Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH thì khi xảy ra TNLĐ, NSDLĐ có trách nhiệm lập hồ sơ đối với người bị TNLĐ như:

- Lập biên bản điều tra TNLĐ, căn cứ vào biên bản điều tra TNLĐ để xác định nguyên nhân xảy ra TNLĐ nhằm đưa ra biện pháp khắc phục, phòng ngừa; xác định việc tai nạn không phải do lỗi của NLĐ hay do lỗi của NLĐ để làm căn cứ bồi thường hoặc trợ cấp;

- Ra Quyết định bồi thường, trợ cấp TNLĐ.

Hồ sơ được lập thành 3 bản: NSDLĐ giữ một bản; thân nhân của NLĐ bị chết do TNLĐ giữ một bản; một bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.

Trường hợp bố của bà Vũ Thị Thảo là lao động làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng Huy Hà, khi đang làm việc tại công trường thì bị TNLĐ, được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn, sau đó chết. Do thông tin bà Thảo cung cấp không có biên bản điều tra TNLĐ, quyết định bồi thường trợ cấp TNLĐ của Công ty TNHH Huy Hà: không biết mức tiền lương bình quân trong 6 tháng liền kề của bố bà Thảo trước khi chết; không có chứng từ chi phí cấp cứu tại Bệnh viện, nên không có căn cứ để trả lời bà Thảo chính xác mức bồi thường, trợ cấp, chi phí điều trị.

Gia đình bà Thảo cần yêu cầu Công ty cung cấp biên bản điều tra TNLĐ, hồ sơ thanh toán tiền lương để tính mức tiền lương bình quân của bố bà trong 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn, đối chiếu với các quy định nêu trên để tính mức bồi thường trợ cấp; chứng từ thanh toán viện phí, cấp cứu để yêu cầu Công ty chi trả cho đúng.

Do Công ty TNHH Huy Hà không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, không ký HĐLĐ, không đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ, nên trường hợp bố bà Thảo không được hưởng chế độ TNLĐ, chế độ tử tuất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Vì vậy, Công ty cần có thêm khoản tiền hỗ trợ tương đương với chế độ TNLĐ, chế độ tử tuất quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội để phần nào giảm bớt khó khăn, phần nào xoa dịu nỗi đau thương mất mát cho gia đình bà Thảo.

Nếu có căn cứ cho rằng Công ty TNHH Huy Hà không thực hiện đúng quy trình xử lý TNLĐ, không bồi thường đúng quy định cho thân nhân người chết do TNLĐ, gia đình bà Thảo có quyền khiếu nại tới Thanh tra lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện ra Tòa án cấp huyện nơi Công ty có trụ sở để yêu cầu Công ty thực hiện bồi thường TNLĐ đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

Chế độ đối với người bị tai nạn lao động

Chế độ với người lao động bị tai nạn trên đường đi làm

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/boi-thuong-do-bi-tai-nan-lao-dong/20131/159535.vgp