Boeing 787 Dreamliners: Siêu máy bay, siêu sự cố

Sau khi Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu các hãng hàng không Mỹ ngừng sử dụng máy bay Boeing Dreamliner 787, các cơ quan hàng không trên khắp thế giới cũng yêu cầu cấm sử dụng loại máy bay này cho đến khi hãng Boeing chứng minh đã xử lý triệt để sự cố liên quan đến pin của siêu máy bay.

Ngày 4/12/2012, chiếc Boeing 787 của hãng United Airlines đã phải hạ cánh khẩn cấp tại New Orleans vì lỗi kỹ thuật trong hệ thống. Ngày 7/1, pin Li-ion cấp điện trên Boeing 787 của Japan Airlines đã bốc cháy sau chuyến bay từ Tokyo đến Boston. Ngày 16/1, chiếc 787 của All Nippon Airways cũng phải hạ cánh khẩn cấp tại miền Nam Nhật Bản khi khói bốc ra từ pin. Ban ATGT vận tải quốc gia Mỹ đến nay chưa phát hiện nguyên nhân trục trặc kỹ thuật gây hỏa hoạn.

Liên miên sự cố

Boeing 787 Dreamliners là dòng máy bay chủ lực, góp phần đưa Boeing vượt qua Airbus trong năm 2012 về doanh số bán hàng lần đầu tiên trong một thập kỉ qua. Sản phẩm được kỳ vọng là sự đột phá công nghệ hàng không của Boeing sau 3 năm chậm tiến độ mới được đưa vào sử dụng chưa đầy 1 năm do các sự cố liên miên trong quá trình sản xuất. Theo kế hoạch ban đầu, Boeing phải giao hàng từ 2008, tuy nhiên do trục trặc về thiết kế và dây chuyền sản xuất nên Boeing đã không thực hiện được hợp đồng đúng tiến độ. Khi đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Boeing, Jim Albaugh trần tình với khách hàng: "Một số phần mềm chưa hoàn thiện như dự kiến và hãng đang phải bổ sung những “mắt xích” còn thiếu".

Khi bay thử nghiệm Boeing 787 Dreamliner cũng từng xảy ra sự cố khi khói xuất hiện trong cabin khiến phi hành đoàn phải hạ cánh khẩn cấp, 1 người bị thương và lỗi kỹ thuật phần đuôi máy bay khiến tiến độ giao hàng bị chậm trễ.

Tháng 11/2011, dòng máy báy này đã gặp trục trặc sau một tuần vận hành khi càng hạ cánh không mở. Sự cố đó xảy ra trên chuyến bay nội địa của hãng hàng không Nhật Bản ANA. Phi hành đoàn buộc phải sử dụng hệ thống trợ giúp bằng tay và máy bay đã hạ cánh an toàn tại Okayama.

Tháng 2/2012 phát sinh lỗi gây phân lớp trong phần thân của một số chiếc 787 Dreamliners bắt nguồn từ việc lắp đặt miếng đệm ở phần cấu trúc hỗ trợ thân sau của một số chiếc 787 chưa chuẩn xác. Miếng đệm cơ học có nhiệm vụ lấp đầy các khoảng trống giữa các bộ phận đã nối với nhau không khít do phần cơ bị lỗi tạo ra mômen xoáy quá lớn, khiến các bộ phận làm bằng vật liệu composite nhanh xuống cấp. Vào thời điểm đó, lỗi ở phần đuôi đã làm chậm quá trình ra mắt của loại máy bay này vì nhiều chiếc phải gia công lại phần đuôi.

Chiếc Boeing 787 Dreamliners của hãng All Nippon Airway phải hạ cánh khẩn cấp
vì có khói trong cabin

Cuối tháng 1/2013, giới chức hàng không Mỹ và Nhật Bản cùng thanh tra Tập đoàn GS Yuasa Corp - công ty cung cấp pin lithium-ion cho máy bay Boeing 787 Dreamliner. Điều tra ban đầu cho thấy các cục pin chính được sử dụng cho chiếc máy bay trên có hiện tượng bị chai, rò rỉ chất điện phân và có các vết tích bị bào mòn. Điều tra viên của Bộ Giao thông vận tải Nhật Hideyo Kosugi nói rằng, tình trạng của hệ thống ắc quy cho thấy điện áp đã vượt giới hạn thiết kế.

So với các loại máy bay hiện đại khác, Boeing 787 phụ thuộc nhiều vào những tín hiệu điện tử. Dòng máy bay này cũng là loại đầu tiên của Boeing sử dụng hệ thống ắc quy lithium ion có thể tái sạc cho hệ thống điện chính. Những hệ thống ắc quy như thế dễ bị tình trạng quá nhiệt và có những thiết bị an toàn bổ sung được lắp đặt nhằm kiểm soát vấn đề và ngăn chặn hỏa hoạn.

Người phát ngôn Tập đoàn GS Yuasa Corp cho biết: Ban lãnh đạo GS Yuasa Corp và các kỹ sư đang tiếp tục cung cấp thông tin chi tiết nhằm phục vụ công tác điều tra.

Bị dừng bay trong lễ khai trương

Trong những hãng hàng không thiệt hại vì lệnh cấm bay thì hãng LOT của Ba Lan bị ảnh hưởng nặng nhất. Chiều 16/1, hãng này vừa khai trương đường bay thẳng từ Warsaw đi Chicago, nhiều hành khách háo hức đón chờ trải nghiệm với chiếc siêu cơ này. Tuy nhiên, tại sân bay O'Hare, Mỹ, khi lễ khai trương với sự hiện diện của nhiều quan chức trong đó có thị trưởng Chicago Rahm Emanuel chưa kết thúc, cơ trưởng của chuyến bay nhận được tin FAA cấm họ cất cánh. Các hành khách của LOT buộc phải tìm khách sạn để nghỉ tạm trong khi chờ được bố trí máy bay mới để về Warsaw. Một hành khách của chuyến bay bị hủy nói: “Thật lố bịch khi họ tuyên bố là Hãng hàng không châu Âu đầu tiên sử dụng máy bay Boeing 787 Dreamliner”.

Ông Tomasz Balcerzak, Phó Chủ tịch LOT Airlines cho biết, Hãng sẽ yêu cầu Boeing bồi thường về việc 2 chiếc 787 của họ bị đình bay. Ngoài ra còn 3 chiếc khác sẽ được bàn giao cho LOT vào cuối tháng 3 tới nhưng theo ông Balcerzak thì LOT chỉ tiếp nhận khi các vấn đề về kỹ thuật được xử lý triệt để. Một chuyên gia hàng không nhận định: "Động thái của LOT Airlines sẽ là tiền lệ để các hãng hàng không khác yêu cầu Boeing có trách nhiệm với những thiệt hại của họ".

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Boeing Jim McNerney khẳng định, Hãng tự tin với sự an toàn của máy bay Boeing 787 Dreamliner và đang làm việc với các nhà chức trách nhằm giúp những máy bay này cất cánh trở lại.

Ngọc Tiến (Theo BBC, AP)

Kịch bản nào cho Boeing?

Sau khi một loạt khách hàng cao cấp của Boeing như JAL, ANA, United Airlines và Qatar Airways đều gặp sự cố với những chiếc 787 Dreamliner. Các chuyên gia hàng không đã đưa ra 2 kịch bản cho Boeing.

Mới gần 1 năm đi vào hoạt động và tồn đọng tới 800 đơn đặt hàng, chương trình Dreamliner đầy tham vọng của Boeing thêm một lần nữa bị trì hoãn. Các hãng hàng không bắt buộc phải rút Dreamliners khỏi đội tàu bay và sẽ yêu cầu bồi thường. Các hãng sẽ nhận máy bay mới trong vài tháng tới phản ứng mạnh mẽ vì sự thay đổi kế hoạch bất ngờ này.

Tập trung nguồn lực giải quyết rắc rối

Boeing cho biết sẽ tập trung mọi nguồn lực để giải quyết rắc rối này trong vòng vài tuần. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tất cả các kế hoạch quan trọng khác sẽ phải đặt sang bên lề. Điều đau đầu nhất là dây chuyền sản xuất hàng chục chiếc máy bay/năm đã được khởi động, không thể dừng lại một cách đơn giản trong khi giám đốc điều hành của họ phân vân: “Liệu có tiếp tục sản xuất loại máy bay đang bị cấm cất cánh trên toàn thế giới hay không?”.

Hiện tại, các ông chủ của Boeing có thể nhẹ nhõm phần nào khi cổ phần của hãng vẫn ở mức giá cao. Việc 50 chiếc Dreamliner bị cấm bay đang phá hoại danh tiếng của Boeing vẫn chưa hẳn là thảm họa. Tất cả phụ thuộc vào những gì các nhà điều tra thực hiện. Có 2 kịch bản được vẽ ra cho Boeing. Kịch bản 1 là rắc rối chủ yếu ở 2 cục pin lithium-ion polymer. Nếu các nhà quản lý bị thuyết phục rằng, chỉ cần giải quyết được vấn đề pin - cụ thể là Boeing đưa ra được các giải pháp làm giảm nguy cơ nóng lên và phát nổ thì 787 sẽ trở lại bầu trời trong vòng vài tuần. Kịch bản 2 - tồi tệ hơn, đó là khi tình trạng bất ổn lan rộng trên hệ thống điện của Dreamliner, sẽ khiến Boeing bắt buộc phải thay đổi thiết kế, Dreamliner sẽ phải mất một năm hoặc nhiều hơn nữa mới có thể quay lại bầu trời. Boeing sẽ phải chiến đấu với khủng hoảng tài chính tồi tệ hơn nữa.

Đây chuyền sản xuất hàng chục chiếc máy bay/năm đã được khởi động, không thể dừng lại một cách đơn giản.

Chưa có gì chắc chắn

Boeing đã đặt cược vào canh bạc tạo ra một chiếc máy bay phụ thuộc vào hệ thống điện và kết cấu composite. Họ cũng mất rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục các nhà quản lý rằng, Dreamliner đủ điều kiện an toàn. Nếu như các nhà điều tra nghiêng sang kịch bản số 2, điều đó không khác gì việc khẳng định các quan chức đã kí duyệt thông qua một thiết kế với lỗ hổng không thể chấp nhận được. Trước đó, một số lỗi của Dreamliner như quạt động cơ hỏng, rò rỉ nhiên liệu, vết nứt trên kính đều được cho là sơ suất nhỏ, không đáng phải khiến Boeing bị cấm cất cánh.

Trên thực tế, gần như tất cả máy bay sử dụng công nghệ mới đều có những vấn đề tương tự. Điều này được coi là không thể tránh khỏi trong quá trình thử nghiệm đến khi trở thành chiếc máy bay thế hệ mới sử dụng chất liệu hiện đại với thiết kế cực kì phức tạp. Chiếc Superjumbo A380 của Airbus cũng trải qua những quá trình khó khăn vất vả cả trước và sau khi được phép cất cánh. Trước khi được phê duyệt thiết kế, toàn bộ hệ thống điện của A380 bị đặt nhiều nghi vấn về vấn đề an toàn. Sau khi đưa vào sử dụng, những vết nứt xuất hiện trên phần cánh máy bay cũng khiến các kĩ sư Airbus đau đầu tìm cách khắc phục.

Việc những chiếc 787 không được cất cánh không phải là chưa có tiền lệ trong lịch sử sản xuất của Boeing (vốn đang ở trong cuộc chạy đua mang những loại máy bay mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu ra thị trường để làm hài lòng cổ đông). Sự việc này còn chứng tỏ một chế độ quản lý chặt chẽ, không khoan nhượng với bất kỳ khuyết điểm nào về an toàn hay sự thiếu hoàn hảo của sản phẩm khi đến tay khách hàng.

Minh Hương (Theo CNN)

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/quoc-te/ho-so-tu-lieu/201302/Boeing-787-dreamliners-Sieu-may-bay-sieu-su-co-170280/