Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (23/1/1916 - 5/9/1986): Đã hứa là làm

Trong một bài viết về đồng chí Trần Quốc Hoàn, người từng có thời gian lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân lâu nhất (28 năm), Thiếu tướng Nguyễn Hữu Nhân, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin Liên lạc Bộ Công an, đã nhấn tới một nét tính cách rất đáng trọng của bậc tiền bối: “Đồng chí Trần Quốc Hoàn là người nói thế nào, hứa thế nào là làm đúng như thế, lời nói như đinh đóng cột…”.

Vẫn biết rằng, đối với một nhà lãnh đạo ở cấp cao như đồng chí Trần Quốc Hoàn, còn rất nhiều những phẩm chất trí tuệ và đạo đức cao cả khác. Thế nhưng, tác phong một lời đã nói ra nặng như trái núi của đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng là tấm gương mà rất nhiều người trong chúng ta cần noi gương và học tập.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngay từ nhỏ, đồng chí đã sớm chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước vốn phát triển rất mạnh mẽ và bền bỉ ở quê hương. Không có gì lạ nếu như lớn lên với bầu nhiệt huyết như thế, đồng chí đã sớm tham gia phong trào cách mạng. Tháng 3/1934, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Và từ đó cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, cuộc đời của đồng chí đã trở thành một bản tráng ca nhiều cung bậc của một người cộng sản chân chính, vượt qua mọi gian nguy thử thách, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung.

Phải nói rằng, ngay từ thời trẻ, kể cả khi còn bị thực dân Pháp bắt giam, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã mơ tới ngày cách mạng thành công được tham gia vào các hoạt động bảo vệ an ninh. Nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, một nhà cách mạng và một nhà báo lão thành, từng bị giam trong nhà tù thực dân cùng với đồng chí Trần Quốc Hoàn, có lần nhớ lại: “Năm 1942, ở Sơn La, anh Hoàn (Trần Quốc Hoàn), anh Dũng (Văn Tiến Dũng), tôi và hai người khác ngày hai buổi kéo xe bò đến quả núi ở gần chợ Chiềng Lề, đục đá, nổ mìn, lấy đá rải đường. Khi dừng lại đục lỗ thì thay nhau cắm cọc dấu và quai búa. Nổ mìn đã có cai lục lộ. Những khi nghỉ tay thường tán chuyện cho đỡ mệt, đỡ đói. Chúng tôi thường hỏi nhau: Cách mạng thành công rồi thì cậu thích làm gì? Dũng thích làm lính. Hoàn thích làm gián điệp, tôi thích viết báo. Sau này có dịp tâm sự với Dũng, tôi nói: Câu chuyện ở Chiềng Lề ngày nọ thế mà đúng…

Có lẽ sự đam mê mang đầy thanh niên tính ấy đã giúp đồng chí Trần Quốc Hoàn sớm bộc lộ được những năng lực công an bẩm sinh đã ẩn chứa trong mình và được Bác Hồ lựa chọn để làm những công việc liên quan tới an ninh trật tự. Tháng 2/1952, đồng chí đã được phân công làm Giám đốc Nha Công an Việt Nam. Tới tháng 2/1953, đồng chí trở thành Thứ trưởng Bộ Công an. Từ tháng 8/1953, đồng chí trở thành người đứng đầu lực lượng Công an nhân dân và giữ cương vị này cho tới năm 1980. Tất cả những cán bộ công an từng có may mắn được làm việc dưới quyền của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đều khâm phục tính đôn hậu, tinh thần ham học hỏi và tầm nhìn xa trông rộng trong nghiệp vụ của đồng chí.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm một đơn vị công an trước ngày lên đường đi chiến đấu và công tác ở chiến trường miền Nam.

Cũng như nhiều nhà lãnh đạo cùng thế hệ, đồng chí Trần Quốc Hoàn có con mắt xanh rất tinh tường trong việc lựa chọn cán bộ cho các cương vị quan trọng trong lực lượng. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thường nhìn ra trước hướng mà cán bộ dưới quyền có thể phát triển tới một khi được tin tưởng giao cho đúng công việc.

Đồng chí Trần Đông, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá rằng, chính sau khi đồng chí Trần Quốc Hoàn được Đảng cử sang trực tiếp phụ trách Công an, “thực sự là một sự chuyển biến về chất trong công tác và tổ chức Công an. Ngay trong những năm đầu cho đến những năm sau này, anh Trần Quốc Hoàn đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức cán bộ, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, chú trọng việc đào tạo cán bộ trong các dân tộc thiểu số, đào tạo đội ngũ cán bộ không chỉ phục vụ trước mắt mà còn phục vụ lâu dài…”.

Đồng chí Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cũng nhận xét: “Trong lãnh đạo, đồng chí Trần Quốc Hoàn đặc biệt chú trọng công tác cán bộ. Theo đồng chí, trong công tác cán bộ thì đánh giá cán bộ là khó nhất, và phải thông qua kết quả hoạt động thực tiễn của từng cán bộ đế đánh giá đúng về người cán bộ ấy. Do đó trong việc bố trí hay đề bạt cán bộ, bao giờ đồng chí cũng đưa ra bàn bạc trong tập thể Đảng đoàn Bộ; chứ không chỉ dùng quyền của Bộ trưởng mà quyết định theo ý riêng mình…”.

Đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, kể lại rằng, năm 1964, sau khi thoát khỏi nhà tù Mỹ - ngụy ra Bắc, đồng chí đã rất ngạc nhiên khi hay tin đồng chí Trần Quốc Hoàn lựa chọn mình vào vị trí Cục trưởng Cục Kỹ thuật của Bộ Công an. Đánh bạo tới gặp và thổ lộ những băn khoăn của mình về cương vị mới, viện lý do là mình trình độ văn hóa, trình độ kỹ thuật chưa được trau dồi bao nhiêu, đồng chí Trần Quốc Hương đã nhận được lời giải thích ôn tồn, tình cảm nhưng rất thuyết phục từ Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn:

- Địch sử dụng kỹ thuật để đánh phá ta, ta cũng phải vươn lên về mặt này để đánh chúng. Các cán bộ kỹ thuật sẽ giúp anh. Trước hết anh cần lãnh đạo để anh em ra sức quyết tâm nâng cao trình độ, vừa làm vừa học, học tập không ngừng thì sẽ làm được. Đối với chúng ta, khi đi làm cách mạng, ăn thua là xác định được tư tưởng chính trị tốt, rồi từ đó ta sẽ hết lòng phấn đấu thì sẽ khắc phục được…

Rồi Bộ trưởng lại nói tiếp:

- Tôi cũng như anh, khi đi làm cách mạng chẳng học hỏi được bao nhiêu, nay cách mạng cần thì mình phải cố gắng, ra sức học tập để làm mọi việc mà Đảng và nhân dân giao phó. Từ chỗ chẳng biết gì về khoa học kỹ thuật, nhưng do nhiều năm làm việc với anh em khoa học, học ở anh em, học ở các chuyên gia, dần dần tôi cũng nắm được, thấy hiểu biết được nhiều và cũng có rất nhiều thú vị trong cuộc đấu tranh này.

Trong bối cảnh tình hình lúc đó, cách tư duy này đã có tác dụng rất tích cực. Quả thực sau đó, với rất nhiều cố gắng và quyết tâm, Cục Kỹ thuật do đồng chí Trần Quốc Hương, như chính đồng chí nhận xét, “đã có những đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh chống gián điệp biệt kích…”.

Cũng theo hồi ức của đồng chí Trần Quốc Hương, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là một nhà lãnh đạo rất biết quý trọng nhân tài: “Anh rất quan tâm tới lớp trẻ, anh gần gụi mọi người. Anh có tính cách rất hay mà chúng tôi thấy rất đáng học tập là anh coi trọng công tác cán bộ, từ việc lựa chọn bồi dưỡng đến việc đánh giá, sử dụng cán bộ. Anh rất quan tâm đến việc trọng dụng nhân tài, anh đã thực sự “chiêu hiền đãi sĩ”. Nghe ở đâu có người giỏi là anh tìm cách liên hệ, gặp gỡ, trao đổi để học hỏi, bàn bạc, tranh thủ sự giúp đỡ và nếu có thể thì xin về phục vụ trong ngành hoặc cộng tác với ngành…”.

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu Nhân cũng nhớ lại rằng, trong quá trình chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất cho lực lượng Công an nhân dân, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã luôn nhắc nhở cấp dưới phải hết sức quan tâm tới yếu tố con người. Đồng chí nói: “Vì các anh là đơn vị kỹ thuật nghiệp vụ nên lãnh đạo phải đồng thời coi trọng cả hai việc lớn: xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong mối quan hệ giữa thiết bị và con người thì phải lấy con người là chính”…

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Nhân cũng ghi lại những nhận xét của cá nhân mình về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn sau những tháng ngày được làm việc gần với lãnh đạo: “Đồng chí Trần Quốc Hoàn là một đồng chí lãnh đạo rất nghiêm túc, có uy lực lãnh đạo cao, nhưng lại rất gần gụi cán bộ. Đồng chí có tác phong sâu sát, điều tra nghiên cứu rất kỹ càng trước khi ra quyết định. Ra quyết định thì rất cụ thể, dứt khoát và ít khi thay đổi…”.

Cũng theo hồi ức của đồng chí Hoàng Tùng, lực lượng Công an nhân dân dưới sự điều hành trực tiếp của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trong những năm chiến tranh đầy gian nguy của đất nước đã hoàn thành xuất sắc rất nhiều nhiệm vụ khó khăn, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Đồng chí Hoàng Tùng viết: “Có lần anh Lê Duẩn nói với anh Hoàn: Công an của ta là loại giỏi đấy. Lời khen ấy là chân thành. Tôi nghĩ Hoàn là người có khiếu điều tra, có mưu lược, kiên trì theo đuổi mục tiêu. Anh ấy là người đắc chí và thành đạt”

Nguồn CAND: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2013/2/56485.cand